Mùng 1 đầu năm nhưng bến xe điện ngầm vẫn đông nghịt và các tiệm đồ dưới hầm đã lác đác mở hàng. Trời về đêm ngõ hầu đã quá lạnh nhưng những con ngõ nhung nhúc người đi chơi năm mới ở Seo-myeon khiến tôi ấm sực. Hàng trăm quán bar, nhà hàng, tiệm bán đồ trang sức, quần áo, mỹ phẩm đã mở hàng ngay từ mùng 1.
| Bên trong chợ cá Jagalchi | |
Ngay cả chợ cá Jagalchi cũng mở cửa. Sáng mùng 2, toàn bộ vùng chợ cá đã hoạt động. Dọc con đường vào chợ cá, các nhà dân mở hết tiệm mặt phố để buôn hải sản. Những chậu tôm hùm, cua bể, bạch tuộc khổng lồ đang phơi râu đón nắng sớm.
| Một góc chợ cá Jagalchi ở Busan, nơi tràn ngập hải sản tươi sống được bày bán | |
Các chủ hàng nhảy ra chèo kéo chúng tôi y như bị lạc về chợ nhà. Họ đưa ra một thực đơn hấp dẫn, rằng thì là nhà hàng ở ngay trên gác, chúng tôi chọn đồ xong nhà bếp sẽ chế biến ngay cho tươi. Ra là vậy, ở đây nhà nào cũng vừa bán hải sản tươi sống vừa kinh doanh nhà hàng. Khách muốn mua về tự làm hay ăn luôn cũng xong.
| Các chủ hàng chèo kéo chúng tôi y như bị lạc về chợ nhà vậy... | |
Tầng trệt cửa hàng, tầng trên nhà hàng, nhất cử lưỡng tiện, cảng thì gần ngay đây, tàu bè từ khơi xa về là xuất thẳng tôm cá lên bờ khỏi mắc công vận chuyển. Nhưng ngó qua cũng thấy mắc lắm, năm người mà không lận lưng ít nhất ba bốn trăm ngàn Won thì thôi ăn phở ngó, chén bánh vẽ.
| Khách hàng có thể lựa chọn rồi thưởng thức luôn tại cửa hàng thế này | |
Những người buôn bán nhỏ lẻ thì bày ra mấy thùng nhựa ở góc chợ ngoài trời, bán những thức hải sản rẻ tiền hơn mà chủ yếu là các loại hàu, sò, điệp. Còn nhà buôn nhỡ thì ngồi trong chợ cá. Jagalchi là một dãy nhà hai tầng dài ngoẵng, trong ấy tấp nập người bán. Kẻ mua thì hôm nay có vãn hơn ngày thường.
| Những người buôn bán nhỏ lẻ thì bày ra mấy thùng nhựa ở góc chợ ngoài trời | |
Tôi hơi giật mình khi những khay hải sản khổng lồ bày bán toàn các loại sinh vật biển tôi chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Chúng xấu xí như một chiếc rễ cây với phần rễ khô xù xì tua rua một đầu, thân trên loe ra chứa vô số gai nhọn. Thoạt trông, tôi đinh ninh nó là một loại củ mọc dưới đáy biển, tới gần thấy chúng thở phập phồng thì sợ chết khiếp.
| Những con vật kỳ dị được bày bán ở chợ cá | |
Lại có những loài giống hệt một buồng gan hay lá phổi vừa được phẫu thuật lấy ra từ lồng ngực người sống. Chúng cũng đang phập phồng thở trên một chiếc mâm nhôm xâm xấp nước.
| Những con bạch tuộc nằm phơi nắng ở chợ cá Jagalchi | |
Những món kinh dị này đừng nói là bán lấy tiền, có phi hành tỏi thơm phức lên rồi bày biện đẹp mắt trên bàn ăn mà mời không tôi cũng chả. Jagalchi không chỉ có tôm cua cá như thường mà đầy nhóc những loài kỳ dị như thế.
| Jagalchi không chỉ có tôm cua cá như thường mà đầy nhóc những loài kỳ dị. | |
Chợ cá hoạt động tấp nập từ 2 giờ sáng tới 10 giờ đêm, ngày nào cũng vậy, có lẽ trừ đêm 30 mà thôi. Nhưng thứ đáng nhớ nhất lại chẳng phải cá trong chợ mà vì ngay sau chợ cá là biển.
Biển xanh ngằn ngặt trông ra những con tàu lớn đang neo đậu và các tòa nhà cao tầng dựa lưng vào núi. Phía xa kia là làng văn hóa Gamcheon đang rải đủ sắc màu lên sườn núi. Santorini của Hàn Quốc.
| Từ trên cao nhìn xuống, làng văn hóa Gamcheon rực rỡ đủ màu sắc | |
Từ một khu ổ chuột của thập niên 50, Gamcheon đã biến thành trung tâm nghệ thuật cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo: Những người chim nhỏ xíu nhìn xuống từ mái nhà, các bích họa siêu thực trên vách tường, hàng trăm con cá gỗ sặc sỡ kết tranh thành một chú cá lớn, hằng hà tiệm đồ lưu niệm bán những chiếc đèn ngủ tinh xảo, dăm đôi guốc gỗ, đũa sơn màu và đủ loại búp bê vải xinh đẹp.
| Hàng trăm con cá gỗ sặc sỡ kết tranh thành một chú cá lớn ở bức tường của làng văn hóa Gamcheon | |
Các ngóc ngách nhỏ hẹp của ngôi làng với những bậc thang rẽ ngoặt vào một gallery, quầy bar hay studio ảnh nghệ thuật là niềm quyến rũ vô tận đối với người Busan. Từ nóc tòa nhà trên đỉnh đồi cao nhất của Gamcheon có thể nhìn thấy chợ cá và ngược lại. Hôm nay nắng tràn rực rỡ trên mọi nẻo đường, nắng dát bạc lóng lánh lên những vẩy sóng và khiến các vách tường Gamcheon thêm phần sặc sỡ.
| Một trong những sáng tạo đầy tình nghệ thuật của các nghệ sỹ tại làng văn hóa Gamcheon | |
Ngoài bờ nước, lũ Hải âu kêu chí chóe cả một vùng nước xanh. Chúng bổ như tên bắn xuống một mẩu bánh mì vừa được ném xuống và mừng rỡ khi thấy dăm con cá nhỏ đang lạc bầy. Trên bờ có hai nghệ sĩ saxophone, họ bắt đầu thổi bản “The moment”.
| Những bức tượng nhỏ như thế này có mặt ở khắp làng văn hóa Gamcheon | |
Hôm sau tôi còn được thưởng thức một chầu âm nhạc của nhóm nghệ sĩ đường phố bên bờ biển đêm Haeundae. Biển đen mò và lạnh giá như trên hành tinh khác, nhưng quanh bãi cát người ta vẫn ngồi vòng tròn để nghe nhạc và phía bên kia đường, khu phố đi bộ sầm uất với các tiệm ăn sáng rực đèn vàng, một nhóm biểu diễn hip-hop trên vỉa hè, cách đó một quãng là chàng trai trẻ đang làm ảo thuật với quả cầu thủy tinh.
| Một góc làng làng văn hóa Gamcheon | |
Ban ngày thì bãi biển Haeundae chắc phải hào nhoáng và nô nức lắm nhưng giờ tôi chỉ thấy rét cóng. Thôi là bắt taxi về Seo-myeon. Tôi rất khó hình dung ra địa hình của Busan khi khắp nơi là núi, thi thoảng lại bắt gặp một phần hải cảng với những con tàu chở hàng và container khổng lồ. Các khu dân cư của thành phố này có vẻ lắt nhắt. Chúng chia cắt nhau bằng những quả núi, những eo biển và cả những bãi đất trống hoang vu rộng lớn. Vì thế trong các khu phố cổ, Busan có vẻ chậm chạp và cổ lỗ hơn Seoul, nhưng vươn ra không gian, đô thị này dường như hiện đại và khoáng đạt hơn cả thủ đô của nó.
| Bãi biển Haeundae yên bình trong đêm | |
Lúc trưa nay tôi đã nhìn thấy một nhà hàng hải sản có vẻ ngon ở giữa khu Seo-myeon, thấy quảng cáo có 30.000 Won một người, muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Giờ chúng tôi sẽ quay lại nhà hàng ấy. Đến thành phố biển phải chén hải sản là đúng rồi. Không ngờ đến nơi quán đông tới độ phải xếp hàng ngoài cửa, mà chúng tôi còn phải sau bốn nhóm nữa. Người ta kê mấy cái ghế nhựa cho khách chờ dưới hiên.
Năm cái bụng đói meo ngồi hít gió lạnh, mắt ngẩn ngơ nhìn vào lũ người sung sướng đang chễm chệ bên trong với cái nồi hải sản bốc khói nghi ngút trước mặt. Nhưng xếp hàng đông thế này thì đích thị là ngon bổ rẻ đi rồi. Chúng tôi đợi thêm 45 phút thì tới lượt. Nhưng vào bên trong xem thực đơn mới thấy suất buffet có ba mức giá. Chẳng ngờ loại ba vạn Won mà tôi vừa gọi chỉ chủ yếu là sò, điệp và những con có vỏ ăn rất chán, còn muốn thêm tôm và bạch tuộc thì phải trả sáu vạn Won. Trên thực đơn cũng in hình rất nhiều loài kỳ dị, thậm chí còn kinh hơn cả ngoài chợ.
| Một góc chợ cá Jagalchi ở Busan, nơi tràn ngập hải sản tươi sống được bày bán | |
Tôi gọi thêm một suất “sinh vật biển” là lạ nữa, nhưng trông vẫn ra dáng hải sản chứ không phải trùn đất hay rễ cây. Tuy nhiên khi ăn nó đắng như thuốc chứ chả ngon lành gì. Người Busan ăn hải sản theo hai cách, một là lẩu, hai là mỗi bàn được phát một khay giấy bạc có sẵn pho mát. Khi ăn cho hải sản vào tự nướng với hành tây. Sò điệp quyện với pho mát tan chảy ăn béo ngậy. Hiềm nỗi thức ngon thì không có nên cái cảm giác không thỏa mãn về đường ăn uống đeo đẳng suốt cả tuần nay giờ như giọt nước tràn ly, nhất là sau khi chúng tôi phải ngồi xếp hàng ngoài vỉa hè gió lạnh cả tiếng đồng hồ.
| Một góc làng làng văn hóa Gamcheon | |
Ăn tiệc hải sản mà mặt ai nấy lầm lầm lì lì như muốn giận dỗi. Mà giận ai mới được cơ chứ. Tối ấy về nhà, mấy gã trai ở quầy lễ tân chào hỏi và nói rằng đã thuê được cho chúng tôi một xe Limousine ra sân bay lúc tảng sáng ngày mai. Nhân câu chuyện chúng tôi con cà con kê thêm ít phút. Có hai gã tự hào rằng đã đến Việt Nam rồi, vui lắm, thích lắm, và… đồ ăn thì tuyệt vời. “Vietnamese food, wonderful”. Gã giơ ngón tay cái lên. Gã bên cạnh toét miệng gật gù hưởng ứng. Nỗi bực bõ về cái sự ăn uống bất ngờ trỗi dậy, tôi những muốn xí xéo cho hả giận: “Đồ ăn Việt ngon như thế, mà đến đây chúng tôi phải ăn uống thế này đây hả… hả… hả?”
| Những con cua to đùng thò càng ra khỏi cả thùng... | |
Nửa tháng sau chuyến đi khó quên ấy, tôi bất ngờ bắt gặp lại hình ảnh cầu Gwangan trên màn bạc khi đang ngồi rạp xem Chiến binh Báo Đen. Cầu Gwangan kìa, con gái tôi thì thầm. Cây cầu vượt biển dài 7,4km giờ sáng rực vì hàng vạn ngọn đèn vàng với hàng trăm ngàn hiệu ứng ánh sáng. Những chiếc ô tô rượt đuổi nhau nghẹt thở. Tôi đã đi qua cầu Gwangan lúc đầu giờ chiều hôm mùng 2 Tết để sang phần đất liền bên kia thăm chùa Haedong Yonggungsa.
Cây cầu và cảng biển hôm ấy rơi rớt nắng, đẹp đến nỗi tôi cứ ngỡ mình đang đóng phim. Hèn chi các nhà làm phim Hollywood đã chọn địa điểm này cho siêu phẩm của họ. Giờ thì Báo Đen đã chình ình một bức tượng trên con đường ven biển Gwangalli. Tôi không thể quên Busan.
Sau này mỗi lần bật bản “The moment”, trong giai âm saxophone réo rắt của Kenny G., tôi lại nghe thêm tiếng hải âu chíu chít và cả ánh nắng vàng cuối đông đang chờn vờn trên gò má lạnh giá. Khách sạn Kimchee quả là thông minh khi ngay cổng vào đã vẽ một đôi cánh thiên thần lên tường với dòng chữ “I am in Busan”, xa xa là cầu Gwangan trên mặt biển.
Chẳng ai từ chối làm một tấm ảnh khi đứng giữa đôi cánh thiên thần ấy. Và tôi, cũng có một đôi cánh thiên thần.
Tôi không thể quên Busan. Sau này mỗi lần bật bản “The moment”, trong giai âm saxophone réo rắt của Kenny G., tôi lại nghe thêm tiếng hải âu chíu chít và cả ánh nắng vàng cuối đông đang chờn vờn trên gò má lạnh giá… | Vẻ đẹp tuyệt vời của ngôi chùa Haedong Yonggungsa ở Busan | | |