(TGĐA) - Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương có mặt trong Shortlist 15 Phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95, xoay quanh em bé Di và tục bắt vợ của người Mông.
Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar | |
Dương Tử Quỳnh và Cate Blanchett, ai xứng đáng với giải Oscar hơn? |
Những đứa trẻ trong sương là một bộ phim tài liệu của đạo diễn Hà Lệ Diễm, nội dung phim xoay quanh tập tục bắt vợ của dân tộc H'Mông. Nhân vật chính của phim là em bé Má Thị Di - một cô bé 12 tuổi người H'Mông sống tại Sapa. Tại đây, đạo diễn đã cùng tham gia sinh sống và quay lại những thước phim hồn nhiên, vô tư của Di cho đến khi em dần trở thành thiếu nữ và phải chứng kiến cũng như tự mình trải qua tập tục bắt vợ.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm ban đầu có ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về nạn buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới nhưng không thành. Sau đó, nhờ tham gia chuyến đi kéo dài 1 tháng của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) lên Sapa để tìm hiểu và sáng tác về cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số cô được ở nhờ nhà của bố Di (nhân vật chính của Những đứa trẻ trong sương). Tại đây cô có cơ hội tham gia vào các lớp học dành cho trẻ em Mông ở làng của Di, cùng sống, cùng chơi với Di và các bạn khác. Và từ đó chị nảy ra ý tưởng quay lại những thước phim hồn nhiên của tuổi thơ mà chị tưởng chừng như đã quên, đồng thời đề cập đến hình ảnh tục bắt vợ gây tranh cãi.
Mở đầu bộ phim là cảnh quay núi rừng hùng vĩ của Sapa, cô bé Di xuất hiện khi đã là thiếu nữ 14 tuổi, em mang trong mình đầy những tâm tư, suy nghĩ trưởng thành hơn so với bạn cùng trang lứa. Sau đó là phân cảnh quay trở lại hai năm trước, khi Di và các bạn đang đi chơi cùng nhau trên đồi. Các em đã diễn lại khung cảnh của tục bắt vợ mà mình được nhìn thấy, đóng giả làm nhà trai và nhà gái. Sự hồn nhiên diễn tả của các em mà đạo diễn Hà Lệ Diễm ghi lại được quả là một thước phim đáng giá. Các em đều không rõ rằng phong tục đó có thể hoàn toàn thay đổi số phận của mình.
Những cảnh quay đạo diễn hỏi chuyện nhân vật trong phim cũng khiến nhiều khán giả xúc động. Chị Diễm hỏi Di rằng "ước mơ của em là gì?", "em có thích đi lấy chồng không?",... Chị nhìn Di cùng các bạn khiến chị nhớ tới tuổi thơ của mình cũng đã từng có các bạn chơi cùng vui vẻ như vậy. Nhưng sau đó lần lượt từng người hoặc là bị bắt đi làm vợ hoặc là đã đi lấy chồng từ rất sớm. Suy nghĩ này đã khiến đạo diễn thổn thức và quyết định sẽ nhấc máy lên quay lại những khoảnh khắc tươi đẹp đó.
Xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay sinh hoạt thường nhật của em bé Di. Di đi học trên lớp, đi gặt lá chàm mang về để mẹ ngâm lấy màu nhuộm vải, đi chơi cùng các bạn. Dần dần khi lớn hơn, Di biết điểm trang trước khi đi ra ngoài, tập tành nhắn tin, gọi điện với những người khác giới. Tất cả những điều đó thật tự nhiên, như quá trình trưởng thành của bao bé gái khác. Nhưng mẹ của Di là người đã từng như vậy, và bà cũng đã tự mình trải qua tục bắt vợ nên bà rất sợ Di sẽ bị bắt đi sớm, như người con gái đầu của bà. Bà cũng nói chuyện với đạo diễn rằng không muốn Di đi lấy chồng sớm, mặc dù ở nhà hai mẹ con không hợp ý nhau và thường xuyên cãi cọ. Nỗi lòng của người mẹ và tâm tư của đứa con gái đang dậy thì khó mà bắt được "sóng" của nhau, bà cấm cản con gái đủ điều nhưng chỉ càng làm Di muốn "bứt" ra ngoài và làm điều trái ngược.
Cho đến một ngày mùa xuân năm Di 14 tuổi, mọi người nô nức đi chơi hội và Di cũng thế. Cô bé mặc bộ đồ truyền thống, hai má ửng hồng và đôi mắt long lanh khiến nhiều bạn trai trẻ để ý. Từ đây em gặp Vàng, hai người chụp ảnh chung và Vàng đã ngỏ ý đưa em về nhà. Mẹ em sau khi biết chuyện đã gọi điện khắp nơi để tìm em, nhờ cả những mối quan hệ quen biết của Vàng. Mặc dù khi ở gần nhau hai người hay tranh cãi, vậy mà khi Di mới đi khỏi bà đã khóc và gọi điện nói nhớ Di, cũng không quên dặn dò Di phải "thắt chặt dây lưng", bà sợ đứa con ngây thơ của mình sẽ đau khổ bởi tập tục truyền thống này.
Khi sự việc trở nên căng thẳng hơn, người xem có thể thấy bố mẹ và bà của Di không bắt ép em phải đi theo nhà trai hay phải nghe theo họ, họ luôn nói rằng quyền quyết định đều nằm ở con gái của mình. Bố mẹ của Vàng đến nói chuyện mời thuốc lào và rượu một vài lần, sau khi cảm thấy không thương lượng được liền muốn bắt Di về cùng. Phân cảnh đó đạo diễn Hà Lệ Diễm đứng quay ở ngoài nhưng do quá bức xúc đã với tay muốn kéo em Di lại nhưng đã bị đẩy ra đi kèm những ánh mắt cảnh cáo, may mắn rằng sau đó Vàng đã uống rượu từ chối của Di và đi về.
Bộ phim cũng đã cho khán giả thấy được sự can thiệp, nói chuyện từ chính quyền cũng như nhà trường. Họ không ép buộc nhà Di phải làm theo mà đã nói cho bố mẹ Di về pháp luật, cũng như rủi ro khi họ chấp nhận mối kết hôn này. Ngay kể cả Vàng cũng đã tâm sự với đạo diễn Hà Lệ Diễm rằng "em thấy nước đi này hơi sai sai. Em cũng không biết sao lại bắt nó nữa, em vẫn còn trẻ. Có nhiều cái em chưa hiểu".
Với độ dài 93 phút, Những đứa trẻ trong sương đã thực sự là một bộ phim tài liệu xuất sắc. Khai thác ý tưởng mới mẻ, cảnh quay chân thực và đẹp mắt, những nhân vật trong đó không dùng đến kịch bản nhưng đã đi theo tiết tấu nhịp nhàng của phim, đều có những chia sẻ thật lòng giúp phim chạm đến trái tim khán giả.
Phim đã tham gia nhiều liên hoan phim lớn nhỏ như IDFA (Hà Lan), Liên hoan phim quốc tế về giáo dục (Festival du film d'éducation, Pháp), Liên hoan phim quốc tế Cork (Ireland)... cũng như được chiếu tại nhiều rạp ở Pháp, Mỹ (New York, California). Đồng thời có mặt trong Shortlist 15 Phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95. Đây cũng là kỷ lục đầu tiên mà phim Việt Nam làm được.
Hà Lệ Diễm: Chưa từng ‘mơ’ về Oscar | |
Lewis Capaldi công khai mắc hội chứng Tourette và rối loạn lo âu trong phim tài liệu mới phát hành trên Netflix |
Diệu Anh