(TGĐA) - Tôi có cô bạn, nói là có cô bạn cho đúng thói quen báo chí chứ thực ra là nhiều cô bạn như thế, không còn yêu chồng tí nào nữa, anh chồng cũng không còn yêu cô ấy nữa. Họ rất lắm vấn đề. Cô ấy đưa ra bạn bè biểu quyết thì ai cũng xui bỏ cho xong. Bạn tôi, lằng nhằng nhiều năm mãi chưa quyết, đến khi quyết li dị rồi thì anh chồng nhất định không. Ai cũng không thể hiểu nổi tại sao anh chồng ngày càng ứng xử tệ như thế mà cô vẫn chưa thể quyết định. Rồi sau này cô cũng không hiểu nổi là cớ làm sao anh chồng nhất định không muốn li dị, trong khi cô muốn mọi việc kết thúc sớm chừng nào tốt chừng ấy. Tôi bảo cô rằng đấy chẳng qua là do thói quen mà thôi. Đôi bên lằng nhằng mãi không xong chẳng phải là báu gì nhau đâu, bởi nếu mà còn yêu thương, còn tình cảm thì đã chẳng dẫn đến chuỗi hành động khiến một bên phải đưa ra quyết định đau lòng ấy.
Hành tinh đơn độc và những hành trình bất tận | |
Tài xế giảng đạo |
Thói quen, tưởng chừng là một điều lăng nhăng vớ vẩn dễ xử lý nhưng kỳ thực là thứ ăn sâu vào tiềm thức một cách khủng khiếp. Để tôi kể câu chuyện như này. Tôi có một cô cháu họ, sống cùng tôi đã được 15 năm. Bạn bè, thân sơ ai cũng biết cô bé, một cô gái rất hoàn hảo và đáng mến. Cô được coi như thư ký riêng của tôi, là đầu bếp chuyên gia, là thợ làm tóc, thợ may của tôi. Hồi con gái tôi còn nhỏ thì một tay cô chăm sóc, thậm chí còn dạy chữ và nhổ răng cho nó nữa. Tôi nuôi cô ăn học từ bé xíu. Hàng ngày cô đi học rồi chiều về thì giúp đỡ tôi các việc lặt vặt trong nhà. Cứ như thế hết đại học thì cô đi lấy chồng.
|
Việc ấy là đương nhiên và tôi cũng biết trước như vậy, nhưng khi cô chính thức báo tin vui thì tôi mất ngủ mất mấy ngày, trong tâm trạng hoảng sợ. Cha mẹ và bạn bè tôi còn có phần hoảng hốt hơn, ai cũng biết cô ấy là cánh tay phải của tôi trong ngần ấy năm. Họ hỏi “Giờ thì làm thế nào?”. Tôi cố gắng giấu giếm nỗi hoảng sợ. Nhưng dường như tất cả đang hiểu lầm nỗi sợ hãi của tôi. Họ nghĩ rằng khi cô gái không còn sống cùng tôi nữa, thì tôi sẽ rối tinh lên không biết tổ chức cuộc sống thế nào.
Họ hoàn toàn quên mất rằng một người đã sống tự lập một mình không có bố mẹ bên cạnh từ năm 13 tuổi, tự đi khắp thế giới đến những nơi thâm sơn cùng cốc, tự gây dựng sự nghiệp, tự khuân gạch làm nhà, tóm lại bao việc khó khăn nhất còn làm được mà lại không vượt qua nổi mấy việc dọn dẹp, nội trợ lặt vặt hay sao. Chưa kể từ trước đó rất lâu đã có đồng nghiệp giới thiệu sẵn cho tôi một chị nấu ăn cực ngon đang biên chế tại khách sạn nhà nước, giờ muốn làm thêm. Nghĩa là về cơ học thì nếu bận, tất cả mọi việc tôi đều đã có sẵn người thay thế.
|
Sau đó người ta lại nghĩ sự hoảng sợ của tôi là do tình cảm gắn bó với cô cháu gái ấy bao nhiêu năm. Tình cảm với cô ấy thì đương nhiên thắm thiết, nhưng đến như con gái đi lấy chồng thì bố mẹ cũng còn phải vui mừng kia mà, ngày cưới có thể sẽ vấn vương thoáng buồn đôi chút nhưng có ai hoảng sợ đâu. Một mặt tôi mừng cho cô bé tìm được bến đỗ, mặt khác thì trong tiềm thức tôi mất cả ngủ.
Tôi đã quá quen với mỗi lần mở cánh cửa phòng ngủ hay cửa ra vào đều thấy cô ấy lách cách thứ gì đó trong bếp, phơi vài món ngoài ban công, hoặc đang khâu vá mấy mẩu vải hay gõ máy tính trên salon. Ngày bình thường mà hễ lần nào đi về không thấy cô có mặt ở nhà là trong lòng còn hơi thấy sao sao. Dù biết việc vắng nhà của cô ấy chắc chắn chỉ là ra siêu thị mua rau thịt hay đi sửa mấy món đồ cho tôi chứ chả còn việc gì khác.
|
Nhưng đã bảo cái phản xạ có điều kiện nó cứ phải gợn lên vài giây như thế hẵng, nên là mấy ông chồng hễ cứ đi làm về câu đầu tiên phải hỏi “Mẹ mầy đâu?”, rồi thấy vợ mãi không về đã điên hết cả lên thì phải hiểu không phải là ổng vắng vợ vài chục phút thì nhớ vợ không chịu nổi, mà là mấy chục năm ổng đã quá quen với hình ảnh một bà vợ lui cui available trong nhà rồi, về đến nhà là automatic vợ sẵn có như thế, cứ khác đi là khó chịu. Cứ để thói quen lâu ngày hoành hành thế là nhiều chị em khéo đã tự biến thành nô lệ lúc nào không hay.
Giờ tôi hình dung cô cháu gái đi luôn, về đến nhà không còn thấy hình ảnh loay hoay của cô ấy nữa. Duy nhất điều ấy khiến tôi rất sợ hãi. Đó là thói quen, là phản xạ đã 15 năm rồi. Nhưng cô ấy lấy chồng được một thời gian, thì tôi cũng bắt đầu quen. Nhiều bận cô gái hay mang đồ ăn đến cho tôi, thường là rất khuya, thì lúc ấy tôi đang bận việc gì đó hay chuẩn bị đi ngủ là sẽ còn càu nhàu rằng sao mà mi hay lọ mọ đêm hôm.
|
Thói quen, đôi khi còn gây ra những trạng thái tâm lý kỳ quặc và nực cười hơn nữa. Là chẳng ai trên đời biết được từ bé đến giờ tôi chưa vận hành một cái máy xay sinh tố nào bao giờ. Thường thì những việc lặt vặt như vậy sẽ do cô cháu gái của tôi làm. Từ ngày cô bé đi lấy chồng, tôi vẫn mở tiệc mời khách, tự tay làm các món, và nấu nướng hàng ngày, nhưng máy xay thì bỏ hoang.
Thi thoảng con gái tôi kêu thèm một ly trái cây xay thì tôi lờ đi, bảo nó tự đi mà làm. Nàng ta khá là đoảng, không biết nấu bất cứ gì cả, nhưng xay các thứ bằng máy thì nhoay nhoáy. Không ai tin được cái cảm giác sợ máy xay của tôi, chính xác là sợ phải vận hành một thứ chưa bao giờ từng. Có gì buồn cười đâu. Hồi 20 năm trước tôi đã từng về một tòa soạn có tiếng ở thủ đô làm việc. Tôi là người nghĩ ra việc nối internet cho tòa soạn, rồi tạo một địa chỉ mail để liên lạc cho tiện.
|
Trước đó toàn bộ ê kíp phóng viên, biên tập viên cho đến thư ký tòa soạn và tổng biên tập đều phải làm việc trên văn bản. Nghĩa là ai có văn bản gì cần gửi thì lọ mọ phóng xe đến tận nơi rồi giao tận tay chứ không i meo i miếc gì hết. Tuy nhiên có E-mail rồi, phó tổng biên tập vẫn kêu tôi “Bảo người ta in ra rồi mang đến đây, meo làm gì phức tạp lắm”. Tôi kinh ngạc y như các bạn thấy tôi sợ cái máy xay sinh tố vậy. Thế là các cộng tác viên vẫn phải “phép vua thua lệ làng”, có bài vở gì muốn cộng tác thì in ra dằng dặc chục trang giấy, đóng gói lại gửi bưu điện hoặc phóng đến tận nơi mà đưa, sau đó thì phó tổng sẽ chuyển cái bài ấy cho nhân viên đánh máy lại toàn bộ. Mỗi ngày phải gõ đến hàng trăm trang, lúc nào gõ oải quá chữ tác đánh chữ tộ, bị nhầm bị kiện là chuyện thường. Trong khi chỉ vài giây là đã có thể mở mail rồi copy-paste lại toàn bộ. Nhưng cả tòa soạn lại sợ… cái E-mail thì biết làm thế nào.
Lại nói về cái máy xay sinh tố. Sau đó xảy ra sự việc là con gái tôi phải vào viện vì bị sụt kali. Bác sĩ bảo cho cháu nó ăn nhiều chuối vào, vì kali có nhiều nhất ở chuối. Nhưng cả đời nó không bao giờ chịu ăn quả chuối nào thì biết làm sao.
|
Có người bảo tôi là nếu con không chịu ăn chuối thì có thể xay ra như kem thì con sẽ thích ăn. Tôi trả lời lấp liếm là rồi nó cũng chả chịu ăn đâu. Nhưng đến khi nàng ta bảo rằng nếu chuối xay ra thì ăn cũng được, tôi không còn cách nào thoái thác nữa. Tôi khệ nệ bê của quý từ trên tủ xuống, cắt chuối thả vào rồi bấm một cái nút. Sau này mỗi lần nghĩ lại tôi rất mắc cười, chỉ là bấm một cái nút, nó dễ hơn ngàn, vạn, triệu lần những việc khó khăn tôi đã từng làm trên đời, tại sao tôi lại thấy ngại và sợ. Nhưng một khi đã quen với cái máy xay sinh tố, tôi bắt đầu nghiện xay, có những thứ nhẽ ra không cần phải xay thì tôi cũng bỏ vào xay.
Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu nhiều về những hình thái tâm lý tạo nên thói quen, nghĩa là con người ai cũng bị mắc phải cái gọi là “thói quen”, nên người ta mới thích mua rau, mua thịt ở hàng quen, thích ăn ở quán quen, và nhất định không bao giờ chịu khám phá, thử nghiệm thêm một tiệm hàng nào khác dẫu còn rất nhiều địa chỉ ngon, rẻ và hợp vệ sinh hơn.
|
Tôi có người bạn vong niên, mỗi lần mời khách đều chỉ ở đúng nhà hàng ấy, dù tất cả những người được mời đều thống nhất rằng đây là nhà hàng tệ nhất Hà Nội, vừa đắt vừa chán, vừa lộm nhộm đông đúc, lại vừa bẩn nữa vì có lần chúng tôi tìm thấy trong đĩa nộm có khuyến mại thêm cả một con gián. Ừ nhưng quen rồi, dù Hà Nội có hàng ngàn tiệm ăn song bước chân vào một tiệm lạ có thể người ta thấy sợ hãi, nỗi sợ vô hình khó hiểu y như tôi sợ phải đụng vào cái máy xay vậy…
Thói quen nguy hiểm ở chỗ nó khiến người ta sợ hãi thay đổi, sợ thích nghi cái mới, và vì thế đôi khi sẽ kéo tụt cả sự tiến bộ. Nhưng, thói quen là thứ có thể tự hình thành và điều chỉnh, nên “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt số phận” chính là như vậy. |
Hạnh phúc là được ngồi đúng chỗ | |
Sống vì con |
Di Li