Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi lại 'nóng' khi tiếp tục xin góp ý

(TGĐA) - Thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và sau 10 lần chỉnh sửa, Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) vẫn chưa hết “nóng” khi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong Hội nghị góp ý được tổ chức sáng nay, ngày 18/2/2022.

Giới làm phim Việt lên tiếng về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi Giới làm phim Việt lên tiếng về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi
Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam

Luật điện ảnh cần tiếp tục chính xác, chi tiết hơn

“Hội nghị góp ý dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi)” được tổ chức sáng 18/2 do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức để tiếp tục hoàn thiện bộ Luật trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 tới. Chủ trì hội nghị gồm Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng ông Phan Viết Lượng – Phó chủ nhiệm. Tham gia góp ý kiến tiếp tục là các lãnh đạo bộ ngành liên quan tới việc soạn thảo Luật điện ảnh, giới điện ảnh, Luật sư cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng ông Phan Viết Lượng – Phó chủ nhiệm chủ trì hội nghị
Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng ông Phan Viết Lượng – Phó chủ nhiệm chủ trì hội nghị

15 góp ý trong buổi sáng, mỗi phát biểu gói gọn trong 15 phút là con số chưa đủ thỏa mãn khi nhiều cá nhân tham gia hội nghị muốn tiếp tục đóng góp vào sửa đổi. Ngay cả cá nhân những người được chia sẻ cũng phải khống chế thời gian của mình sao cho góp ý trọng tâm nhất. Điều đó nói lên rằng, dù đã chỉnh sửa đến 10 lần nhưng Luật điện ảnh (dự thảo) vẫn còn quá nhiều thiếu sót, bất cập nhưng mặt khác, cũng như cho thấy sự quan tâm của mọi người trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới phát triển ngành trở thành một nền công nghiệp điện ảnh. Điểm tích nữa là đa số những góp ý đều cho rằng, sau một thời gian nhận góp ý chỉnh sửa, Luật điện ảnh đã dần hoàn thiện và chi tiết hơn. Và để được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới cũng như tránh những bất cập khi thực thi sau này, Luật điện ảnh cần phải chi tiết và quy phạm hơn.

Ví dụ, trong ý kiến đóng góp của bà Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nêu rằng, khi đã vào Luật thì những giải thích từ ngữ, thuật ngữ trong điện ảnh cần phải quy định chính xác, cân nhắc nhiều khía cạnh để tránh những việc bất cập phải xử lý sau này như cấp phép, kiểm duyệt…. Đơn cử như định nghĩa “Phim Việt Nam” hiện nay quy định “là phim đã được phép phổ biến tại Việt Nam theo quy định của Luật này và có hai trong 3 yếu tố sau: Đạo diễn có quốc tịch Việt Nam, ngôn ngữ chủ yếu trong phim là tiếng Việt, có cơ sở điện ảnh Việt Nam tham gia sản xuất phim”. Bà Ngô Phương Lan đưa ra ví dụ bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt Kiều Trần Anh Hùng đạo diễn. Phim nói tiếng Việt nhưng sản xuất tại Pháp, đạo diễn người Pháp, mọi thứ ở nước ngoài nhưng khi xin dự Oscar dưới danh nghĩa Việt Nam thì không đúng quy định. Bên cạnh đó, tình hình điện ảnh hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất – đạo diễn Việt Kiều quốc tịch nước ngoài nhưng đã ở Việt Nam lâu năm khi tham gia sản xuất phim thì cấp phép cũng như kiểm duyệt thế nào khi đối chiếu Luật điện ảnh hiện tại?

Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Cũng theo bà Ngô Phương Lan, Luật cần chính xác, chi tiết và quy định rõ hơn, một số điều nếu “chỉ làm vì” thì nên bỏ, gộp lại như ở điều 7 về Tổ chức chính trị - xã hội về nghề nghiệp hay điều 5 về Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh cũng như phải rõ ràng hơn trong Luật như điều 15 về quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim, tránh tình trạng Luật nói không, Bộ VH-TT&DL lại nói được như trong vụ các hãng bán phim cho hệ thống truyền hình trả tiền vừa rồi…

Hầu hết các ý kiến của đại biểu tham gia đều nhấn mạnh rằng Luật điện ảnh dự thảo cần chi tiết và cụ thể hơn nữa. “Luật cần quy định rõ quy chế phổ biến phim Việt, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam thế nào. Vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm của phim rạp và chiếu không gian mạng cần cụ thể hơn” – bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW nhấn mạnh. Cũng về kiểm duyệt phim trên không gian mạng, Luật sư Nguyễn Tiến Linh thì đề nghị cần rõ ràng tách bạch chỉnh lý nêu rõ chủ thể cho phép phổ biến phim trên mạng. “Cần rõ ràng, ví dụ ký văn bản hay nhận nội dung, quyền giải trình của bên chủ thể, ví dụ khung thời gian 24 giờ để gỡ bỏ vi phạm, cái này cần làm rõ và đúng với luật pháp Việt Nam”…

Bên cạnh việc chi tiết và cụ thể, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất gỡ bỏ hoặc thêm một số điều bổ sung Luật như bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, người từng giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh này thì đề nghị xem xét lại việc phổ biến phim ở nông thôn trong điều 23 bởi “nó đã lạc hậu, gây lãng phí, khó khăn cho tất cả các bên”. Cũng liên quan đến điều 23, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì nhấn mạnh Luật đang “mị dân” khi dùng từ “ưu tiên” cho các đề tài miền múi, hải đảo nông thôn nhưng thực chất ngoài đời, số kinh phí không hề tương xứng, gây khó cho người làm nghề…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam thì nhấn mạnh Luật cần quan tâm đề cập tới chính sách thuế ưu đãi. “Ngân hàng nhận thế chấp phim để vay vốn không khi coi nó là tài sản” và “cần có Qũy cung cấp vốn, đầu tư mạo hiểm cho điện ảnh”. Ông cũng nhấn mạnh Luật phải hướng tới bảo hộ nền điện ảnh trong nước, cần cơ chế quản lý đột phá hơn, “nếu không chúng ta sẽ gây bất lợi cho phim phát hành trong nước, nó gần giống vụ quản lý taxi truyền thống bị đủ thứ trói buộc trước đó trong khi Grap, Uber lại thoải mái phát triển…”. Luật tập trung vào việc tháo rỡ rào cản cho phim trong nước, giảm tải cho bộ phận thẩm định phim, coi thẩm định phim thành nghề nghiệp. Cũng trong góp ý, ở điều 9 trong Luật, ông đặt câu hỏi “Cấm tiết lộ đời tư là thế nào? Nó đang là rào cản cho nhiều tác phẩm nếu có sự suy diễn ở đây. Chúng ta có luật dân sự, nếu ảnh hưởng thì kiện ra tòa dân sự, sao lại cấm trong Luật điện ảnh?”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Rất nhiều câu hỏi tương tự của nhiều đại biểu góp ý cho thấy Luật điện ảnh còn chưa móc xích ăn khớp với nhiều bộ Luật khác cũng như sự chau chuốt chưa được chi tiết cũng như thấu tình đạt lý.

Trường quay, Qũy điện ảnh, Liên hoan phim và Hậu kiểm

Đây là 4 vấn đề được các đại biểu đề cập đến nhiều nhất trong buổi góp ý sáng ngày 18/2.

Về trường quay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nhà nước nên tạo cơ chế và xã hội hóa nó, để thị trường tự cân bằng thay vì quy định trong Luật rằng nhà nước phải đầu tư hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại. Tương tự đó là Qũy điện ảnh, bà Trần Thị Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng vụ Tài chính, Bộ Tài chính kiến nghị không đưa việc thành lập Qũy điện ảnh vào trong Luật. Các đại biểu khác thì đặt câu hỏi nếu quy định trong Luật, nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ quản lý vận hành tuwg nguồn thu đến cách chi, người thụ hưởng sẽ ra sao, công hay tư quản lý? Về Qũy điện ảnh, đạo diễn Đỗ Thanh Hải góp ý nên để xã hội hóa, “ví dụ như tập đoàn Vingroup cũng có quỹ khởi nghiệp, nhận các dự án điện ảnh để thực thi. Vậy khuyến khích xã hội hóa là khả thi và phù hợp nhất”.

Liên quan đến dẫn chứng tập đoàn Vingroup, bà Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh về giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture vừa được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ủng hộ để đối chiếu với các điều 3-4-5 trong chương 6 về quy định tổ chức các Liên hoan phim, cuộc thi phim ở Việt Nam. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình về việc Luật không nên cứng nhắc, chi tiết quá trong việc quy định các Liên hoan phim ở Việt Nam cũng như mọi tổ chức phải được bình đẳng trong việc tổ chức liên hoan phim.

bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW tại buổi góp ý
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW tại buổi góp ý

Phổ biến và kiểm duyệt phim cũng là vấn đề mà nhiều ý kiến đóng góp đề cập tới trong việc Luật điện ảnh sửa đổi cần phải rõ ràng. Ví dụ như về Cấp phép phân loại phim ở điều 27, khoản 2, câu hỏi đặt ra là “nếu địa phương duyệt và cấp phép phim ở địa phương đó, vậy phim đó có được chiếu ngoài địa phương đó không?”. Và nếu quy định theo Luật, nếu duyệt phải có hội đồng, vậy “địa phương có thể có hội đồng với 2/3 là người chuyên môn không?”. Nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình sản xuất phim hiện nay, chỉ tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì Luật quy định thế này là làm khó cho địa phương và quá bất cập.

Cũng nói về phổ biến phim, trên sóng truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nêu bất cập về việc các Đài truyền hình còn phải hoạt động theo Luật báo chí, điều 24 với những tác phẩm được cấp phép trên sóng truyền hình cần được biên tập lại cho phù hợp. Điều này cần phải đối chiếu theo để điều chỉnh Luật cho phù hợp. Ngoài ra, ở mục 2 điều 20, ông chia sẻ “truyền hình là chiếu cho cả nước xem, nên nếu nói phân loại phim thì đó là điều không thể”.

Cũng liên quan đến vấn đề kiểm duyệt phim trên các không gian mạng, hầu hết ý kiến đều tán thành hậu kiểm nhưng cần cụ thể hơn trong Luật. Ví dụ, Luật sư Nguyễn Tiến Linh tư vấn cần rõ ràng hơn về khung thời gian để gỡ bỏ cũng như giải trình của bên vi phạm; bổ sung quyền và nghĩa vụ của nhà nước về dữ liệu điện ảnh để người làm phim tham khảo…

Đạo diễn Lê Hồng Chương - Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam
Đạo diễn Lê Hồng Chương - Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam

Trước sự góp ý từ các đại biểu, cả trên hội nghị cũng như lời hứa gửi văn bản, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hứa sẽ tiếp nhận và bổ sung những ý kiến phù hợp trong buổi hội nghị ngày hôm nay tại Hà Nội cũng như ý kiến tại TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị tới, sẽ tiếp tục trình xin góp ý của các bên liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Góp ý xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi): Nghệ sĩ và người làm điện ảnh nói gì? Góp ý xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi): Nghệ sĩ và người làm điện ảnh nói gì?
Lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc: Luật phải bám sát thời cuộc! Lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc: Luật phải bám sát thời cuộc!
10 năm thi hành Luật điện ảnh: Dần tháo gỡ những vướng mắc 10 năm thi hành Luật điện ảnh: Dần tháo gỡ những vướng mắc

PV