| Thị trấn Hermanus với những ngôi nhà sơn màu trắng | |
Người ta đã nói nhiều về những chuyến safari ở Nam Phi hoang dã với rừng Kruger ngút ngàn, những cảnh hoàng hôn hùng vĩ, bầy voi rừng thong thả uống nước cạnh lũ linh dương nhởn nhơ bên hồ, ánh chiều tà trút xuống những tia nắng huy hoàng cuối cùng trên thảo nguyên bao la. Sau một tuần say sưa với những con thú hoang ở Kruger, chúng tôi trở về một thị trấn nhỏ khác của vùng Western Cape có tên Hermanus chỉ để được ngắm một điều kì diệu khác của thiên nhiên: những chú cá voi phương Nam, người khổng lồ của biển Đại Tây Dương.
Hermanus là một thị trấn nhỏ thơ mộng nằm bên bờ biển, cách mũi Hảo Vọng, cực Nam châu Phi chừng ba giờ lái xe. Con đường biển từ trung tâm thành phố Cape Town, xuôi về hướng Tây qua vùng Somerset West là một trong những cung đường lãng mạn nhất thế giới. Bạn hãy tưởng tượng mà xem, một bên là chập trùng núi biếc, một bên là biển xanh mênh mang, con đường nhỏ uốn mình như một dải khăn hững hờ choàng lên bờ biển. Chốc chốc một chú hải âu bay vút khỏi mặt nước rồi nhanh chóng biến ra ngoài tầm mắt. Xe chúng tôi chạy qua vùng Stellenbosch với những cánh đồng nho ngút ngàn, qua mũi Hangklip ngắm sóng gầm gào vỗ vào ghềnh đá. Chốc chốc chúng tôi lại hạ kính xuống chỉ đủ để những cơn gió lạnh táp vào mặt một chút, cảm nhận trong gió hương muối mặn mòi của biển khơi và vị lôi cuốn kì diệu của những chuyến đi cứ thôi thúc chúng ta lên đường.
| Những người tới ngắm cá voi như chúng tôi | |
Mải vui với những cảnh trí bên đường, chúng tôi dừng chân ở Hermanus khi đã gần trưa. Nắng đầu xuân vàng sánh lại, trên trời mây trắng nhởn nhơ bay, vạt hoa dại vươn mình kiêu hãnh giữa đám cỏ ven đồi.
Nằm ở lối vào Hemel-en-Aarde, thung lũng Thiên đường và Trái Đất, Hermanus vốn là một ngôi làng nên thơ nơi người dân kiếm sống bằng nghề chài lưới như bao vùng ven biển khác ở xứ này. Người ta từng xây dựng một nhà ga xe lửa tại đây nhưng cư dân trong làng đã quyết định không xây thêm đường ray cho tàu chạy vì e ngại như thế sẽ khiến cho Hermanus phát triển và trở nên thương mại hơn. Vẻ cổ kính và thanh bình của Hermanus vì vậy vẫn được gìn giữ qua năm tháng, với những ngôi nhà sơn màu trắng nổi bật trông ra đại dương xanh biếc một màu.
| Bạn có thể ngắm cá voi từ đây | |
| Tất nhiên là tôi phải có mặt ở đây để không bỏ lỡ khoảnh khắc tuyệt vời này | |
Nếu nhìn qua, có lẽ Hermanus không khác gì với bất kì một địa danh du lịch bên bờ biển duyên dáng nào khác ở châu Âu. Trong cái nắng hiếm hoi đầu xuân, cả thị trấn dường như bừng tỉnh; trên khắp các con phố, những quán café tràn ra ngoài đường đông nghẹt khách; những người phụ bàn chuyên nghiệp hối hả chạy từ quầy bar tới bàn ăn với những khay rượu vang đầy ắp.
Nhưng Hermanus đặc sắc ở một điểm duy nhất.
Mỗi khi có một hồi tuýt dài vang lên, tất cả những tiếng cười nói rộn ràng kia bỗng dưng chững lại; những dao dĩa phút trước còn va vào nhau lách cách nay bỗng nằm im ắng trên bàn, những lời chuyện trò rôm rả ngưng bặt nhường chỗ cho tiếng thì thầm “kìa, trông kìa…!!!”, những ánh mắt dõi theo chăm chú ra biển khơi, những chiếc ống nhòm cùng hướng về một phía, máy ảnh bấm tách tách liên hồi.
| Với tôi, đây là khoảnh khắc kỳ diệu.... | |
| Tôi đã đứng lặng yên trước những hình ảnh này, thật kì vĩ... | |
Lúc ấy, chính là những khoảnh khắc kì diệu khi thiên thần của Hermanus - những chú cá voi phương Nam xuất hiện. Dõi theo hướng chỉ tay của người bạn đồng hành, tôi ngước nhìn ra biển xanh mênh mông. Không dễ gì có thể định vị ngay chú cá voi giữa một màn nước xanh bao la tưởng chừng chỉ toàn những cánh sóng xô vào bờ tít tắp. Nhưng rồi kìa, tôi đã thấy một vòi phun nước nhô lên, tấm lưng đen như cánh phản từ từ trườn khỏi mặt nước rồi thoáng chốc một chiếc đuôi cong hình chữ V quẫy mạnh, nước bắn lên trời thành cột. Tôi đứng lặng yên trong kinh ngạc. Không phải chỉ một, hai, ba mà bốn chú cá voi đang cùng lúc trình diễn những vũ điệu hoành tráng giữa sân khấu thiên nhiên bao la.
Chốc chốc chúng lại phun nước thành vòi qua những lỗ nhỏ trên lưng. Cả tấm thân to lớn có khi lướt nhẹ nhàng trên mặt nước, có lúc lại thong thả trượt đi. Biến mất rồi đột ngột nhô lên chiếc đuôi như một cánh quạt khổng lồ. Thật khó có thể tin được trước mắt tôi là chúa tể của Đại Tây Dương. Những chú cá voi này có thân hình nặng trung bình 60 tấn, chiều dài từ 6 tới 7m và có thể sống tới hàng trăm năm tuổi. Hàng năm, loài cá voi phương Nam này thường rời vùng biển băng giá phía Nam Cực và di chuyển tới nơi có khí hậu ấm hơn. Trong những tháng mùa đông từ tháng sáu tới tháng mười hai, chúng tập trung về Hermanus để đón mùa sinh sản, tìm kiếm bạn tình, kết đôi, sinh con rồi dành cả tháng trời chơi với bầy con nhỏ. Số lượng cá voi ở Hermanus có khi lên tới hàng trăm con, biến nơi này thành “thánh địa” cho những người muốn chiêm ngưỡng loài động vật khổng lồ này.
| Số lượng cá voi ở Hermanus có khi lên tới hàng trăm con | |
Chốc chốc chúng lại phun nước thành vòi qua những lỗ nhỏ trên lưng. Cả tấm thân to lớn có khi lướt nhẹ nhàng trên mặt nước, có lúc lại thong thả trượt đi. Biến mất rồi đột ngột nhô lên chiếc đuôi như một cánh quạt khổng lồ. Thật khó có thể tin được trước mắt tôi là Cá Voi - chúa tể của Đại Tây Dương. |
Chính vì thế ở Hermanus có một người đặc biệt – Người báo hiệu cá voi - "The Whale Crier". Truyền thống được đông đảo khách du lịch đặc biệt yêu thích này bắt nguồn từ năm 1991 khi một khách thăm quan đã tuyên bố rằng, những chú cá voi ông vừa ngắm giữa đại dương là “bí mật tuyệt vời nhất của vùng Cape”. Sau đó người ta bắt đầu cử một người sẽ thổi một hồi kèn dài báo hiệu khi nào cá voi xuất hiện. Một trong số những người báo hiệu cá voi, Wilson Salakuzana được cho là “người được chụp ảnh nhiều nhất Nam Phi sau Nelson Mandela”. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhân vật đặc biệt này đội một chiếc mũ da rộng vành và đeo một chiếc kèn ống dài trên vai cùng những tiếng tuýt dài quen thuộc.
| Ở Hermanus có một người đặc biệt – "Người báo hiệu cá voi" với chiếc kèn ống | |
Chiều tím dần ở Hermanus, chúng tôi tìm cách bước xuống một mũi đá lô xô sát đại dương. Ở đây vắng vẻ hơn, không còn những tiếng ồn ào của du khách, chỉ còn nghe tiếng sóng biển va vào đá gầm gừ dội những thác nước trắng xóa lên trời. Ngoài xa, những chú cá voi phương Nam vẫn đang miệt mài trong một màn trình diễn không ngừng. Tôi nắm chặt tay một người bạn tri kỉ, nhấp một ngụm rượu của vùng Constantia, thứ rượu ‘ngọt ngào như đôi môi những kẻ đang yêu” như lời thơ của Baudelaire, dõi mắt về biển khơi bao la thấp thoáng những cú quẫy đuôi mạnh mẽ. Hoàng hôn chầm chậm rơi trên biển Đại Tây Dương. Gió lồng lộng thổi về từ những miền xa tắp. Và tôi biết những buổi chiều kì diệu ngắm cá voi trên đại dương bao la như thế chỉ đi qua một lần trong đời!
| Nice - Thành phố của những mảng màu (TGĐA) - Ở Milan được ba ngày, tôi nhớ ra mình vẫn còn một vé ... |
| Cape Town - Bão tố và hy vọng (TGĐA) - Khi cầm bút viết về Cape Town, tôi đã loay hoay mất hàng ... |
| Porto, rượu, cá và người già (TGĐA) - Tôi cứ nghĩ mình phải vẽ về Porto rồi mới viết về thành phố ... |
| Athens – Kẻ phá hoại vĩ đại (TGĐA) - Ở Bỉ cứ 1 năm là sinh viên lại nháo nhác cho 2 ... |