| khu nhà ở cung điện Gyeongbok | |
Được bao quanh bởi tám ngọn núi, Seoul nhờ thế mà bớt đi cái dáng vẻ công nghiệp tẻ nhạt và vô cảm của một thành phố phát triển thần tốc. Đứng giữa quảng trường Gwanghwamun vào giờ này có thể nhìn thấy rặng núi tím bảng lảng phía sau những mái cong màu ghi sẫm của cung điện Gyeongbok. Nếu cố tình quên đi những khách sạn năm sao và tòa thị chính đang bu kín xung quanh thì bỗng dưng được một cảm giác rất phiêu trên con tàu tốc hành vượt thời gian, thuở những chiến binh của vua Sejong ùa quân như vũ bão để đánh đuổi cướp biển Nhật Bản bảo vệ bờ cõi cho triều đại Joseon thịnh trị. Tôi cũng từng đứng trên lan can đỉnh đồi trong công viên Bầu trời vào lúc chiều tà, nhìn về phía Seoul thấy mình giống nhân vật chính trong một bộ phim viễn tưởng lãng mạn được sản xuất từ mấy xưởng ăn khách của Hàn Quốc: Những tòa nhà chọc trời được eo quanh bởi sông Hàn đang lọt thỏm trong dãy núi đã úa màu chiều và cả dải giang san ấy lại in một khung tím đậm lên ráng tà đã ửng cam hồng. Còn mình đây thì có lẽ đang trong bộ đồ bó sát kiểu Manga, khăn choàng bay phấp phới trên lưng và khoanh tay ngắm nhìn thành phố xem có cần phải giải cứu khỏi nguy biến của người hành tinh khác. Dẫu sao, nếu không có bát sơn chạy vòng xung quanh và nhấp nhô những ngõ nhà trên dốc thoải thì Seoul bớt tới chín phần thơ mộng.
| Đứng giữa quảng trường Gwanghwamun vào giờ này có thể nhìn thấy rặng núi tím bảng lảng phía sau những mái cong màu ghi sẫm của cung điện Gyeongbok. | |
Tôi đã dậy rất sớm để kịp giờ hẹn với guide trượt tuyết ở cổng bến metro Myeongdong. Guide trượt tuyết là một cô gái có nét đẹp điển hình của phụ nữ Hàn: Đôi mắt mí mỏng mà to tròn, khuôn mặt trái xoan thanh tú và sống mũi nhỏ nhắn thẳng tắp. Ngoài chúng tôi ra còn vài phụ nữ Mã Lai, một cặp vợ chồng người Mỹ, một cô gái Canada và vân vân người khác, đầy nhóc một xe. Sớm 28 Tết, chợ Nam Đại Môn còn chưa mở hàng và Seoul thì mới chỉ lác đác người qua lại. Dăm cậu thanh niên đang hối hả rảo bước ra ga tàu để về quê, chắc thế. Một nhân viên 7-Eleven vừa đẩy cửa vào thay ca. Và ở góc phố nhỏ, hai phụ nữ trung niên mặc áo lông vũ trùm đến mắt cá chân đang rôm rả bàn luận về một vài chuyện vặt đàn bà. Có lẽ là kế hoạch cho năm mới.
Thật hạnh phúc vì giờ này nếu còn đang ở Hà Nội, tôi sẽ phải bắt đầu một ngày bận rộn bằng việc đi sắm Tết, sẽ chen chúc trên đường Hoàng Hoa Thám để chọn cây cảnh, lên phố cổ để cố len bằng được qua Hàng Bông, Hàng Mã lấy ít bánh chưng và đồ trang trí, sẽ phải tranh đấu với tình trạng giao thông thất thủ và những quầy cashier vỡ trận trong siêu thị của những ngày giáp Tết. Chưa kể còn hì hụi dọn nhà và nấu vài nồi canh nhét vô tủ lạnh. Nhưng mà không, quên ngay đi nhé, giờ tôi đang bon bon về khu nghỉ mát Elysian Gangchon để trượt tuyết, trước khi sẽ lên đường khởi hành tới Gyeongju để đón giao thừa vào ngày mai. Lúc xe lướt qua hàng ngân hạnh trụi lá và rẽ vào những trảng đồi phủ tuyết, tôi lấy lòng phơi phới như xuân đã về. Đây mới thực là Tết!
| Khu trượt tuyết Elysian Gangchon | |
Xe dừng lại ở một cửa hàng dụng cụ ngay bên lộ, giữa đồng không mông quạnh trắng trời. Những nhóm trên xe bắt đầu chia thành nhiều tốp. Đa số sẽ không đi trượt tuyết mà muốn sang đảo Nami cách đó hơn 20 cây số để ngắm sông băng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một kho dụng cụ trượt tuyết. Hàng trăm bộ quần áo chuyên dụng đủ màu sắc, rồi găng tay, kính mắt và mũ bảo hiểm. Tha hồ mà chọn vì đằng nào giá thuê đồ cũng bao gồm trong tour rồi. Tôi chọn một bộ màu xanh ngọc rồi xúng xính lên người. Tuy nhiên mũ bảo hiểm phải thêm mất 10 ngàn Won. Cô guide xinh đẹp bảo rằng tour chúng tôi chọn đặt làm gì có mũ. Lại một chiêu nữa của người làm kinh doanh. Cả đời lũ tôi có biết trượt tuyết là gì đâu mà hiểu cần phải có những phụ kiện gì cho môn thể thao này. Thôi là đành móc thêm triệu bạc cho năm cái mũ rồi lại lục tục lên xe đi tiếp.
| Đây là những tay trượt được coi là lão luyện ở Elysian Gangchon | |
Khu trượt tuyết đã ở phía trước. Một vùng trắng lóa lấp lánh dưới nắng mùa đông và những chấm xanh đỏ đang lao vun vút một cách điệu nghệ từ trên đỉnh núi dốc đứng. Ý định ban đầu của tôi chỉ là “tham quan” trượt tuyết, nhưng không ngờ sau nửa tiếng đồng hồ thì tôi đã có thể trượt vèo vèo, tất nhiên là ở đường băng “cùi bắp” nhất dành cho những kẻ mới tập tọe trên ván trượt. Riêng công đoạn xỏ giày tuyết và bê hai thanh ván trượt với gậy chống từ nhà kho ra đường trượt cách có hai chục mét đã là cả nỗ lực. Đôi ủng nặng chịch bằng chất liệu cứng cao đến bắp vế để nhỡ có ngã và va đập thì khỏi vỡ ống đồng, những vật dụng kia cũng vậy, cộng cả áo quần dễ đến hơn chục cân. Kẻ chưa quen thì khổ sở nhích từng bước trên tuyết.
| Khu trượt tuyết Elysian Gangchon | |
Cô guide xinh bắt đầu hướng dẫn chúng tôi cách khớp giày trên ván trượt và vài động tác cơ bản rồi bảo đấy các bạn trượt đi, đúng hai giờ chiều tôi quay lại đón, đoạn biến mất tiêu vào tuyết trắng. Chẳng là trong giá tour đã bao gồm “Lớp học trượt tuyết”. Giáo viên của chúng tôi là cô guide. Lớp học kéo dài trong 15 phút. Tôi bắt đầu giống một con rùa. Trượt được nửa đường thì ngã oạch rồi không tài nào đứng dậy được nữa với thanh ván trượt dài ngoẵng mắc vào chân. Những kẻ chổng vó như rùa bị lật ngửa mai cũng vô số xung quanh. Trong lúc chân co chân duỗi chờ một “vận động viên” đi lại thẳng thớm vọt qua để nhờ vả thì tôi lặng ngắm bầu trời trong vắt của mùa đông. Những đường trượt trên cao kia phải đi bằng cáp treo mới tới nơi. Người ta ngồi cáp lên, rồi trượt đánh vèo xuống.
| Rất nhiều người đang tập cho những cú trượt đầu tiên | |
Những khúc cua tay áo tử thần chỉ dành cho dân chuyên nghiệp và những kẻ đã học trượt tuyết từ lúc bắt đầu biết đi vững. Ngã trên tuyết oành oạch như tôi thì chẳng xi nhê gì vì đường trượt chỉ dốc 30 độ, tuyết lại mềm. Nhưng vô cùng nhiều tai nạn đã xảy ra trên những đường trượt mạo hiểm từ đỉnh núi, khiến cho các vận động viên nghiệp dư đâm biến thành kẻ tật nguyền. Nhưng lát nữa đây, sau khi đã trượt được một lèo không ngắc ngứ từ đỉnh dốc, tôi hiểu ngay vì sao môn thể thao phức tạp và nặng chịch vật dụng này lại quyến rũ đến như vậy. Tết nhất đến nơi, tưởng có mỗi mình rảnh rỗi leo núi trượt tuyết, dè đâu là Elysian Gangchon đông nượp dân bản địa. Họ hay đi cả gia đình. Thường nhà nào đã có một thành viên biết trượt tuyết là sẽ dìu dắt, gây nghiện cho cả nhà. Những đứa trẻ mới năm sáu tuổi trượt nhoay nhoáy một cách sành điệu. Chúng lao chiu chíu trên dốc tuyết, xoay vòng, chỉnh tốc độ, rồi phanh gấp như một tay trượt lão luyện, mặt thì tỉnh bơ như thể đi trên bãi cỏ.
|
Những chiếc cáp treo bám đầy tuyết... |
Tôi vẫn không tài nào đứng dậy nổi vì những tay trượt trên dốc này cũng toàn loại bập bẹ, không ở trạng thái “lật mai rùa” thì cũng đang đứng lơ ngơ bất động giữa trời tuyết như bù nhìn rơm. Vậy mà chỉ nửa tiếng sau tôi đã trượt thành công. Cảm giác tốc độ mà êm ru, trơn tru, mượt mà trên dốc tuyết chính xác là thứ rất dễ gây thèm muốn. Tôi từng biết trượt patin nên học món này cũng nhanh, vì nguyên lý giống nhau ở độ nghiêng về phía trước của cơ thể. Nhìn anh nào thẳng đơ người thì biết chắc từ một đến hai giây nữa là sẽ ngã oạch. Mà khổ nỗi, theo phản xạ thì cứ thấy dốc là con người ta lại thường hơi ngửa ra sau để trì lại. Trượt tuyết, cũng chỉ sướng được vài giây, phần còn lại thì rất khổ. Vì anh trượt đánh vèo xuống, cái sự sung sướng còn chưa kịp ngấm vào quả tim mới bắt đầu thùm thụp thì đã thấy mình đang ở dưới chân dốc, vậy là lại lụi cụi tháo ván trượt ra rồi ôm của quý chục cân ấy lội ngược lại đỉnh dốc. Nên những tay trượt siêu mới thường chọn đỉnh núi cao nhất mà trượt xuống để kéo dài cái sự sung sướng và độ phê vì trải nghiệm mạo hiểm.
|
Những đứa trẻ được bố mẹ hướng dẫn trượt tuyết |
Cạnh khu trượt tuyết có một nhà ăn khổng lồ. Ở đó những kẻ đói mèm sau chầu thể thao mùa đông ngồi ăn rào rào như người Việt đi ăn đám cưới. Giá một suất mì trộn nước sốt là hơn hai trăm ngàn tiền Việt. Cô gái người Canada tên Daisy ngồi cạnh tôi cũng ăn một suất mì như thế. Ban nãy cô đi chung xe với chúng tôi từ bến tàu Myeongdong và đến nơi đã có sẵn quần áo, găng tay, thậm chí còn chả cần mũ bảo hiểm nữa. Daisy cũng biết trượt sơ sơ nên hiểu một tour trượt cần có những gì để chuẩn bị sẵn khỏi tốn tiền thuê. Một kẻ tay mơ như tôi còn tốn thêm cả vài ngàn Won để mua thêm vé cáp treo. Những tưởng cáp treo ấy để… tham quan toàn khu, dè đâu chỉ dành cho dân chuyên nghiệp đi lên đỉnh núi rồi trượt xuống.
| Những cáp treo giá vài ngàn won chỉ để du khách lên đỉnh rồi trượt xuống | |
Daisy là giáo viên tình nguyện ở Hà Nội. Cô sống ở đó đã được hai năm, lần này là sang Hàn Quốc nghỉ Tết. Trong suốt ba tuần cô chỉ ở Seoul, ngoài ra không đi đâu nữa cả. Tôi kinh ngạc hỏi cô làm gì ngần ấy thời gian chỉ ở một chỗ, sẽ chán chết cho coi. Cô bảo hôm nay cô đi trượt tuyết rồi nghỉ một ngày, sau đó sẽ ra biên giới Bắc – Nam Triều Tiên, ngoài ra còn có kế hoạch khám phá đường hầm ở ngoại vi Seoul. Mỗi người có một cách du ngoạn rất riêng như thế. Người thì khám phá cho kỹ một nơi, kẻ thì di chuyển liên tục để điểm danh từng thành phố. Hôm ấy tối muộn tôi mới trở về Seoul, coi trên tivi lắp ở các quán ăn lúc nào cũng thấy cảnh các vận động viên đang trượt băng, trượt tuyết. Ngày xưa tôi không bao giờ xem Thế vận hội mùa đông và ngạc nhiên là những môn thể thao này lại có nhiều khán giả đến thế, nhưng sau một chầu trượt tuyết, bỗng chợt nhận ra mình đang dán mắt vào màn hình một cách say mê và thi thoảng thốt lên lời trầm trồ. Ừ, bạn sẽ chỉ thích xem Thế vận hội mùa đông nếu như nơi bạn ở có tuyết, hoặc chí ít, cũng đã từng trải qua một môn thể thao trên tuyết một lần trong đời.
| Tuyết rơi mùa đông ở cung điện Gyeongbok | |
Trượt tuyết, cũng chỉ sướng được vài giây, phần còn lại thì rất khổ. Vì anh trượt đánh vèo xuống, cái sự sung sướng còn chưa kịp ngấm vào quả tim mới bắt đầu thùm thụp thì đã thấy mình đang ở dưới chân dốc, vậy là lại lụi cụi tháo ván trượt ra rồi ôm của quý chục cân ấy lội ngược lại đỉnh dốc… |