(TGĐA) - Có một thói quen mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình trau dồi và làm việc của bạn đó là tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Bởi đây là một yếu tố cá nhân vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc hiện tại và còn là cơ sở để bạn hoàn thiện, phát triển bản thân trong tương lai.
'Thái tử phi giả mạo': Màn đọ chiến của 'Kẻ tám lạng, người nửa cân' | |
Điểm cộng - trừ của 3 phần mềm tìm sim phong thủy Top đầu Google |
Bên cạnh những người thờ ơ cho rằng đã thực sự hiểu chính mình thì cũng có một bộ phận thiếu kỹ năng tự đánh giá, kiểm điểm từ đó trở nên mơ hồ không biết suốt thời gian qua mình đã tích lũy thêm những gì và đâu là những hạn chế tồn đọng cần khắc phục.
Chia sẻ về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 cách để tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bạn để trả lời câu hỏi phỏng vấn tìm việc hiệu quả.
Hiểu được vai trò hiện tại trong công việc
Lưu ý đầu tiên để đánh giá tổng quan bản thân đó là phải thấu hiểu được đâu là vai trò mà bạn đang đảm nhận trong doanh nghiệp hiện tại. Bạn cần nắm được cụ thể cách thức làm việc của mình, cụ thể nếu bạn là một chuyên viên sáng tạo cùng những đồng nghiệp thì vai trò hiện tại của bạn đang là người cung cấp những ý tưởng thú vị hay là người thực hiện và thi hành nó. Trong suốt quá trình làm việc tại vị trí này, bạn thường xuyên chứng tỏ khả năng ở giai đoạn nào hơn thì đấy là điểm mạnh của bạn. Ngược lại, điểm yếu sẽ là những giai đoạn mà bạn hiếm khi đảm nhận vai trò, chẳng hạn như quản trị hoặc điều phối.
Theo dõi và đánh giá các nhiệm vụ ngắn hạn
Để có được một thói quen tích cực trong quá trình thực hiện các tác vụ, bạn cần nghiêm túc theo dõi và đánh giá từ ngay thời điểm bắt đầu cho đến khi kết thúc. Viết vào cuốn sổ tay thời gian, mô tả, chỉ tiêu công việc và đừng quên cập nhật khi có tình hình mới. Đây sẽ là quá trình giúp bạn nhìn nhận được từng tác động cá nhân lên công việc. Những thông tin ghi chép sẽ là cơ sở quan trọng giúp bạn biết đâu là điểm mạnh mà bạn hoàn thành nhanh chóng với hiệu suất cao và đâu là những vướng mắc khó khăn mà bạn cần trau dồi thêm trong thời gian tới.
Ý kiến từ những người đáng tin tưởng
Nếu như bạn cần những đánh giá khắt khe và mang tính khách quan hơn, hãy xin ý kiến từ những người đáng tin tưởng. Bằng cách ghi lại những nhận xét chủ quan của bạn về điểm mạnh, điểm yếu, hãy gửi cho một số những người sống hoặc làm việc cùng bạn trong phần lớn thời gian, thường sẽ là đồng nghiệp, cấp trên hoặc người thân trong gia đình.
Họ sẽ đóng vai trò là những giám khảo mẫu mực trong việc đối chiếu giữa điều bạn đã tự đánh giá và điều mà bạn đã thực sự thể hiện ra ngoài. Chắc chắn sau khi nhận được phản hồi từ họ bạn sẽ nhận ra có đôi chút khác biệt, có thể xuất hiện một vài ưu điểm mà bạn không nghĩ đến hoặc nhược điểm mà bạn đã bỏ qua.
Sử dụng những công cụ phân tích khoa học
Ngoài những nhận xét từ người khác thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng những công cụ phân tích khoa học được tích hợp phát triển giúp người dùng biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình. Một số mô hình như SWOT, DISC,… mà bạn có thể tham khảo, với việc trình bày những dạng trắc nghiệm phân tích và xử lý tình huống từ đơn giản đến phức tạp. Đây là một cách thức đánh giá vô cùng thú vị giúp bạn trải nghiệm được nhiều khía cạnh, từ đó sẽ nhận được một bảng nhận định cụ thể ở từng hạng mục cả về công việc và ứng xử xã hội. Thế nhưng các công cụ này vẫn có thể có những sai số, vì vậy bạn không nên lạm dụng quá nhiều dẫn đến dễ bị quá tải thông tin.
Thử những điều mới mẻ
Và cuối cùng là một xu hướng hiện đại mà ngày nay được không ít người, đặc biệt là bộ phận giới trẻ lựa chọn đó là không ngần ngại trải nghiệm những điều mới mẻ. Những trải nghiệm này có thể bao gồm ứng tuyển vào vị trí không thuộc chuyên môn, tham gia những dự án thú vị, tích cực gặp gỡ và trao đổi với những người mới,… Đây đều là cơ hội rất lớn để bạn học hỏi và có thêm những kiến thức, từ đó chắc chắn sẽ nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua quá trình tiếp xúc trong môi trường đa dạng, thú vị.
Trên đây là 5 cách để tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn rèn luyện và có những đánh giá bản thân phù hợp, phục vụ nâng cao hiệu quả công việc.
'Thái tử phi giả mạo': Màn đọ chiến của 'Kẻ tám lạng, người nửa cân' | |
Điểm cộng - trừ của 3 phần mềm tìm sim phong thủy Top đầu Google |
P.V