(TGĐA) - Covid-19 vẫn tiếp tục là vấn đề quan tâm hàng đầu của điện ảnh Nga tuy nhiên nó không hẳn là tác nhân chính dẫn tới sự khủng hoảng hiện tại. Mới đây, trong tọa đàm với chủ đề "Nội dung và triển vọng của điện ảnh Nga", đạo diễn Pavel Lungin đã chia sẻ về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sergei Gerasimov: Một cuộc sống dài lâu, một sức sáng tạo bền bỉ | |
Các đạo diễn Nga nói về Năm điện ảnh Nga | |
Đạo diễn Nga Karen Shakhnazarov: Hệ thống phân phối kinh phí của chúng ta khá kỳ quặc |
|
Thưa đạo diễn, hiện nay rất nhiều người nói về cuộc khủng hoảng mới trong điện ảnh Nga do đại dịch Covid-19. Ông có nghĩ rằng nền điện ảnh đã bị ngưng trệ không?
Thành thật mà nói, bản thân tôi bị cách ly lâu rồi. Chẳng hạn, với tôi mọi việc đều dẫm chân tại chỗ. Khi tôi định tìm hiểu xem bao giờ công việc lại bắt đầu, người ta thông báo rằng phải chờ đến mùa xuân năm sau bộ phim mới của tôi mới được chiếu ra mắt.
Ở nước Nga, người ta đang bắt đầu làm lại những bộ phim cũ. Nhiều khán giả thắc mắc: tại sao, để làm gì? Phải chăng các đạo diễn đã cạn kiệt trí tưởng tượng?
Bây giờ nhiều người làm phim tài năng đã chuyển sang hoạt động trên môi trường Internet. Bởi hiện nay, bạn có thể xem phim không phải trên TV hoặc trong các rạp chiếu phim truyền thống – đã xuất hiện một cửa sổ hoàn toàn mới cho phép chúng ta xem những bộ phim ít bị kiểm duyệt. Những gì “hay ho” nhất đang diễn ra ở đó. Và những nền tảng này có thể trở thành một bước tiến mới, một nguồn tài trợ mới cho các nhà làm phim của chúng ta đang rơi vào tình trạng lơ lửng do dịch Covid-19. Nhưng ở những nền tảng chiếu phim của chúng ta, than ôi, khán giả vẫn còn ít.
Liên quan tới việc quay lại các bộ phim cũ: sẽ rất thú vị nếu ba đạo diễn Nga nổi tiếng nào đấy làm riêng, chẳng hạn, phim Chapaev. Nghĩa là không phải làm lại mà là làm một bộ phim mới thật tốt, rồi sau đó so sánh kết quả với nhau, hay nói đúng hơn là khán giả sẽ so sánh kết quả này. Bạn hãy tưởng tượng: ''Chapaev-1, Chapaev-2, Chapaev-3 sẽ lần lượt được trình chiếu... Còn làm lại những gì đã được làm tốt cũng giống như chép lại những bức tranh hoặc mặc đồ bơi cho các bức tượng Hy Lạp. Việc gì phải làm thế? Theo tôi, quan điểm sáng tạo này là sai lầm. Mặc dù các nhà sản xuất phim cho rằng bằng cách đó họ suy ngẫm lại câu chuyện được mô tả trong bộ phim cũ, làm cho nó trở nên dễ hiểu hơn đối với các thế hệ mới.
|
Nhưng điều đó thường được thực hiện theo cách mà tác giả của bộ phim cũ có thể sởn tóc gáy. Ở Mỹ, người ta có kế hoạch "làm mới" những bộ phim mà hiện nay trở nên không phù hợp về mặt chính trị, họ nói về một nền đạo đức mới. Nhưng phải chăng những hành động như vậy có đạo đức đối với tác phẩm và tác giả của nó?
Nói chung, đạo đức luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên, một số quan niệm cơ bản nào đấy về cái thiện và cái ác vẫn còn trong chúng ta. Mọi người vẫn biết phân biệt cái tốt, cái xấu và hiểu rõ cái ác và cái thiện tác động với nhau như thế nào. Vì vậy tất cả những thay đổi đạo đức này, việc xem xét lại cái cũ và chuyển nó sang kiểu mới chỉ là sự trang điểm, sửa đổi đạo đức không hơn không kém. Chúng thường không cần thiết. Những tác phẩm văn học lớn của thế giới, những tôn giáo lớn nói về sự ổn định nào đấy của hệ thống đạo đức. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: tôi không nghĩ rằng chúng ta cần làm lại những bộ phim cũ. Nói chung, tôi cảm thấy tất cả những cái này mang tính chất cường điệu hóa. Người ta tìm cách sử dụng các nguồn đầu tư nào đó vì những cảnh “khó coi” hiện nay trong một bộ phim cũ, dưới danh nghĩa quan tâm tới giới trẻ. Nhưng bản thân các bạn trẻ tự biết điều gì tốt và quan trọng đối với họ.
Khủng hoảng luôn là thời điểm thuận lợi để bắt đầu một công việc gì đấy. Trong lúc khủng hoảng, có thể đánh cắp, cuỗm đi một cái gì đó, làm điều gì đó không thể biết trước, giành giật một cái gì đó mà trước đấy vị thế của bạn không cho phép. Ví dụ, có lần tôi đã tận dụng những cơ hội như vậy khi làm phim Taxi Blues. Và bây giờ, tôi có cảm giác, nhiều đạo diễn thú vị, bất ngờ sẽ xuất hiện từ cuộc khủng hoảng này.
Thời gian gần đây, ở Mỹ, ngay cả trong điện ảnh, người ta cũng tích cực áp dụng hạn ngạch đối với các diễn viên thuộc một chủng tộc nào đó hoặc các dân tộc thiểu số. Còn ở Nga, người ta luôn nói về những mối liên hệ nào đó cho phép giữ sự ổn định. Tại sao chúng ta không áp dụng kinh nghiệm của người Mỹ, ví dụ, không làm phim về người Buryatia, Yakutia, Adyg? Hơn nữa, tại Liên hoan phim "Kinotavr" vừa qua, điện ảnh Yakutya ẵm hết các giải thưởng chính.
Điện ảnh Yakutia phát triển độc lập với điện ảnh Nga, giống như một thời điện ảnh Kazakhstan có đường lối hoàn toàn riêng của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, sự quan tâm đến điện ảnh dân tộc xuất hiện đồng thời với sự phát triển kinh tế hoặc các thảm họa. Khi Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng kinh tế, chúng ta biết đến điện ảnh Trung Quốc, sau đó là sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng phát hiện này luôn gắn liền với mối quan tâm chung về đất nước, con người và văn hóa. Tương tự, trong bối cảnh cuộc cải tổ ở Liên Xô, tất cả những bộ phim Nga ra đời vào những năm 1990 đến 2000 đều được châu Âu hết sức quan tâm, nghĩa là nền điện ảnh Nga nhận được sự quan tâm to lớn. Tôi nói điều này trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân. Sau đó, tất cả lại lắng xuống, chỉ hai hoặc ba tên tuổi được chú ý.
Tôi chờ đợi nhiều hơn những bộ phim hay về vùng Bắc Kavkaz. Mặc dù Yakutia có một nền thơ ca tuyệt vời và kho tàng văn học dân gian phong phú mà tôi thường thích thú đọc. Nói một cách nghiêm túc, hiện nay, tôi cảm thấy, nền điện ảnh của chúng ta đang gặt hái thành công. Bạn hãy nhìn xem: mỗi năm ở nước ta có một hoặc hai bộ phim Nga giữ những vị trí hàng đầu trong các bảng xếp hạng, mang về doanh thu lớn. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở các nước châu Âu. Thông thường, các bộ phim hài, phim về lịch sử, nhân vật anh hùng thành công nhất, thu hút sự quan tâm của toàn dân. Vì vậy hiện nay chúng ta không hơi đâu nghĩ tới điện ảnh Yakutia.
Ông nói rằng không nên làm lại các bộ phim cũ. Thế nhưng, chính ông đã làm lại phim Tổ quốc của mình, vốn là phim Israel...
|
Phóng tác lại là chuyện khác. Chúng tôi không làm lại mà phóng tác bộ phim cho khán giả của chúng tôi. Ví dụ, bộ phim truyền hình nhiều tập Tổ quốc ban đầu đúng là của Israel. Sau đó người Mỹ đã mua lại và làm thành một bộ phim hoàn toàn khác với kịch bản của Israel. Ở đấy có gián điệp, những tính cách khác nhau và đủ loại mưu kế. Còn đối với người Israel, Tổ quốc là bộ phim kể về những gì đang diễn ra trong gia đình của một người đàn ông trở về nhà sau 15 năm bị giam cầm. Chúng ta được xem mối quan hệ của anh ta với vợ, anh trai. Trong bộ phim phóng tác của chúng tôi, tôi định hướng vào kịch bản Mỹ. Theo hợp đồng, chúng tôi chỉ được quyền làm một tập, vì vậy vẫn chưa có phần tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch, nghệ sĩ nhân dân Nga Pavel Lungin sinh năm 1949 ở Moskva. Năm 1971, ông tốt nghiệp Khoa Toán và Ngôn ngữ ứng dụng, Đại học Quốc gia Moskva; năm 1980 – tốt nghiệp Trường Kịch bản cao cấp Nga. Từ năm 1976-1989, Pavel Lungin làm biên kịch tại các hãng phim chủ chốt trong nước. Đã có 10 kịch bản của ông được dựng thành phim. Bắt đầu từ năm 1990, Pavel Lungin chuyển sang làm đạo diễn phim. Nhiều bộ phim của ông được khán giả Nga mến mộ và đoạt các giải thưởng trong và ngoài nước. |
Sergei Gerasimov: Một cuộc sống dài lâu, một sức sáng tạo bền bỉ (TGĐA) - Sergei Gerasimov - diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sư phạm nổi ... |
Andrey Konchalovsky: 'Càng ít tiền càng tự do' (TGĐA) - Ngày 20 tháng 8 năm 2017, đạo diễn Nga nổi tiếng Andrey Konchalovsky ... |
Các đạo diễn Nga nói về Năm điện ảnh Nga (TGĐA) - Năm điện ảnh Nga 2016 đã kết thúc, nhân dịp này phóng viên ... |
Trần Hậu