Đạo diễn Long Vân - Những ấn tượng không thể quên

(TGĐA) - Đạo diễn Long Vân – tác giả của bộ phim kinh điển Biệt động Sài Gòn vừa qua đời ở tuổi 87 trong sự thương tiếc của những người làm điện ảnh cũng như khán giả yêu mến. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin gửi tới bạn đọc chút chia sẻ xúc động và chân thực của Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã về ông, người đạo diễn tài hoa ăn, ngủ và sống cùng điện ảnh…

Đạo diễn Long Vân của 'Biệt động Sài Gòn' qua đời Đạo diễn Long Vân của 'Biệt động Sài Gòn' qua đời
Đạo diễn Long Vân - Những ấn tượng không thể quên
Đạo diễn Long Vân

Khi tôi vào làm việc chính thức tại Hãng phim truyện VN (1986), thì phim Biệt động Sài Gòn đã và đang nổi như cồn. Tôi nhìn dòng người xếp hàng mua vé dài loằng ngoằng trước cửa mấy rạp chiếu phim mà tôi hay đi qua, lòng vừa thán phục, vừa lo lắng thầm nghĩ không biết đến bao giờ tôi mới được tham gia vào những dự án gây tiếng vang như thế. Và tôi tò mò về ekip sáng tạo phim này. Biên kịch phim thì tôi đã được làm việc cùng rồi, và ấn tượng vừa thích vừa sợ khiến sau khi kịch bản của tôi có quyết định sản xuất, thì tôi cũng tránh mặt luôn để khỏi đối mặt với những câu hỏi như sóc óc của ông. Nhưng còn đạo diễn thì chưa từng tiếp xúc. Đạo diễn Long Vân ở Xưởng làm phim I (sau này tách ra thành Hãng phim truyện I) còn tôi ở Xưởng II, chả có gì liên quan. Nhưng vì seri phim 4 tập ấy nổi đình nổi đám quá, nên không thể không tò mò về ông.

Đạo diễn Long Vân - Những ấn tượng không thể quên
Đạo diễn Long Vân (bên phải ngoài cùng) trên trường quay Biệt động Sài Gòn

Và ngay cuối năm ấy, trong buổi Tổng kết nghệ thuật thường niên của Hãng phim, tôi mới thực sự nhìn rõ ông. Một người đàn ông có thể coi là điển trai (ông xuất thân là diễn viên), nhưng có gì đó hơi ngô nghê bởi cái cười không ra cười nhưng thường trực, và nhất là không “lợi khẩu”, điều tôi đã thấy khi tiếp xúc với các đạo diễn và biên kịch khác của Hãng. Ông hút thuốc rất nhiều, lúc nào cũng thấy điếu thuốc ở tay, giống hệt ông bạn thân là nhà văn - nhà biên kịch Lê Phương. Tôi biết họ thân nhau vì thường thấy vào mỗi thứ 3 hàng tuần, vào ngày họp các xưởng, họ lại líu ríu kéo nhau ra hết góc nọ đến góc kia của cái cơ sở 4 Thụy Khuê rất nhiều ngóc ngách. Mỗi người một điếu thuốc, cứ gật gù, thì thầm, thỉnh thoảng lại quát lên với nhau, xong lại gật gù… kiểu âm mưu. Hình ảnh này về sau, khi đã sống cùng chồng tôi nhà biên kịch Lê Phương, tôi gặp thường xuyên hơn dù nhà tôi ở cách trung tâm Hà Nội tới gần 20 km. Ông Long Vân hay “bất ngờ xuất hiện” ở cổng nhà tôi mà không báo trước, khi thì đi một mình khi thì có ai đó chở sang bằng xe máy. Tôi làm đồ nhắm cho mấy ông, và nghe lỏm, thấy lúc thì cười kha kha, lúc lại gắt gỏng, thậm chí văng tục. Đạo diễn Long Vân kém chồng tôi 3 tuổi, gương mặt lại trẻ hơn tuổi, nhưng họ “mày tao” với nhau rất thoải mái. Trong những cuộc nhậu như thế, không mấy khi thấy họ nói đến người thứ ba nào đó, hoặc về một dự án đã làm xong, ngay cả với cái phim 4 tập đang nổi đình nổi đám trong hàng chục năm trời. Mọi chuyện trò chỉ tập trung vào một nội dung duy nhất: làm một kịch bản mới, của mình hoặc của người khác, và bàn mưu làm thế nào để dự án ấy được đưa vào guồng sản xuất. Thi thoảng giữa cuộc nhậu, nhà tôi có khách đến chơi. Chồng tôi kéo luôn khách mới vào mâm. Nhưng từ lúc ấy, ông Long Vân bỗng như người khác. Mọi câu chuyện dù vui đến mấy mà không liên quan đến phim ảnh đều không chạm được vào ông. Ông ngồi đó, chỉ uống mà không ăn mấy khi, khói thuốc lá vờn lên lơ mơ như đã lạc vào cõi khác, chờ cho những câu chuyện “không liên quan” kia tự chấm dứt… Hoặc có lúc không đợi được nữa, ông đột ngột đứng dậy xỏ dép, nói cụt lủn “Tao về!” rồi bắt tay mọi người, đi luôn. Có lần tôi hơi hoảng, hỏi chồng tôi rằng hình như anh Long Vân dỗi. Thì chồng tôi cười, nói: “Thằng ấy mà nó biết dỗi thì đã không chơi với anh. Ngồi ở xưởng mà nói những chuyện không liên quan đến phim là nó cũng mất điện luôn”.

Ông Long Vân là thế. Ăn điện ảnh, ngủ điện ảnh và… uống rượu với điện ảnh. Sau này, qua chị Kim Cương vợ anh, tôi còn biết một chuyện “tày đình”, là cái phim 4 tập Biệt động Sài Gòn ấy, hoá ra chẳng mang lại lợi ích vật chất gì cho anh. Sau khi phim đóng máy hoàn toàn, bản phim cuối cùng được giao đi, anh mới thực sự trở về nhà với vợ (phim làm trong TP HCM suốt 4 năm trời), thì suốt 1 năm sau đó, chị Kim Cương không được cầm một đồng lương nào của chồng, vì anh đã vay trước lương và nhuận bút tiêu sạch trong lúc đang làm phim ấy rồi. Nghĩa là suốt cả trong thời gian anh đang làm phim ấy, vợ con cũng chẳng nhìn thấy lương của anh đâu. May mắn cho anh, chị Kim Cương vợ anh là một ca sĩ trong đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, tức cũng là một nghệ sĩ, nhưng lại rất đảm. Anh tiêu pha khá thoải mái, thậm chí thỉnh thoảng còn xin tiền vợ, vì thế như chồng tôi nói: “Long Vân nó không biết tiền là gì đâu”. Sau này khi con gái Vân Dung đã lớn và được mẹ trợ giúp để trở thành một doanh nhân thành đạt, thì đạo diễn Long Vân càng “như người trên mây” về chuyện tiền bạc. Vợ và con cùng chu đáo, cùng tận tâm với cha, chồng nên bộ não của ông chỉ dành cho phim, phim và… phim… Vậy thôi.

Đạo diễn Long Vân - Những ấn tượng không thể quên
Đạo diễn Long Vân phân tích bối cảnh trong phim Giải phóng Sài Gòn

Nói vậy cũng không có nghĩa là đạo diễn Long Vân không có những tâm sự bất ổn. Có một lần duy nhất tôi chứng kiến ông buồn. Đó là vào năm 1988 - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 ở Đà Nẵng, Hãng phim truyện Việt Nam năm ấy ẵm hầu hết các giải của liên hoan phim, nhưng riêng bộ phim Biệt động Sài Gòn của Long Vân không hiểu sao lại không có giải nào dù đó là bộ phim màu hiếm hoi lúc đó và vẫn đang “làm vua phòng vé” như cách nói bây giờ. Sau lễ trao giải và bế mạc liên hoan phim, sáng hôm sau vào giờ đi ăn của cả đoàn, tôi thấy ông vẫn nằm trên giường trong khách sạn (phòng chung với 6 giường đơn), và… quay mặt vào vách. Chồng tôi lúc đó ở cùng phòng với Long Vân, nháy tôi “Mặc kệ nó, nó buồn vì phim không được giải gì ấy mà”, rồi kéo tôi đi. Nhưng chỉ thế thôi. Chiều đó cả đoàn lên tàu về Hà Nội, lại thấy ông cười hớn hở với mọi người, và sang tận chỗ của chồng tôi (đang ở với nhà biên kịch Bành Châu và đạo diễn Khánh Dư) để lại thì thầm, gắt gỏng, rồi lại gật gù trong khói thuốc lá um xùm của mấy cái “ống khói” thi nhau nhả không ngừng. Dường như ông không có thời gian cho cái đã qua. Và sau này cũng không bao giờ tôi thấy ông nhắc lại về sự ấm ức hay nỗi buồn ấy nữa. Sau này tôi còn chứng kiến ông và chồng tôi “âm mưu” cho phim Giải phóng Sài Gòn, dù chồng tôi không phải là biên kịch của phim này. Tôi biết ông cần sự đồng cảm, đồng hành của người bạn thân, khi mà cái dự án ấy phải lẵng đẵng 13 năm mới có quyết định sản xuất kể từ lúc kịch bản được khởi động với hàng chục lần tự sửa chữa. Suốt thời gian ấy, vì ông đã về hưu, nên sự thúc đẩy không được xuôi chèo mát mái như trước đây, cũng có lúc ông dường như mất hy vọng. Những lúc ấy, tôi bắt gặp hai ông ngồi phun khói thuốc lá và… im lặng rất lâu. Chồng tôi thường có rượu ngon chôn ở vườn. Họ đào một hũ lên, uống rượu với chút lạc rang dù tôi đã biện đủ món trên mâm, rồi ông bỗng dằn cái chén xuống, đứng dậy và nói gọn lỏn “Tao về”. Chỉ thế thôi. Để rồi khi mọi việc có tín hiệu vui, ông lại ào ào như thác cuốn, lại tủm tỉm cười mà như không cười, đôi mắt sáng quắc đầy nhiệt quyết cùng với bộ não vận động không ngừng.

Đạo diễn Long Vân - Những ấn tượng không thể quên
Đạo diễn Long Vân trên trường quay phim Giải phóng Sài Gòn
Đạo diễn Long Vân của 'Biệt động Sài Gòn' qua đời Đạo diễn Long Vân của 'Biệt động Sài Gòn' qua đời

(TGĐA) - Đạo diễn Long Vân - người từng làm nên bộ phim kinh điển ...

NBK Trịnh Thanh Nhã