(TGĐA) - Trên đời này, ai chả biết có được huy chương Vàng khó lắm. Ví dụ như cả nước cố hết tâm hết sức mấy năm trời, tập luyện điên cuồng mới có vài huy chương vàng đại hội thể thao châu Á. Hay đội tuyển bóng đá nam được ca ngợi lên trời cũng mới chỉ đạt huy chương Bạc. Rất nhiều cá nhân trong toàn bộ sự nghiệp chả đoạt nổi một thứ huy chương gì dù bạc đồng hay chì.
Ngày nào em cũng thấy mệt mỏi | |
James Cameron dùng camera của Sony để quay ‘Avatar’ mới |
Ấy thế mà rất đông cô gái Việt Nam tự dưng lớn lên đã có sẵn một tấm huy chương Vàng đeo lủng lẳng trên cổ, đưa qua đưa lại sáng loáng, trên tấm huy chương ấy có đề "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Đáng sợ chưa?
Thật ra câu khẩu hiệu vinh quang ấy có hoàn cảnh ra đời cụ thể và hợp lý của nó. Đấy là trong những năm chiến tranh khi mà toàn dân đừng nói phụ nữ, kể cả em bé lẫn cụ già, đều phải làm hết sức mình, đều phải cố gắng vượt bật để góp phần chiến thắng. Lúc ấy, đừng nói việc nước, đừng nói việc nhà, tới việc trên thiên đàng hay dưới địa ngục ai cũng phải làm hết. Nhưng chiến tranh đã qua tới gần nửa thế kỷ rồi. Không thấy ai ra văn bản, nói rằng từ đây, nhiệm vụ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" của chị em đã bị bãi bỏ.
| |
Đeo chiếc huy chương Vàng mới thấy sức nặng của nó (Hình minh họa) |
Cho nên rất nhiều khi trên ti vi, trên báo chí, trên đủ các loại diễn đàn thường xuất hiện một chị em nào đó được ca ngợi hoặc tự ca ngợi là mình tuy là giám đốc là chủ tịch, là kỹ sư, bác sĩ xuất sắc nhưng ở nhà vẫn đảm đang, lo chu đáo cho con cho chồng.
Cha mẹ ơi! Mỗi lần đọc hay nhìn thấy một bà có danh hiệu cao quý, sang trọng và nặng nhọc đó, Lê Hoàng lại giươn mắt nhìn kỹ, xem bà ấy hoặc cô ấy là người hay là voi? Bởi vì ngay cả voi, tôi cũng không tin nó đủ sức "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Nếu làm hai việc một lúc, hoặc voi lăn kềnh ra, hoặc voi phải gầy như que củi. Do đó, mỗi lần thấy một gương “Điển hình tiên tiến" khoe giỏi cả hai thứ ấy, tôi đều tin chắc hoặc bà này có ba đầu sáu tay, hoặc bà đang nói dối, hoặc bà sắp kiệt sức chết. Không có cách thứ tư.
|
Việc nước không phải là việc đùa. Nếu thật sự làm ở doanh nghiệp tử tế, làm ở công ty đàng hoàng thì từ tinh mơ tới tối mịt có khi không nhìn thấy mặt trời, chỉ cắm đầu vào màn hình, vào hội họp, vào ký kết, vào thuế má, đủ để cả đàn ông, đàn bà lẫn nửa đàn ông và đàn bà tan xương nát thịt. Tại rất nhiều quốc gia, khi đi làm ở công sở về người ta chỉ còn sức đỗ vật xuống giường, thở thoi thóp như một xác chết. Tại sao trong rất nhiều gia đình, đàn ông tự cho mình có quyền hạn hơn so với phụ nữ? Bởi vì họ đi làm việc nước, và họ cũng như toàn xã hội đều mặc định là việc ấy nhọc nhằn lắm, mệt mỏi lắm. Ta từ công ty về ta phải được nghĩ ngơi, vợ con đừng có lèo nhèo. Vậy mà chả hiểu do quy định của ai, phụ nữ được đeo tấm huy chương Vàng mà đàn ông luôn luôn đánh cho nó sáng lấp lánh, bắt buộc giỏi cả hai thứ việc.
Đứa nào bảo việc nhà nhẹ nhàng, đứa nào mở mồm nói câu "chỉ ăn với làm việc nhà mà cũng không xong" thì đứa đó chưa hề hiểu việc nhà là gì một cách ngây thơ, hoặc hiểu mà lờ đi một cách dã man. Việc nhà là hàng tỷ những việc không tên quần quật từ sáng đến tối. Việc nhà hoàn toàn có thể trong vài năm biến một thiếu nữ xinh đẹp, mềm mại, trắng trẻo, thành một bà già nhăn nhó, cáu gắt, đầu tóc và quần áo bù xù. Ai chả biết sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay ra trường tìm việc làm có khi lương chỉ năm triệu đồng. Thế mà một ô sin loại chăm chỉ, loại tử tế có lương cũng gần ngang như thế, còn được chủ bao cơm, quần áo và nịnh nọt đủ kiểu. Và sinh viên tốt thất nghiệp đầy rẫy chứ ô sin tốt chỉ có tranh nhau, chứng tỏ việc nhà làm cho đàng hoàng đòi hỏi có trình độ đại học hoặc trên đại học. Hô hào, cổ vũ, động viên, đưa ra tiêu chuẩn "Giỏi việc nước lại đảm việc nhà" như một quy định đương nhiên, một chức năng cần hoàn thiện, một trách nhiệm cần phấn đấu của phụ nữ là một sự bóc lột lao động không hơn không kém, kèm theo một sự dã man cũng không kém không hơn.
Tại sao có rất nhiều bài báo nói về việc con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan chịu nhiều cay đắng mà các cô vẫn lao sang? Hỏi thì họ nói cho biết các bà vợ ở Đài Loan không có chuyện nấu cơm cho chồng, không có chuyện "đảm việc nhà" cái quái gì hết. Nói một cách thẳng thắn, không thể nào vừa là một bà giám đốc lại vừa là một con bé ô sin trong nhà. Những ai hô hào và cổ vũ cho việc ấy đang phạm tội ác diệt chủng văn minh, muốn vợ trở thành một thứ nô lệ hiện đại. Tôi chưa từng thấy một bà vợ nào vừa rửa bát, vừa lau nhà, vừa nhặt rau, giặt quần áo, nấu cơm, hút bụi, lại vừa ca hát, nhảy múa, tô son, trang phục chỉnh chu thơm phức. Tôi chỉ thấy sau một ngày làm việc nhà vợ bù xù, nhàu nát, cáu gắt và kiệt sức, chỉ muốn đá cho con chó, con mèo vài phát khi chúng lượn qua. Đấy là mặt trái của tấm huy chương vàng mà chị em ta đeo lủng lẵng trên cổ chả biết từ bao giờ!
Lê Hoàng