Chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển nền công nghiệp điện ảnh – Những kinh nghiệm từ các nền điện ảnh uy tín trên thế giới

(TGĐA Online) - Ngày thứ 3 trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XIX đã diễn cuộc hội thảo quốc tế “Chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển nền công nghiệp điện ảnh” với những chia sẻ hết sức quý báu của các chuyên gia, cố vấn hoạch định chính sách điện ảnh đến từ các nền điện ảnh nổi tiếng trên thế giới.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ; bà Ane Kristen Andersen - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; TS. Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Trưởng Ban tổ chức LHPVN XIX, NSND Đặng Xuân Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo LHPVN XIX – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Duy Anh – Phó Cục trưởng Cục điện ảnh và bà Nguyễn Phương Hòa – Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, cùng các đại diện của cơ quan Bộ, Ban ngành, các hãng phim Nhà nước, Tư nhân.

hoithao2lhp19.1

Ông Đỗ Duy Anh và bà Nguyễn Phương Hòa chủ trì và điều hành Hội thảo. Đại diện Cục điện ảnh Việt Nam, ông Nguyễn Duy Anh đã đề dẫn giới thiệu về đặc điểm cùng những chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho điện ảnh Việt Nam hiện nay. Bản tham luận cũng giới thiệu một số điều luật sửa đổi của điện ảnh; Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của điện ảnh; Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Kế hoạch tổng thể về việc phát triển quy hoạch điện ảnh. Trong tất cả các văn bản đó, Cục điện ảnh đang soạn thảo thông tư về phân loại phim, tạo điều kiện cho các nhà làm phim có định hướng, sáng tác trong sản xuất và phát hành phim. Theo đó, hệ thống phân loại phim có 4 loại gồm: T – dành cho mọi đối tượng; C13 cấm trẻ em dưới 13 tuổi; C16 cấm khán giả dưới 16; C18 cấm khán giả dưới 18 tuổi. Dự kiến văn bản này sẽ được ban hành trong quý I năm 2016. Các vị khách quốc tế đã có những hình dung nhất định về những chính sách đầu tư của nhà nước Việt Nam để công nghiệp điện ảnh có thể cất cánh như: Dành quỹ đất nhất định xây các rạp chiếu; Hỗ trợ nguuồn nhân lực cho điện ảnh; Hỗ trợ sản xuất phim; Chính sách phim Việt Nam trong khung giờ nhất định trên các đài truyền hình; Khuyến khích thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim với các thủ tục đơn giản, nhanh gọn; Đẩy mạnh quảng bá điện ảnh thông qua du lịch…

hoithao2lhp19.2

Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm từ chính nền điện ảnh của mình, các vị khách quốc tế đã đem đến Hội thảo những thông tin vô cùng quý giá có thể làm bài học tham khảo cho điện ảnh Việt Nam. Theo đó, ông Jakob Kirstein Hogel - Ủy viên Quỹ điện ảnh Tây Ban Nha, Nhà sản xuất của công ty Metal Film đã trình bày về Chính sách hỗ trợ và các ưu đãi để bảo về và phát triển nền công nghiệp điện ảnh quốc gia Tây Ban Nha. Ông Yun Ha nói về Chính sách hỗ trợ điện ảnh tại Hàn Quốc nhằm hướng tới mục tiêu “có kỹ thuật làm phim sánh ngang với Hollywood”. Đặc biệt, hệ thống thông tin phòng vé (bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn) giúp người xem biết thông tin về các bộ phim và tới rạp xem các phim của Hàn Quốc là mô hình có thể áp dụng sớm tại Việt Nam. Chuyên gia Anh – Tiến sỹ Martin Smith, cố vấn đặc biệt của hãng phim Ingenious nói về Chính sách điện ảnh tại Vương quốc Anh: Thách thức cho nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Thuyết trình của bà Susan Lee, Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ (MPA) về chính sách thuế hỗ trợ sản xuất phim để thu hút các nhà làm phim tại Hollywood nhằm chia sẻ những thông tin từ phía MPA mà theo bà là “có thể đóng góp cho những chính sách của quý vị”. Bà Susan Lee khẳng định: Quy trình làm phim luôn chứa đầy những rủi ro, dù là phim lớn hay phim nhỏ. Việt Nam hay các quốc gia khác mới nổi đều có những câu chuyện hay, có bản sắc văn hóa riêng biệt và không có cách nào tốt hơn là chia sẻ câu chuyện riêng đó thông qua các bộ phim. Bà Susan cũng cho rằng ngoài tài năng sáng tạo cũng cần xây dựng môi trường thân thiện để đầu tư, có cơ sở luật pháp hiệu quả với những chính sách khác nhau về luật kiểm duyệt, đầu tư, bản quyền sở hữu trí tuệ.

hoithao2lhp19

Sau phiên thảo luận với các ý kiến đề xuất trực tiếp từ phía các nhà sản xuất về các chính sách hỗ trợ cụ thể cũng như những ưu đãi cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Tiến sỹ Ngô Phương Lan phát biểu tổng kết hội thảo, ghi nhận các đề xuất từ đó lựa chọn những giải pháp có tính khả thi nhất để hoạch định chính sách xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

V.T