Hoạt hình Việt Nam: Tiềm năng có đấy, nhưng nhiêu đó chưa đủ!

(TGĐA) - Vì sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa thể có được tác phẩm hoạt hình chiếu rạp? Hướng đi, cách thay đổi để phát triển Hoạt hình để phù hợp với xu thế công nghiệp điện ảnh? TGĐA xin đóng vai trò diễn đàn chung, gửi tới bạn đọc quan tâm những chia sẻ của một số nhà làm phim hiện nay đang còn hoạt động năng nổ.

Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn: Không muốn tuyển nhân lực dựa trên 'đam mê'! Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn: Không muốn tuyển nhân lực dựa trên 'đam mê'!
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?

Đạo diễn, Họa sĩ, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Hoạt hình của Việt Nam chưa đúng nghĩa là một ngành công nghiệp điện ảnh

Đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn
Đạo diễn, Họa sĩ, NSND Phạm Ngọc Tuấn

Hiện nay, có rất nhiều những dòng phim mang diện mạo khác nhau và mỗi một công ty sản xuất phim hoạt hình sẽ có những tiêu chí, phân khúc đặt ra riêng như Hãng chúng tôi làm nhiệm vụ chính trị: giáo dục trẻ em, quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc, các vùng miền… Còn các công ty tư nhân, họ hướng tới hợp tác, gia công cho nước ngoài, làm phim chiếu rạp hay chiếu youtube..

Bao quát chung, tôi vẫn thấy hoạt hình Việt Nam chưa thực sự “nét”, chưa đúng nghĩa là một ngành công nghiệp điện ảnh. Ví dụ Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ là một ngành công nghiệp bởi những sản phẩm làm ra hàng năm rất nhiều, những series dài vài trăm tập để quảng bá được nhân vật hoạt hình của nước họ, họ có thể bán cho các kênh truyền hình nước ngoài hoặc là làm phim chiếu. Họ tạo ra nhân vật biểu tượng và có bản quyền, từ đó tạo nên một văn hóa riêng biệt, một nền công nghiệp ăn theo như đồ chơi, thời trang, ca nhạc... Ví dụ những đồ chơi của Hàn Quốc như phim Bánh mỳ mây, rất nhiều con thú nhồi bông đáng yêu, kinh doanh cũng rất khá. Tôi nghĩ rằng họ cũng đã đúc kết giá trị kinh doanh khi ra rạp làm một bộ phim dài đi chăng nữa, hay series thì cũng chỉ chiếm 10% giá trị lợi nhuận thôi còn giá trị tiềm ẩn mà tôi vừa đề cập trong ví dụ trên mới thực sự là kinh doanh chiếm 90% lợi nhuận. Đấy là xu hướng mà người ta làm nhưng ở nước mình chưa đạt được những mức như thế.

Ở Việt Nam khi phim sản xuất ra chỉ đưa lên kênh Youtube để quảng bá, phát hành lấy lượt xem thôi. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải có biểu tượng hoạt hình, nhân vật đó phải hấp dẫn, phải có sức sống thông qua những tập phim đã đi vào lòng khán giả.

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Kịch bản hoạt hình ngày càng đổi mới, mang hơi thở cuộc sống hiện đại!

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà

Tôi cho rằng trong thời gian gần đây, cùng với bước tiến chung của hoạt hình, kịch bản phim hoạt hình đã có nhiều sự tiến bộ. Ở thời điểm hiện tại, đã tăng cường được số lượng kịch bản từ nhiều nguồn, nâng cao chất lượng và mở rộng được đề tài, đa dạng hơn về mặt thể loại để phục vụ nhiều kênh, từ phim hoạt hình ngắn, phim series, phim hoạt hình chiếu mạng đến các kịch bản phục vụ sản xuất các sản phẩm hoạt hình trong các lĩnh vực truyền thông, giáo dục, giải trí…

Ngoài ra, muốn kéo được khán giả đến rạp xem phim, đầu tiên cần phải có một kịch bản hoạt hình hấp dẫn, cùng đề tài gần gũi với đời sống, phản ánh các vấn đề mang hơi thở cuộc sống.

Để sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp, không chỉ có các yêu cầu về máy móc, công nghệ, phần mềm đòi hòi nguồn tài chính rất lớn mà còn cần nguồn nhân lực dồi dào ở nhiều khâu như đạo diễn, họa sĩ, các khâu hậu kỳ… Gần đây, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng từng bước chuẩn bị các khâu mà Hãng có khả năng chủ động như đào tạo nhân lực, nâng cao chuyên môn của đội ngũ họa sĩ cho dây chuyền sản xuất, chuẩn bị kịch bản… Cuộc vận động sáng tác kịch bản cho phim truyện hoạt hình của Cục Điện ảnh năm 2021 cũng thu hút được nhiều kịch bản có chất lượng. Đây cũng là nguồn kịch bản mà Hãng nhắm tới, với hy vọng có thể lựa chọn và đầu tư sửa chữa, nâng cao chất lượng, tìm ra kịch bản phim truyện hội tụ đủ yếu tố phục vụ Dự án sản xuất phim của Hãng.

Đạo diễn, Họa sĩ NSND Phạm Minh Trí: Tôi chưa thấy một cơ sở nào để Hoạt hình Việt Nam sẵn sàng ra rạp ở thời thời điểm này!

NSND Phạm Minh Trí
Đạo diễn, Họa sĩ, NSND Phạm Minh Trí

Các bạn làm phim tư nhân rất hứng khởi khi nhận định “làm phim chiếu rạp thì làm thôi”, thế nhưng hiện tại họ vẫn đang hợp tác với các công ty hoạt hình nước ngoài để làm có tính chất gia công những sản phẩm đối tác đặt hàng là chính, họ cũng có những sản phẩm khác độc lập. Như vậy, sự hợp tác đó cũng sẽ rất khó để đánh giá được đầy đủ đúng thực lực, cũng như chất lượng hoạt hình tư nhân ấy hiện họ đã có đến đâu. Bởi theo tôi, làm hoạt hình đặt hàng với các hãng nước ngoài thì họ đã chuẩn bị hạ tầng khá vững chắc rồi, sang đây họ kết hợp với mình ở những khâu tiếp theo chứ mình không phải người sản xuất từ A-Z một sản phẩm hoạt hình Việt Nam hoàn chỉnh để hợp tác với họ hoặc đi ra thế giới. Và nếu các công ty tư nhân có khát vọng muốn làm phim ra rạp thì có đủ không, đó là điều tôi băn khoăn lúc này.

Một nỗi băn khoăn khác của tôi với Hoạt hình nhà nước đó là ngân sách và con người. Đội ngũ thực hiện của ta hiện nay có đủ năng lực không? Đặc biệt là các họa sĩ diễn xuất động tác, đây là một khâu quan trọng của phim hoạt hình, nó làm chuyển động các nhân vật để diễn xuất về mặt tâm lý, tính cách và sinh động lôi cuốn khán giả nó nằm ở khâu này. Theo tôi được biết, khâu này hiện nay rất thiếu và cũng còn chưa đủ mạnh để chúng ta làm một phim ra rạp.

Hai nữa, vấn đề kịch bản cũng là điều thách thức, đó là kịch bản phim hoạt hình ra rạp cũng không khác gì so với kịch bản phim truyện điện ảnh... rất công phu.

Quan trọng không kém là công nghệ của chúng ta, hiện tại là công nghệ số, đặc biệt nếu làm phim 3D biến chuyển hàng ngày, chúng ta có bản quyền những phần mềm tiên tiến nhất để thực hiện những bộ phim ra rạp không? Nếu chưa có chúng ta phải mua và đấy là những vấn đề đặt ra về mặt kinh phí. Nếu chúng ta làm phim ra rạp và xuất khẩu nữa thì rõ ràng người ta phải xem bản quyền ngay. Tôi cho rằng để phát triển phim hoạt hình ra rạp, chúng ta phải cử người đi học thì chúng ta mới có thể phát triển vững chắc và lâu dài.

Đạo diễn, Họa sĩ, NSND Hà Bắc: Chúng ta cần một thủ lĩnh để đưa điện ảnh Hoạt hình phát triển!

NSND Hà Bắc
Đạo diễn, Họa sĩ, NSND Hà Bắc

Xã hội của chúng ta đang chuyển mình sang cơ chế kinh tế thị trường thì xu hướng điện ảnh của ta vẫn đang ở một lối đi chưa chuyển đổi được và vẫn đang nằm thứ ăn sẵn của bao cấp thời xưa. Phim điện ảnh phía Bắc vì theo cơ chế đó nên đã lụi tàn, còn phim hoạt hình cũng ất ơ như vậy, một cơ chế xin – cho, thì hoạt hình mới tồn tại được, không có sự cạnh tranh, một mình một cửa, chỉ lay lắt trong một vài bộ phim.

Cú pháp làm phim cũng quanh quẩn ở mức độ tròn vai, không có sự tìm tòi, sáng tạo mà nghệ thuật thiếu đi điều này không còn là nghệ thuật nữa, chỉ còn thứ để giải ngân thôi. Đã lâu rồi hoạt hình của ta không được tham dự bất cứ liên hoan phim lớn nào của thế giới, chỉ quanh quẩn đâu đó ở một vài nước nhỏ theo lối tài trợ.

So với nước ngoài, chúng ta chỉ làm hoạt hình cho có và chưa có dấu ấn Việt Nam ở đó. Gần đây, cũng có một số phim làm về lịch sử, thế nhưng thực tế sự phát triển, tìm tòi để đưa truyền thống dân tộc vào trong nghệ thuật phim hoạt hình đang ngày càng ít đi.

Nếu hoạt hình Việt Nam muốn vươn xa, muốn phát triển thì cần phải có một tổ chức, sắp xếp làm sao cho hợp kinh tế thị trường, quy luật xã hội để những bộ phim của chúng ta tự sống được, tự phát triển được. Mong rằng nếu phim của chúng ta có người trợ đỡ vươn ra được thế giới, gửi phim dự thi tại những liên hoan phim hoạt hình lớn trên thế giới. Tại buổi tọa đàm “Phim Hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”, tôi có đề nghị Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam do TS. Ngô Phương Lan làm Chủ tịch đứng ra làm vai trò thủ lĩnh để nâng đỡ, kêu gọi tài trợ cũng như tổ chức lại, sắp xếp lại hoạt hình cho nó khoa học, nghệ thuật hơn, phù hợp với sự phát triển của thế giới hơn.

Đạo diễn, Họa sĩ, NSƯT Trần Khánh Duyên: Vấn đề bao giờ Việt Nam sẽ có phim hoạt hình chiếu rạp theo tôi chỉ ở tương lai gần!

Đạo diễn Trần Khánh Duyên
Đạo diễn, Họa sĩ, NSƯT Trần Khánh Duyên

Thật ra vấn đề bao giờ Việt Nam sẽ có phim hoạt hình chiếu rạp theo tôi chỉ ở tương lai gần. Bởi, rõ ràng hoạt hình của chúng ta có tiềm năng, có nhân lực rất phong phú từ Nam chí Bắc, nếu như ta cùng nhau hợp lực, đồng sức đồng lòng, huy động nhân tài, đầu tư máy móc thì đó là câu chuyện không còn xa.

Một dẫn chứng cụ thể là khi giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam lên các trang như Youtube hay thông qua các nhà mạng, tôi thấy lượng truy cập rất nhiều. Như một bộ phim được tải lên Youtube có đến hàng triệu lượt truy cập. Điều đó chứng tỏ nhu cầu xem phim hoạt hình Việt Nam cũng rất được quan tâm, thậm chí họ cũng đang rất mong ngóng đợi một tác phẩm hoạt hình Việt Nam ra rạp không kém gì những người làm nghề.

Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn: Không muốn tuyển nhân lực dựa trên 'đam mê'! Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn: Không muốn tuyển nhân lực dựa trên 'đam mê'!

(TGĐA) - Đến với phim hoạt hình từ khi còn rất trẻ và giờ đây ...

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn: Cần có nhiều sân chơi 'công bằng cho các bạn trẻ đam mê hoạt hình! Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn: Cần có nhiều sân chơi 'công bằng cho các bạn trẻ đam mê hoạt hình!

(TGĐA) - Là giảng viên phụ trách ngành Hoạt hình thuộc khoa Thiết kế Mỹ ...

Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?

(TGĐA) – Đó là câu hỏi cũng như sự chung tay tìm lời giải đáp ...

Thu Hà