Sống

Những người giàu túng thiếu

(TGĐA) - Một lần nọ, tôi được mời tham dự sự kiện ở tỉnh ngoài. Đón tôi là một anh tài xế hay chuyện được công ty cử đi. Anh cần mẫn chờ tôi ở cửa, đưa tôi đến nơi, chờ ngoài sự kiện rồi lại đưa tôi mấy chục cây số trở về nhà. Khi xe bắt đầu đến nội thành Hà Nội thì lúc ấy trời cũng ngả tà, đường tắc kẹt cứng và tôi hỏi nhà anh ta ở đâu. Anh ta nói địa chỉ nhà. Tôi hơi giật mình khi nghĩ đến quãng đường anh phải từ nhà tôi về công ty để trả ô tô rồi mới đi xe máy về nhà, chắc hơn hai chục cây số nữa. Về tới nơi dễ đã qua giờ ăn tối. Anh ta vui miệng kể ở đấy anh có 800 mét đất cha ông để lại. Tôi tiện miệng hỏi giờ giá đất đấy nhiêu một mét. Anh ta bảo khoảng 25 triệu. Tôi làm nhanh một phép tính rồi giật mình cái thót.

nhung nguoi giau tung thieu Ác mộng ngày Tết
nhung nguoi giau tung thieu Tết này ai có rao đêm?

Ối, thế là cậu đang có 20 tỷ đấy hở.

Vâng – Anh chàng cười bẽn lẽn – Giờ bán đi chắc cũng khoảng được tầm đấy chị ạ.

Sao anh không bán béng đi rồi lên gần công ty mà ở. Chớ mỗi lần đi làm mất thêm hai tiếng cả đi lẫn về ấy.

Sao lại bán hả chị? Người ta mua vào chả được mình lại bán đi.

nhung nguoi giau tung thieu

Vậy mà trong suốt câu chuyện trên đường đi, đụng đến việc gì anh ta cũng than rằng không có tiền. Anh ta làm tôi nhớ đến một người quen nọ sống trên khu phố cổ. Ông bà đã ngoài 60, ở trong một căn hộ cũ kỹ độ hơn chục mét vuông, toilet và buồng tắm thì dùng chung cả ngõ. Chuyện nọ ra chuyện kia, ông bà mới kể rằng cả khu nhà này là của bà mẹ để lại cho bảy anh em, nhưng trước giờ vẫn tranh chấp nên cứ ở thế. Mới giải quyết chuyện mâu thuẫn của nả được từ năm ngoái thôi. Ông bảo có bốn người hiện đang sống ở chỗ khác, đây chỉ có ba, nên cả khu nhà này bán đi được khoảng 50 tỷ sẽ chia đều cho mỗi người 5 tỷ, riêng ba anh em sống từ đầu ở đây sẽ được ưu tiên chia thêm 5 tỷ nữa. Như vậy là vợ chồng ông sẽ được 10 tỷ. Cả 7 người nhất trí thế rồi. Nhưng ông cũng nói thêm là chưa ai muốn bán cả, cứ ở thế đã. Tôi mới hăng tiết vịt lên, tự dưng sắm vai nhà tư vấn tài chính không công cho vợ chồng ông lão.

Hai bác bán đi rồi mua một căn hộ chung cư xinh xắn khoảng 2 tỷ là đẹp lắm rồi. Còn lại 8 tỷ bác mua thêm ba căn hộ mỗi căn 2 tỷ. Bác sẽ thu được 20 triệu mỗi tháng từ tiền thuê nhà của ba căn đấy. Rồi nữa nhé, vẫn còn dư 2 tỷ thì bác gửi tiết kiệm. Vị chi là hai bác sẽ có gần ba chục triệu từ lợi tức cho thuê và lãi tiết kiệm mỗi tháng. Tha hồ mà đi du lịch sướng nhá.

Tôi phừng phừng khí thế từ bài toán tài chính cá nhân có vẻ rất khôn ngoan kia, nhưng rồi ngạc nhiên cực độ khi thấy hai ông bà cứ dửng dưng như không, chủng chẳng bảo nhà chung cư thì thèm vào ở. Lúc tôi mới đến thì thấy ông bà đang tranh cãi rằng thôi không đi Đà Nẵng nữa, vì toàn phải bay đêm mệt lắm, đến nơi phát ốm không muốn đi đâu cả. Tôi hiểu những chuyến bay đêm là do phải mua hàng không giá cực rẻ để tiết kiệm tiền.

nhung nguoi giau tung thieu

Hai người đã đến tuổi gần đất xa trời, con cái thì phương trưởng có nhà riêng hết, lại đang sở hữu 10 tỷ mà phải mua vé bay đêm cho tăng huyết áp ư? Thực không hiểu nổi. Ông bà phố cổ, cũng không khác gì anh chàng lái xe kia, chịu sống trong một khuôn viên chật hẹp không cửa sổ, quanh năm đông cũng như hè phải thông thống mở cửa ra vào để đón ánh sáng. Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ chung nhau với trăm thứ bà rằn đồ đạc y như thời bao cấp. Bữa ăn thì tùng tiệm nhờ lương hưu. Tuy nhiên lại vô cùng sung sướng và tự hào vì mình đang có cả chục tỷ trong tay.

Tôi biết vô số người kỳ lạ như vậy. Họ sống trong những ngôi nhà hàng chục tỷ, nhưng lúc nào cũng túng thiếu, đến tiền sửa nhà cũng phải đi vay và quanh năm không dám vào một nhà hàng tử tế để thưởng thức. Thi thoảng họ nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, mà họ cho là một người phong lưu giàu có, chỉ vì tôi cho con học ở một trong những ngôi trường tốt nhất, tôi mua một thẻ bảo hiểm y tế để có thể vào được toàn bộ hệ thống bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, mỗi năm gia đình tôi đi du lịch nước ngoài ít nhất hai lần, ngoài ra còn có thời gian thuê huấn luyện viên riêng tập gym và yoga. Tôi bảo khổ quá, tài khoản của tôi chỉ bằng một phần nhỏ xíu so với tài sản của họ, thậm chí một anh tài xế cũng giàu có hơn tôi rất nhiều lần. Nhưng nếu họ làm theo bài toán kinh tế của tôi thì lợi tức hàng tháng sẽ cho phép họ sống cuộc sống dư dả hơn cả tôi nữa. Anh lái xe sẽ tiết kiệm được hai tiếng lưu thông trên đường mỗi ngày để dành thời gian chơi với con hay tập thể thao. Hai ông bà lão sẽ không phải tính toán lương hưu tháng này có đủ mua một chiếc máy bay giá rẻ hay không. Nhưng cứ nhắc đến bán nhà thì ai nấy đều sợ chết khiếp, họ thốt lên cùng một quan điểm: Thế bán nhà đi mà ăn à?

nhung nguoi giau tung thieu

Tôi có tư vấn cho họ bán những ngôi nhà triệu đô đi để ăn đâu, mà là với một phương án có thể sinh lời nhiều hơn và họ sẽ chỉ hưởng thụ ở phần lợi tức ấy. Trong cuốn “Dạy con làm giàu”, tác giả lừng danh Robert T.Kiyosaki đưa ra rất rõ khái niệm tài sản và tiêu sản. Ông nói rằng những người suốt đời nghèo ấy là vì họ không thể phân biệt được hai khái niệm này. Vì thế thứ mà họ đang có trong tay tưởng là tài sản nhưng thực tế lại là tiêu sản, vì nó không sinh ra lợi nhuận hay lợi ích gì cả, mà lại chỉ đang ngốn mất tiền thuế của họ. Đấy là Kiyosaki đang nhắc đến những căn biệt thự triệu đô xinh đẹp có giàn hoa giấy ngoài hiên mà những cặp vợ chồng trẻ cố gắng để sở hữu, chứ còn lâu ông mới biết đến sự tồn tại của những người sở hữu căn hộ triệu đô chỉ đủ kê mỗi cái giường ở Việt Nam và tự hủy hoại sức khỏe vì môi trường sống ngột ngạt ấy. Biết được điều này thì chắc mọi lý thuyết tài chính siêu phàm của ông sẽ trở nên bất lực.

Lý do nào mà rất nhiều người Việt kiên định cố thủ trong những ngôi nhà tồi tàn, điều kiện sinh hoạt kém, tài khoản luôn không có một xu dù trên thực tế họ sở hữu tới vài chục tỷ, tất cả chỉ vì câu tục ngữ: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Xong ba việc ấy mới là người hay”. (Cần phải nói tậu trâu là tượng trưng cho việc gây dựng sự nghiệp). Nên đến tận thế kỷ 21, vẫn có vô khối người cố sống cố chết hoàn thành cho được ba việc lớn là coi như đời đã mãn nguyện lắm rồi, bất biết chất lượng của ba điều ấy có làm cho mình hạnh phúc hay không. Trong khái niệm về văn hóa thì cho dù mỗi người đều có mục tiêu, tham vọng và mơ ước riêng nhưng tựu trung những mục tiêu, tham vọng ấy vẫn bị chi phối bởi cái văn hóa chung đã truyền lại từ đời này qua đời khác có khi tới hàng thiên niên kỷ. Nếu như người Anh trung bình năm năm chuyển nhà một lần vì họ thường xuyên thay đổi việc, nên nhà phải tùy nghi theo chỗ làm, thì người Việt thay gì thì thay, nhất quyết không muốn thay nhà.

Tôi biết rất nhiều đồng nghiệp sẵn sàng vượt qua quãng đường hơn chục cây số trong tình trạng giao thông kinh hoàng của thủ đô để sáng sáng tới trường cho đúng giờ lên lớp, trong khi chỗ làm của hai vợ chồng họ lại gần nhau và nếu bán đi ngôi nhà cũ thì họ dư tiền để mua một ngôi nhà mới khang trang, thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng ai cũng sợ phải bán nhà, sợ phải bán đi thứ tiêu sản mà họ vẫn đinh ninh đấy là tài sản và nhất là sợ thay đổi chỗ ở, một nỗi sợ tiền kiếp có lẽ đã có chung mã gene của những người cùng giống nòi. Nhiều lần tôi nói đùa rằng ngành giao thông luôn tổ chức đủ mọi cuộc thi để tìm ra giải pháp cho tình trạng ách tắc ngày càng trở nên hỗn mang như hiện nay, trong khi có một việc lẽ dễ giải quyết hơn nhiều, ấy là mỗi người đều cố gắng để chỗ làm/chỗ học và nhà ở gần nhau thì nạn kẹt xe sẽ giảm thiểu được một nửa.

nhung nguoi giau tung thieu

Cũng vì câu tục ngữ khốn khổ này mà gia đình nào đã có một nhà rồi thì lại cày cuốc tiếp để tích thêm nhà nữa, rồi nhà nữa sơ cua cho hai cậu con trai sau này cưới vợ. Và dù đã có đủ cả ba bốn nhà cũng vẫn ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu để sau di chúc lại cho con, quên mất rằng những gì quý giá nhất mà bố mẹ để lại cho con cái chính là nghị lực tự lập và kỹ năng tài chính để có thể làm chủ được nhà cửa, tiền bạc, khiến những ngôi nhà phải phục vụ cho mình, mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc chứ không phải mình hy sinh cuộc sống vì… ngôi nhà.

Có người bạn tôi bảo rằng, “nhà” chính là sự bình yên và hạnh phúc luôn bao phủ, che chở cho họ, chứ không phải bốn bức tường gạch kiên cố mà bên trong đựng những con người luôn túng thiếu cả về tài chính lẫn tâm hồn.
nhung nguoi giau tung thieu Phong cách sống: Thói quen
nhung nguoi giau tung thieu Bạo hành và quấy rối

Di Li