(TGĐA) - Bấy lâu nay người ta ghét giáo dục nước nhà tới nỗi cứ sểnh ra là họ chửi, mà thứ được chửi nhiều nhất là bệnh thành tích của ngành. Chúng ta quên mất rằng chính chúng ta đây mới là người tham thành tích, khiến cho nhà trường vì chạy theo nhu cầu của phụ huynh mà thành tích cứ thế nâng dần cả lên.
Đàn ông cần giàu có, tính cách, hay là...? | |
Câu chuyện Hoa hồng ở Mỹ |
|
Con gái tôi học trường tư, cứ nghĩ rằng các phụ huynh đã chọn trường tư cho con từ tấm bé ấy là có tư tưởng giáo dục tiến bộ, không nệ thành tích nên mới vô đây, nào ngờ tôi vẫn sai. Năm học nào cũng vậy, trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi thường yêu cầu nhà trường giảm tải cho các con, giao bớt bài tập về nhà để các con có thời gian nghỉ ngơi giải trí, tuy nhiên đã vấp phải rào cản là chính các phụ huynh trong lớp. Họ yêu cầu một điều ngược lại là xin cô giáo cứ giao bài tập càng nhiều càng tốt, để các con được ôn luyện cho có điểm cao. Và cô giáo thản nhiên nói với số ít phụ huynh đang yêu cầu giảm tải, một điều mà tôi không còn lý lẽ nào có thể phản biện được: “Chúng tôi phải đi theo số đông, chứ không thể chiều theo số ít”.
Tôi còn nhớ năm con gái học lớp Ba, sau kỳ thi học kỳ I, cô giáo mời tôi nán lại cuối giờ và chìa ra bài chính tả được 7 điểm của con.
- Em nhìn bài này em muốn khóc quá – Cô mở lời – Con tẩy xóa thế này nên không thể cho quá 7 điểm.
Nghĩ cô áy náy với phụ huynh nên tôi rối rít xua tay.
- Ồ không sao, hôm đó con bị sốt cao nên làm được bài là tốt lắm rồi, suýt nữa chị tưởng con không còn sức đến lớp thì phải thi lại.
- Nhưng rất uổng phí công sức học tập của con cả học kỳ, hay chị mang bài này về bảo con làm lại để em chấm lại cho con.
|
Tôi kinh ngạc. Tôi hiểu ra. Thì ra là cả lớp toàn được 9 với 10, chỉ một con được 7, cô giáo sợ con sẽ đánh tụt thành tích của cả lớp nên muốn chấm lại cho con được điểm đồng đều. Mang về nhà làm nghĩa là có thể chép đi chép lại bài chính tả đến chừng nào ưng ý thì thôi, hoặc chính tay phụ huynh chép cho con cũng được. Con ĐƯỢC 10 điểm, nhưng đổi lại sự được ấy là cái MẤT, khi con mới 8 tuổi đã có ý nghĩ rằng thi cử như trò đùa, làm bài lần này không được thì mang về nhà làm lại; rằng cả cô và mẹ, hai đối tượng đáng tin đáng kính nhất đời đã cùng bàn bạc nhau làm điều sai trái; rằng điểm số là thứ cực kỳ quan trọng, nó là bộ mặt của cả cô lẫn trò, của cả nhà trường, ngoài điểm ra thì trên đời chả còn gì quý hơn nữa, cả lòng đam mê, ước mơ, nỗ lực, chữ tín và sự trung thực. Cái MẤT quá nhiều so với ĐƯỢC, tôi từ chối một cách kiên quyết, nói khéo với cô giáo rằng cô cứ để điểm thế cho cháu rút kinh nghiệm, đây là một cách để răn đe, để lần sau không còn chuyện điểm thấp như vậy nữa. Cô giáo buồn rười rượi vì thất vọng, còn phụ huynh cũng thở dài trong lòng: Điểm 7 là cao quá đi rồi, ngày xưa mẹ cháu toàn 5, 6 điểm mà rồi ra vẫn thành người tử tế, cớ sao xã hội cứ phải có một sổ điểm ngập 9, 10?
|
Tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ như vậy. Tôi biết nhiều phụ huynh thậm chí vẫn cố gắng chạy chọt để con mình có được một sổ điểm đẹp, dù thực lực chỉ được một nửa thế. Và như vậy chẳng phải có CẦU mới có CUNG hay sao, cả giáo viên lẫn phụ huynh cùng nhau hợp tác để tạo nên một xã hội thành tích. Những vụ sai phạm mang yếu tố hình sự trong quá trình sửa điểm đại học tại Hà Giang, Hòa Bình… cũng là kết quả của sự hợp tác này, chỉ là ở cách quy mô hơn. Chẳng phải là rất nhiều phụ huynh đều cố gắng bằng mọi cách “chạy” cho con vào trường điểm ngay từ lớp 1, chứ không phải đại học mới “chạy”. Cha mẹ của những đứa trẻ khốn khổ ấy đã “chạy việt dã” từ lúc chúng còn đang ngồi lớp mẫu giáo bé. Họ gửi con đến học ở những lò luyện thi chữ đẹp để có được cơ hội vào những trường điểm, thậm chí họ sẽ dùng đường tắt nhanh hơn là đến thẳng nhà hiệu trưởng thay vì đi qua cổng trường. Những “gói trường điểm” có mức giá cố định, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu. Trường điểm thường là trái tuyến, cách xa nhà tới cả chục cây số, họ cũng cố cày cục xin cho con vào, dẫu những đứa trẻ bé bỏng phải dậy từ tinh mơ, sớm hơn các bạn và cả người lớn để vượt qua những nút giao thông tắc nghẽn cả tiếng đồng hồ trong tình trạng ngái ngủ trên đường. Chẳng phải như vậy nên trường học cũng phải chạy theo thành tích hay sao, nếu không có thành tích, không phải là “trường điểm” thì ai còn thiết tha vào học, trường vừa mất tiếng, vừa “thất thu”.
Tôi có cô bạn dạy ở một trường điểm bậc phổ thông cơ sở. Cô bảo cô có đứa học trò chuẩn bị đi thi học sinh giỏi cấp quận, hiệu trưởng chỉ định cô phải dạy ôn cho cậu bé miễn phí và làm cách nào thì làm, tìm đường dây nào thì tìm, “đi đêm về sáng” ra sao cũng được, miễn là bằng mọi giá phải giúp cậu bé giành được giải thưởng để mang thành tựu về cho nhà trường. Thành ra cô bị áp lực, học trò mà không đạt thứ hạng trong kỳ thi ấy thì cô sẽ khiến hiệu trưởng khó ở và bị hành suốt cả học kỳ.
Tại sao thời xưa điểm số của học trò thấp hơn bây giờ rất nhiều, thậm chí còn có giai thoại điểm 9 là điểm của cô và điểm 10 là điểm của Chúa, mà những thế hệ đó vẫn có thể thành đạt. Vậy từ bao giờ mà sổ điểm của học trò luôn 9,10 nhưng kiến thức thì không hơn mà đạo đức xã hội ngày càng suy đồi. Chúng ta luôn phỉ báng trào lưu thành tích của giáo dục, luôn khinh miệt nó và so sánh với giáo dục Tây, rồi bằng mọi giá cho con đi Tây để được hưởng nền giáo dục chân thực hơn, nhưng chưa bao giờ ta tự nghĩ rằng nếu không còn phụ huynh nào có nhu cầu về “thành tích” nữa thì nhà trường mang thành tích ra phục vụ cho ai. Nhiều người phủ nhận điều này, rằng con họ điểm số bao nhiêu không thành vấn đề, họ không hề chạy theo thành tích, tuy nhiên nhìn những gì trên mạng xã hội mà hàng ngày họ vẫn đưa lên mới thấy họ yêu thành tích đến thế nào. Con được điểm 10 là họ khoe cư dân mạng, con được giải thưởng học sinh giỏi cấp này cấp nọ họ không nhịn được mà phải công khai ngay, con được suất học bổng càng làm sao chịu đựng mà giấu đi được, ngay cả khi con đi làm rồi, đạt được thành tích vẫn cứ giúp cho niềm tự hào cõi mạng của cha mẹ thêm đầy đặn. Ô hay tại sao chúng tôi phải giấu những điều quang minh chính đại đó đi, con cái học giỏi và thành đạt là tốt, xấu xa gì mà phải che đậy! Họ sẽ nói như vậy và họ đúng, chỉ có điều, đó chính là áp lực khủng khiếp cho những bậc cha mẹ trống không về thành tích của con, và những con người “bất hạnh” ấy sẽ tìm mọi cách để tạo nên thành tích cho con cái, ngay từ khi chúng còn chưa cắp sách đến trường.
Người Việt từ xưa vốn có tư duy học giỏi để làm quan, để thành đạt, chứ không nhấn mạnh việc học hỏi là kiếm tìm chân trời kiến thức nhằm thỏa mãn đam mê và mơ ước của con trẻ. Cái thói quen truyền thống luôn so sánh với nhà hàng xóm khiến gia đình nào có con học kém hay không thành đạt (khi trưởng thành) trở nên tủi hổ ghê gớm với bạn bè và láng giềng. Chính vì vậy ở thời cõi mạng bùng nổ này, sự so sánh, thậm chí là so đo càng trở nên dễ dàng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người ta sẽ không thể chịu đựng khi không có thành tích và những đứa con đã biến thành cái mề đay di động gánh thành tích cho cha mẹ, với ước vọng điểm cao để sau này thành đạt cho cha mẹ nở mày nở mặt và trở thành cơ sở vững chãi để làm chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già. Văn hóa thành tích có từ ngàn đời nay bỗng phát triển tỷ lệ thuận theo tốc độ nâng cấp của smartphone và internet băng thông rộng.
Mỗi sáng sớm đi làm trên phố thấy những đứa trẻ ngủ gật gù trong chiếc ô tô trường đưa đón mà bỗng xót xa. Và cả những chiếc toilet trường được xây mới sạch sẽ khiến cho học trò trở nên vô cùng phấn khởi, vì giữa giờ nếu có mệt quá chúng hay xin thầy giáo vô đó, thực ra là để chợp mắt mươi phút trên bệ vệ sinh trước khi chống chọi với lũ điểm số quay cuồng mà cả cô thầy lẫn cha mẹ đang treo lơ lửng trên đầu chúng.
Có lần con gái tôi ngạc nhiên hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ là phụ huynh duy nhất trên thế giới này không đưa bất cứ thông tin gì về con cái lên mạng xã hội đấy?
- Ừ, vì mẹ yêu con theo cách yêu của mẹ!
Chúng ta luôn phỉ báng trào lưu thành tích của giáo dục, luôn khinh miệt nó và so sánh với giáo dục Tây, rồi bằng mọi giá cho con đi Tây để được hưởng nền giáo dục chân thực hơn, nhưng chưa bao giờ ta tự nghĩ rằng nếu không còn phụ huynh nào có nhu cầu về “thành tích” nữa thì nhà trường mang thành tích ra phục vụ cho ai. |
Ca sĩ Thùy Trang: Sống khép kín dễ bị tin đồn thất thiệt bủa vây (TGĐA) - Không chỉ chia sẻ về tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Vũ Đức ... |
Đàn ông cần giàu có, tính cách, hay là...? (TGĐA) - Một dạo thấy chuyện mỹ nữ Ngọc Trinh 27 tuổi yêu tỷ phú Hoàng ... |
Di Li