Ngọc Trinh, váy và Cannes!

(TGĐA) - Chỉ vì cái váy của Ngọc Trinh mà nổ ra một cuộc mổ xẻ tranh cãi xem váy cô ấy mặc đúng là đẹp thật không? Và, những viên đá từ đá cuội cho đến đá tảng ném lên mạng xã hội kia là xuất phát từ trạng thái đố kỵ hừng hực của các chị em ba vòng y hệt nhau hay thực sự đó chỉ là một chiếc váy lố lăng thảm hại giữa một rừng hoa ở Liên hoan phim Cannes 2019.    

ngoc trinh vay va cannes Những bộ cánh xấu nhất LHP Cannes 2019, sao Trung Quốc góp mặt nhiều nhất
ngoc trinh vay va cannes

Công bằng mà nói thì tôi thấy đó là chiếc váy rất đẹp, được khoác lên một thân hình đẹp từng milimet. Và ý tưởng thiết kế cũng rất tuyệt vời, lấy cảm hứng từ loài rắn như nhà thiết kế đã trình bày, phù hợp với con giáp của người mặc, ngay cả lọn tóc mai cong veo của nữ người mẫu cũng điệp với hoa văn trên thân áo và màu son, cách trang điểm đều toát lên toàn bộ thông điệp về sự gợi cảm mềm mại chết người của loài rắn. Trang phục này cũng phù hợp với chủ nhân bộ váy, người chuyên quảng cáo cho đủ chủng loại đồ lót và sẽ là bất khả thi với rất nhiều người đẹp cũng là người mẫu, ca sĩ, diễn viên nhưng cơ thể mới chỉ đẹp từng xentimet chứ chưa được đến từng milimet. Chiếc váy chẳng có khiếm khuyết gì, ngoài vấn đề duy nhất: Nó có thể mặc ở đâu cũng được, trừ… một số chỗ, mà đặc biệt là LHP Cannes.

ngoc trinh vay va cannes

Trong một cuốn sách nào đó, tôi đã từng nói rằng: “Nói gì không quan trọng. Ai nói, nói ở đâu và khi nào mới là vấn đề”. Ở đây cũng vậy, mặc cái gì chẳng có gì là quan trọng, ai mặc và mặc ở đâu, khi nào mới cần phải tranh cãi. Liên hoan phim Cannes hay lễ trao giải Oscar là những sự kiện quan trọng của điện ảnh hàn lâm thế giới và thảm đỏ chỉ được trải ra mỗi năm một lần, nên việc mặc gì cho sự kiện ấy thường khiến các sao quốc tế phát ốm lên theo đúng nghĩa đen. Thậm chí trong một bài báo, nhiều ngôi sao hàng đầu của Hollywood đã chia sẻ rằng những ngày trước lễ trao giải Oscar, họ trở nên stress, mất ngủ vì quá căng thẳng, thậm chí còn phải uống thuốc an thần, dù năm nào cũng đi dự sự kiện. Những bộ váy dạ hội thường được chuẩn bị trước đó cả năm, với sự tư vấn của các nhà thiết kế ai cũng biết mặt đón tên, thế rồi loay hoay thế nào mà hậu Oscar vẫn có vô số “tác phẩm thời trang” được xếp vào danh sách không ai muốn chui vào: “Những ngôi sao mặc xấu nhất năm”. Và năm nào cũng vậy, cả thế giới hóng giải Oscar, bình phim thì ít mà phê bình quần áo thì nhiều. Như thế mà không uống thuốc an thần mới là lạ. Người càng nổi tiếng càng lo, bởi có lắm thứ để mà mất. Danh càng ít hoặc vô danh thì nỗi lo giảm đi, thậm chí… không lo nữa cũng được.

Pháp và Mỹ, những quốc gia dẫn đầu về công nghiệp thời trang, luôn định hướng và “chỉ đạo” cho phụ nữ toàn cầu biết nên mặc theo xu hướng nào mới là hợp mốt, đồng thời cũng là các dân tộc bao dung nhất về áo quần. Đối với người Mỹ, dường như mọi thứ trang phục đều có lý, nghĩa là ở thế kỷ 21 này, bạn có mặc váy tùng xòe của thế kỷ 18 ra đường cũng không sao hết, vì mặc gì là quyền tự do của mỗi cá nhân. Tôn trọng tự do và chủ nghĩa cá nhân rõ ràng là văn hóa dân tộc đặc thù của người Mỹ. Có nhẽ vì nghe ngóng binh tình làm vậy và nhất là lại thấy một số nữ nhân Mỹ quốc đi trước từng ăn mặc rất hở hang, bao gồm cả trang phục giống như lưới bắt cá, đến dự lễ trao giải Oscar và LHP Cannes, nên vô chừng các người đẹp Trung Hoa và Việt Nam tung hê hết cả vải vóc làm cuộc cách mạng châu Á. Tuy nhiên, có một nhầm lẫn nghiêm trọng trong việc quan sát quan điểm của người Bắc Mỹ và Tây Âu về tự do cá nhân và các nguyên tắc cộng đồng. Người Anh hay Mỹ rất rạch ròi về khuôn khổ của tự do, nghĩa là bạn có quyền làm bất cứ điều gì bạn muốn nếu điều đó không gây ảnh hưởng đến người khác, còn ngược lại, bạn sẽ bắt gặp ánh mắt cực kỳ khó chịu của những người xung quanh. Trang phục là một ví dụ. Ăn mặc không hợp quy chuẩn ở những sự kiện đông người, nơi mà quần áo của bạn rõ ràng gây ảnh hưởng đến thị giác của người khác là điều luôn có quy định nghiêm ngặt. Và trong phạm trù này thì quy định về áo quần của các “quốc gia tự do” rõ ràng là khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều lần.

Nếu như người Việt đi sự kiện chỉ cần mặc đẹp và lịch sự là được thì người phương Tây mời khách đến dự tiệc sang trọng thường ghi chú “dress code” (Quy định về trang phục) ở góc bên trái phía dưới của thư mời, những là “Black tie” (Cravate noire), “Smoking”, “Cocktail” (Tenue de cocktail/ Tenue de soireé), “Business formal” (Tenue de ville”), “Festive”… Như vậy, đến dự tiệc “Festive” hay “Dressy resort” mà bạn mặc một bộ soiree kiểu Oscar thì là sự dở hơi nặng nề, hoặc giả một chiếc váy maxi hoa hòe hoa sói với đầy nơ vải và nữ trang xủng xoẻng lẽ ra sẽ rất đẹp ở tiệc “Dressy resort” nhưng lại xuất hiện ở tiệc hoàng gia “Cravate noire” thì dễ chủ nhân cũng sượng mặt mà muốn tống cổ khách mời ra khỏi cửa lắm. Chưa kể có những bữa tiệc mà chủ nhân oái oăm, ghi rõ “dress code” là xanh lá cây, trắng và đỏ thì khách tham dự chỉ nên mặc một trong ba màu ấy, dù không hợp hay không thích cũng phải chịu. Tuân thủ “dress code” là một cách tôn trọng văn hóa bản địa và tôn trọng chủ nhân, còn nếu không thể chịu nổi bộ quần áo mà lẽ ra phải vận lên người thì chỉ còn cách… ở nhà. Bởi giữa một rừng trang phục xanh lá và đỏ rực, tự dưng rơi vào một chiếc váy xám, thì dù váy ấy có đẹp và sang đến nhường nào cũng là sự hâm hấp, chơi trội, không lịch thiệp. Chẳng khác nào ta đến những bãi biển dành cho việc tắm nude mà cứ khăng khăng vận áo tắm. Tôi đã từng bị đuổi một lần như vậy rồi, do chưa biết và chưa hiểu văn hóa, ấy là vào nhà tắm Onsen của Nhật mà vẫn bận bikini. Sau đó lập tức bị một nữ nhân viên quản lý mời ra ngoài… cởi quần áo, không thì thôi đừng vào. Có nhẽ chỉ thuở sơ sinh tôi mới tắm theo cách này nên đành ra về. Như thế, có những chỗ không mặc gì mới là hợp lẽ và mặc gì lại thành ra bất lịch sự.

ngoc trinh vay va cannes

Đa phần người ta hay tranh cãi mặc cái gì mới là đẹp. Tôi thì chỉ nhắc lại, mặc gì không quan trọng, hợp hoàn cảnh mới thực là điều đáng để quan tâm nhất. Sự kiện càng quan trọng, càng văn hóa càng phải cẩn thận và tinh tế. Quay trở lại câu chuyện chiếc váy “rắn” của Ngọc Trinh, cô ấy đã chia sẻ trên báo rằng do là người nhà mình không hợp mắt chớ vừa ở khách sạn ra ai cũng hỏi cô váy do hãng nào thiết kế mà đẹp thế. Có cần phải nhấn mạnh lần nữa là chiếc váy của nàng vô cùng đẹp không, nó chỉ không hợp cảnh mà thôi. Trong lịch sử lễ trao giải Oscar, Cannes hay Grammy…, số lượng những ngôi sao ăn mặc hở hang là rất hiếm, mà phần lớn rơi vào các người mẫu hay những người đẹp ít tên tuổi. Các ngôi sao gạo cội hầu như không bao giờ dám ăn mặc hở hang tới mức lố bịch ở các sự kiện văn hóa như vậy. Cho dù họ “nổi” thì họ có “quyền”. Giới truyền thông quốc tế cũng chẳng mấy khi dành những lời lẽ thiện cảm cho những bộ váy quá thiếu vải. Mức độ phô bày thân thể khiến công chúng khó chịu thông thường đã có những quy định bất thành văn, ấy là bộ ngực của bạn được “khoe khoang” ở mức độ nào thì cũng phải trừ hai nhũ hoa ra. Phần mông và chỗ kín cũng tương tự. Lộ đồ lót cũng là điều tối kỵ. Trong một bài báo đăng tải trên tờ New York Post, phóng viên văn hóa Timothy Mitchell đã phải buột miệng bất mãn “Dường như sự hở hang đang trở thành một biện pháp marketing hữu hiệu, một thông điệp không lời thay cho: Tôi không cần mặc nội y”.

Các lễ trao giải điện ảnh quốc tế thường hiếm hoi sự có mặt của đại diện châu Á. Vậy mà năm nào báo chí cũng có những màn giật tít kiểu “Diễn viên vô danh cố tình để lộ ngực trên thảm đỏ Cannes” hay “Chiêu mặc hở hang, rẻ tiền để nổi tiếng của người đẹp vô danh trên thảm đỏ Cannes”… dành cho những người đẹp Trung Hoa và giờ là Việt Nam. Sau vụ việc người đẹp vô danh Triệu Hân phô nguyên hai nhũ hoa cho bàn dân ở Cannes hay Lý Nhi Phi lộ vòng một ở Cannes, có lẽ Việt Nam và Trung Hoa đang dẫn đầu trong danh sách những quốc gia có diễn viên vô danh hở hang nhất tham dự LHP Cannes chăng?
ngoc trinh vay va cannes Giành giải Cành cọ Vàng tại Cannes ‘Ký sinh trùng’ được mong ngóng ở quê nhà Hàn Quốc

(TGĐA) - Với giải thưởng Cành Cọ Vàng – Phim xuất sắc nhất, Ký sinh trùng của đạo ...

Di Li