(TGĐA) - Năm hết Tết đến, TGĐA lại cùng độc giả luận bàn về biểu tượng của các con vật trong điện ảnh. Với năm Nhâm Dần 2022, có lẽ không thể thích hợp hơn khi nhìn lại hình tượng con hổ trong kiệt tác Life of Pi của đạo diễn Lý An.
Lady in the lake và Life of Pi: Cách kể chuyện đặc trưng của Hollywood | |
Life of Pi: Những thước phim cuộc đời của Lý An |
|
Life of Pi là bộ phim giả tưởng của đạo diễn Lý An, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel. Sau khi phát hành, phim đã thành công nổi bật về thương mại, thu về hơn 600 triệu USD trên toàn cầu. Tại giải Oscar năm 2013, đạo diễn Lý An giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim này, đồng thời, Life of Pi còn giành được giải tại các hạng mục Nhạc phim, Kỹ xảo và Quay phim.
Xoay quanh chủ đề về niềm tin vào Chúa trời, Life of Pi kể về hành trình khó tin đến choáng ngợp của cậu bé Ấn Độ có cái tên kỳ lạ Pi - con trai của một người chăm sóc thú ở Ấn Độ. Gia đình cậu di cư qua Canada sinh sống nhưng gặp nạn khi tàu đi đến vực Mariana. Pi là người sống sót duy nhất trên một chiếc xuồng cứu nạn cùng với con linh cẩu, ngựa vằn, đười ươi và con hổ Bengal trưởng thành tên là Richard Parker. Con linh cẩu đã giết con ngựa vằn và con đười ươi nhưng sau đó con hổ đã ăn thịt hết cả bốn con vật trên. Pi đã trải qua đấu tranh sinh tồn với con hổ để tồn tại.
Phim không chỉ gây ấn tượng với những cảnh quay lung linh, kỳ vĩ về biển cả, những câu thoại đầy xúc động về bản năng sinh tồn và khát khao được sống, mà đó còn là bức tranh sinh động về tôn giáo và đức tin. Tuy nhiên, bài viết sẽ không đề cập quá nhiều về giá trị tôn giáo, mà sẽ tập trung hơn vào hình tượng con hổ Richard Parker.
|
Trước khi vào điều đó, chúng ta sẽ tua nhanh tới cái kết của phim, khi Pi thuật lại cho 2 nhân viên bảo hiểm về câu chuyện lưu lạc trên biển của mình trong hơn nửa năm. Khi cả hai người họ không hề tin những gì mà chàng trai này nói, Pi mới kể ra một câu chuyện khác, nó trần trụi, gây sốc và lột bỏ hoàn toàn giá trị nhân văn mà phim xây dựng từ đầu tới giờ. Con linh cẩu là tên đầu bếp xấu xa, con đười ươi là mẹ của Pi, con ngựa vằn cụt chân là người phụ bếp đáng thương và con hổ Richard Parker chính là hiện thân của Pi. Nhưng dù người ta chọn tin vào câu chuyện nào, người mất mát và đau khổ nhất vẫn là Pi, gia đình của cậu mãi không thể quay về, còn bản thân Pi thì suốt đời phải gánh chịu những nỗi đau, khi trót để con quái vật bên trong trỗi dậy chỉ với mục đích giành giật lấy sự sống.
|
Nếu giả sử, Pi để cho Richard Parker chết đuối, Pi chắc chắn sẽ không thể sống sót nổi, cậu sẽ lại quay trở về chàng trai hiền lành và yếu đuối, không biết hành động, chờ đợi Chúa nhân từ cứu giúp và trở thành “mồi ngon” của kẻ khác. Nhưng rốt cuộc, Pi nói về việc Richard Parker đã cứu mình về mặt tinh thần như thế nào, chẳng phải giống như cách nói đầy ẩn dụ về việc “thú tính” trong con người cậu khi bị dồn ép đã nổi lên đấy sao?
|
Dù không rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt như Pi nhưng chắc hẳn, bên trong mỗi người đều có một con mãnh hổ đang ẩn mình và hoàn toàn không thể chối bỏ được nó. Theo nhà thần bí học Isaac Luria, Chúa cho con người có một thế giới riêng để tự phát triển và nhận thức, với tất cả những hỉ nộ ái ố của mình. Nên trong Life of Pi, phải chăng con tàu Tsimtsum bị đắm chính là ý Chúa để Pi có thể tự nhận thức về cuộc sống và đức tin của cậu? Cũng như mỗi chúng ta, ai cũng đều có quyền lựa chọn đức tin cho riêng mình, bạn có thể lựa chọn tin vào Chúa hoặc không, nhưng đôi khi bạn phải tự tạo ra đức tin cho chính bản thân để sống sót, đến lúc ấy không dám chắc bạn có thể kìm chế được con hổ hung dữ bên trong hay không?
Cả một hành trình dài ngày đêm, sóng to gió lớn liên miên, người xem thấy Pi liên tục đấu tranh với nỗi sợ Richard Parker sẽ nhảy vào ăn thịt mình, hay nói đúng hơn, hai phần “con” và “người” của cậu liên tục đấu đá nhau, phần thì muốn sống, phần thì muốn giữ lại nhân cách. Chỉ đến khi Pi không thể gắng gượng được nữa, cậu mỏi mệt, ôm lấy Richard Parker đang yếu dần và nói xin lỗi. Hình ảnh con mãnh thú ốm yếu thu mình trước giông bão, không khác nào là minh chứng rõ nét nhất cho niềm tin của Pi đang dần lụi tàn và cậu hoàn toàn nghe theo bản năng.
|
Đến cuối cùng, khi vượt qua tất cả và được cứu sống, Richard Parker đã bỏ đi mà không một lời từ biệt – đây là trường đoạn vẫn khiến người xem suy ngẫm tới tận bây giờ. Tại sao Richard Parker lại lạnh lùng bước đi như thể quên đi mất Pi và nó đã trải qua những gì? Hay những giọt nước mắt của Pi có đúng chỉ là sung sướng đến tột cùng khi đã được trở về với thế giới?
Có vô vàn cách lý giải cho điều này, nhưng rõ ràng với sự thanh thản trong lời kể của nhân vật Pi khi trưởng thành, lúc đó cậu mới thực sự trở lại là một con người, cậu không còn phải vứt bỏ nhân cách để sống nữa. Con hổ không thèm ngoái lại nhìn Pi tới một lần, dường như là sự chê cười của phần “con” dành cho chính cậu, khi Pi đã buộc phải làm những điều độc ác, man rợ nhất để sống sót, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh cậu bé ngoan ngoãn sùng đạo ở đầu phim. Tuy nhiên, vì chẳng có lấy một lời từ biệt, mối quan hệ giữa Pi và Richard Parker sẽ mãi không bao giờ chấm dứt, nó sẽ sẵn sàng quay trở lại khi Pi tiếp tục bị đẩy vào giới hạn của sự sống một lần nữa. Câu chuyện của Pi không khỏi đặt ra cho chúng ta một câu hỏi nhức nhối, rằng ai ấy có dám bỏ đi hoàn toàn phần “con”, hay liệu như thế có là chối bỏ đi bản thân mình?
Năm 1838, Edga Allan Poe xuất bản một cuốn tiểu thuyết, kể về một vụ đắm tàu với bốn người trôi dạt trên biển. Một trong số họ có tên Richard Parker. Người này đề nghị mọi người rút thăm xem ai sẽ bị những người khác ăn thịt để sống sót; và người bị ăn thịt lại chính là anh. Không biết có phải dựa vào câu chuyện này nên tác giả Yann Martel đặt tên cho chú hổ là Richard Parker hay không - như một sự mỉa mai hay suy ngẫm về nhu cầu sống còn, rồi trách nhiệm với đồng loại? |
Lady in the lake và Life of Pi: Cách kể chuyện đặc trưng của Hollywood (TGĐA) - Không những liên tục tìm những đề tài mới lạ, các nhà làm ... |
Life of Pi: Những thước phim cuộc đời của Lý An (TGĐA) - Dựa trên tác phẩm bán chạy nhất của Yann Martel, Cuộc đời của ... |
Thu Huế