Đạo diễn Lê Hoàng: Hồ Ngọc Hà suýt nữa đã trở thành 'gái nhảy'!

(TGĐA) - Người ta chỉ nhớ Gái nhảy là tác phẩm gắn với cái tên Lê Hoàng, là phim “hốt bạc” có công trong việc kéo thị trường làm phim chiếu rạp ở Việt Nam sôi động trở lại và là nguồn cơn gây mâu thuẫn, tranh cãi trong giới làm nghề suốt từ thời điểm phim công chiếu cho đến nhiều năm sau. Nhưng ít ai nhớ rằng, Gái nhảy là một phim chiếu Tết và cũng khởi đầu lại cho một sân chơi thân quen mà cũng vô cùng khốc liệt của các nhà làm phim cho tới tận bây giờ…    

dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay Song Ngư 'rụng rời' khi được đạo diễn Lê Hoàng mời đóng phim
dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay Gặp lại “gái nhảy” Minh Thư

Kịch bản đầu tiên được mang tên Trường hợp của Hạnh và sau đó, nghe đồn rằng bộ phim suýt đổi thành Cave nhưng cuối cùng, Gái nhảy mới là tên chính thức. Cái tên này, là tư duy hướng đến thị trường khi xác định mục tiêu chiếu rạp hay chỉ đơn thuần là cái tên để phim đỡ khô khan hơn?

Chỉ nghĩ là đặt tên khác thôi, thật lòng lúc đó chẳng ai nghĩ đến chuyện câu khách gì đâu. Tôi nhớ đó là thời điểm phim xong đưa duyệt, khi họp thì thấy cái tên cũ Trường hợp của Hạnh không hợp lắm với nội dung bởi phim thiên về tâm lý khác. Thực tình tôi chẳng nhớ lúc đó ai đề xuất ra cái tên Cave nữa nhưng nó bị phản đối bởi nghe cái tên đó Tây quá, sợ giới trẻ họ không hiểu. Cuối cùng Gái nhảy là cái tên được chọn, không nhầm là do giám đốc thời đó, ông Ngọc Quang nghĩ ra.

dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay
Đạo diễn Lê Hoàng

Những cô gái nhảy hở hang là hình ảnh hiếm ở dòng phim thời bấy giờ. Quả thật, Mỹ Duyên hay Minh Thư, Bằng Lăng đã làm rất tốt vai diễn của mình. Lúc đó, anh đã lựa chọn diễn viên thế nào?

Diễn viên tôi chọn đóng gái nhảy Hạnh lúc đầu là Hồ Ngọc Hà chứ không phải Minh Thư. Tôi tin rằng Hà còn nhớ dù cuộc nói chuyện đó chỉ diễn ra mấy phút trong một đám đông. Tuy nhiên, vì Hà cao quá, chọn nam diễn viên đóng cùng sẽ bị chênh nên đành thôi. Vì mỗi lý do đó thôi. Mà lúc tôi chọn dàn diễn viên, ai cũng bất ngờ. Nhất là Mỹ Duyên, cô ấy bị phản đối kinh khủng vì trước giờ đóng toàn vai ngây thơ hiền lành. Trông cô ấy có sexy hở hang gì bao giờ đâu mà đóng vai gái nhảy được? Thậm chí, người ta còn đồn rằng, là vì tôi cặp bồ hay thích Mỹ Duyên nên mới chọn. Phải sau phim, người ta mới thấy điều đó là không đúng…

Gái nhảy được chiếu ngày 8/2/2003, tức mùng 8 Tết Quý Mùi. Tôi nhớ sau khi phim thắng lớn, đại diện hãng Giải Phóng từng trả lời báo chí rằng, khi làm Gái nhảy, Hãng coi bộ phim lần này là một sự đổi mới, một cách tự cứu mình của hãng. Mục tiêu ngay từ đầu của ekip làm phim là chiếu Tết và kiếm doanh thu?

Ôi, tôi chả tin điều đó đâu, chắc sau này khi phim chiếu thành công thì nói vậy. Ngày xưa làm phim kinh phí nhà nước chỉ có hai con đường. Một là bán cho đơn vị phát hành của nhà nước là Fafilm kiếm ít tiền, lời lỗ họ chịu; hai là tự mình chiếu. Gái nhảy được nhà nước cấp khoảng 200 - 300 triệu để làm phim, Hãng có gạ bán cho Fafilm Sài Gòn hình như cũng với giá đó nhưng họ không chịu nên đành phải tự phát hành. Bán thế là lãi rồi bởi bán bao nhiêu là tiền đó mình được hưởng chứ tự làm chỉ có lỗ… Nói thật là xong phim, xem cũng thấy có chút khác thường nhưng nghĩ rằng là một sự đổi mới, là này là nọ hay ăn khách đến mức khủng khiếp thế thì chẳng ai nghĩ tới.

Phim chiếu đúng mùng 8 Tết à? Thật sự tôi không nhớ đấy. Vì thời đó có quan niệm làm phim chiếu Tết gì đâu. Trước khi Gái nhảy phát hành, chả ai có quan niệm phải làm phim chiếu Tết cả. Lúc đó chiếu lúc nào chả chết như nhau. Tôi cũng chả nhớ sao lại chiếu đợt Tết đó nữa, chắc phim xong đúng dịp và nghĩ mùng 1 chiếu chả ma nào xem nên chọn mùng 8…

dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay
Cảnh trong phim Gái nhảy của Lê Hoàng

Tức là thời đó anh vẫn hoàn toàn chưa có quan niệm gì về việc làm phim có khán giả hay thị trường như sau này chúng ta vẫn nói?

Thực tình thì có. Nói ra cũng chả có bằng chứng nhưng tôi nhớ trước khi làm Gái nhảy, tôi và anh Phi Tiến Sơn có ngồi với nhau ở Sài Gòn. Tôi nói với anh rằng, tụi mình phải làm một phim gì đó có khán giả chứ không thế này thì chết. Đó là tâm nguyện. Và sau đó, tôi làm Gái nhảy còn anh Phi Tiến Sơn làm Lưới trời, đề tài tham nhũng nhưng cũng với tư duy hướng đến khán giả.

Thật ra, tôi hơi khó chịu thậm chí khá dị ứng khi ai gặp tôi là nói về Gái nhảy. Ngoài lý do chẳng nhẽ bao năm qua tôi chẳng có gì hơn Gái nhảy để nói à thì tôi còn hơi buồn bởi vấn đề lưu trữ của bộ phim. Bây giờ xem lại thấy phim có màu mờ nhạt, âm thanh xộc xệch thì khá buồn, giới trẻ giờ xem lại hẳn sẽ thất vọng.

Với tư duy làm phim vậy, hẳn bài toán PR quảng bá phát hành cho phim cũng được đoàn phim nghĩ tới?

Ôi trời, làm gì có chuyện PR. Ý định làm phim có khán giả thì có nhưng “âm mưu” kiểu PR bây giờ thì hoàn toàn không, hoàn toàn không! Nếu kể công PR lớn nhất thì phải thuộc về nhà quay phim Phạm Hoàng Nam. Anh ấy có quen với một bạn làm thiết kế, cả hai nghĩ ra ý tưởng rồi thiết kế ra tấm poster phim cũng như làm áp phích. Bao năm rồi phim Việt làm gì có áp phích phim đâu. Phải công nhận cái áp phích đó ấn tượng…

Về phát hành thì Fafilm Sài Gòn lúc đó rất kém, ở TP Hồ Chí Minh chỉ có rạp Thăng Long là ăn nhất còn lại chả có cửa gì. Ngày đó tiền ít đến mức, tôi nhớ phim ra mắt ở rạp Thăng Long, tiền mua hoa cho từng ấy diễn viên còn không đủ nên phải nghĩ cách xoay vòng. Ai được tặng hoa thì mang xuống rồi lại chuyền lên tặng tiếp. Mà hoa có đẹp gì đâu, ông chủ nhiệm chỉ cho mua hoa xấu, rất là xấu…

Thế mà nghe thông tin đâu đó nói rằng, ngoài số tiền nhà nước rót gần 300 triệu, Gái nhảy còn xã hội hóa xin góp vốn được thành 1,4 tỷ đầu tư…

Ngày xưa không có tư duy xã hội hóa, làm gì có tư nhân nào góp vốn. Gái nhảy tiền ít lắm, phục trang toàn diễn viên tự lo, làm gì có thiết kế trang phục hay stylist như bây giờ. Cát sê của tôi được 25 triệu và sau khi phim thu về 13 tỷ, tôi được thưởng thêm có 40 triệu. Diễn viên đóng mấy tháng phim đó được đâu 4 triệu cát sê. Diễn viên quần chúng thì dễ thương, cứ hô là đi. Máy quay, trang thiết bị nhà nước lo nên cũng đỡ, còn lại là đi mượn hết. Ví dụ cảnh quay ở vũ trường là do tôi quen một anh công an, địa bàn anh ấy có một vũ trường nên nhờ mượn hộ, họ chả lấy đồng nào. Cảnh Mỹ Duyên ở khách sạn thì ở Vũng Tàu, cả đoàn phim thuê khách sạn xong cứ vác máy mà quay thôi, không tính giá như bây giờ… Thời nay mà làm Gái nhảy, mười mấy tỷ cũng chả được phim.

dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay
Mỹ Duyên trong phim Gái nhảy

Kinh phí làm phim ít có phải là áp lực lớn nhất với anh khi nhận làm Gái nhảy?

Thực ra nghĩ lại cũng chả thấy áp lực gì mà còn rất sung sướng. Máy móc, phim nhựa, trang thiết bị của nhà nước, muốn quay bao lâu thì quay chứ không phải thuê mướn tính từng ngày như bây giờ. Ban giám đốc cũng không có xía vô bất cứ chuyện gì, cho đạo diễn toàn quyền làm mọi thứ chứ không như các nhà sản xuất hiện nay, can thiệp quá nhiều vào các khâu.

Vốn ban đầu 300 triệu, thu về 13 tỷ thời điểm 2003. Không thể phủ nhận, phim hốt bạc đúng nghĩa không chỉ cho hãng mà còn cả anh và dàn diễn viên. Nghe đồn sau đó, ngoài hợp đồng tới tấp thì anh còn sắm nhà, ô tô đủ cả…?

Tôi chả được thêm xu quái nào. Như tôi nói đó, ngoài cát sê 25 triệu, tôi được 40 triệu tiền thưởng ngang biên kịch của phim. Chắc chắn như thế.

Còn doanh thu 13 tỷ thì có chuyện tranh cãi sau đó là: Tiền này là của nhà nước hay của hãng phim Giải Phóng? Vì nhà nước đầu tư thông qua Cục Điện ảnh bao năm đều lỗ, khi có lời phải lấy chứ? Nhưng rồi chắc thấy chả nên lấy lại làm gì vì có lấy thì cũng phải nộp lên ngân sách, cuối cùng, Cục để lại cho hãng. 13 tỷ thời đó to lắm, to khủng khiếp. Nhờ số tiền này, hãng Giải phóng ngoài sửa chữa đầu tư xây cất còn mua được 3 chiếc ô tô, 1 xe 7 chỗ, 1 xe 16 chỗ và 1 xe Dcar vẫn còn đi cho tới tận bây giờ.

Cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn nói rằng Gái nhảy là phim thuần giải trí nhưng một số ý kiến cho rằng, phim khai thác hiện thực xã hội và đi sâu vào thân phận của những người được coi là tầng đáy xã hội với những khao khát đầy nhân văn. Vậy với anh, làm Gái nhảy, anh nghĩ mình làm phim hốt bạc hay chuyển tải góc nhìn xã hội của mình?

Không không, Gái nhảy không nên bị hiểu thế. Ý nghĩa nhân văn tôi nghĩ đến ngay từ lúc làm phim. Khán giả có thể nhìn thấy nó được cài cắm thông qua nhiều hình ảnh có ý đồ rất rõ, ví dụ Hạnh phát biểu trong hội nghị ở cuối phim; khi cô ấy bơi qua sông ngược dòng có thuyền đám cưới…; cô lên nhà ngồi với bà mẹ là nông dân, tắm bằng lu… Tôi muốn đi tới cái gốc của thân phận, nơi đó họ có cuộc sống bình thường, hồn nhiên và có khao khát.

dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay
Poster phim Gái nhảy

Gái nhảy gây tranh cãi cực lớn trong giới làm phim và không ít lời miệt thị cách làm phim này dành cho anh thời điểm đó. Anh có lường trước được phản ứng của đồng nghiệp lúc bấy giờ không? Tôi còn nhớ, lúc ở Liên hoan phim tại Buôn Mê Thuột, anh đã khóc, nói mình cô đơn, bị xúc phạm…

Đồng nghiệp phía Nam chả nói gì mà chỉ có ở ngoài Hà Nội. Còn nhớ, anh Lê Đức Tiến là lãnh đạo, có mang Gái nhảy ra chiếu ở Hãng phim truyện. Chả hiểu sao tôi cũng ngây thơ cùng Minh Thư tới dự và khi chiếu xong, một số đồng nghiệp phía Bắc nói: thứ rẻ tiền thế này có ăn khách cũng chả thèm làm. Họ cho rằng đây là một sự hư hỏng, sa đọa, chết cũng chả làm. Phong trào phản đối kiểu làm phim này lúc đó lên cao lắm. Tôi vẫn cho là mình đúng, nhưng tức vì bất ngờ, vì bị đồng nghiệp báo chí xúc phạm bằng đủ thứ quy kết. Bên cạnh đó, tôi nhìn những đồng nghiệp cũng làm phim nhà nước khác thì phẫn nộ bởi họ tìm đủ mọi cách để tiêu tiền, ví dụ thay vì có thể gửi in tráng ở Thái cho tiết kiệm thì phải bầy đoàn đi… Điều đó khiến tôi tức giận.

Với tôi, Gái nhảy ngoài tiền và một giải Cánh diều bạc, nó bị đối xử rất bất công!

Tôi nhớ lần Gái nhảy chiếu ở Liên hoan phim 14 ở Ban Mê Thuột, nhà thơ Trần Đăng Khoa tới xem. Nghe dư luận trước đó, hẳn anh nghĩ sẽ là một phim thương mại rẻ tiền tởm lợm lắm nhưng tò mò. Nhưng xem xong, tôi nhớ Trần Đăng Khoa bảo: đâu có phải như vậy đâu. Anh ấy là người ngoài nghề nên khách quan…
dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay Đạo diễn Lê Hoàng đi tìm lời giải thích cho việc giới trẻ hôn ghế thần tượng Hàn Quốc từng ngồi
dao dien le hoang ho ngoc ha suyt nua da tro thanh gai nhay Đạo diễn Lê Hoàng: 'Đạo nhái' trong thời trang 'nhiều chẳng buồn nói'

Gia Hoàng