(TGĐA) - Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần Hai tiếp tục mời đến một nhân vật uy tín làm giám khảo, đó là Quan Cẩm Bằng - đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Hoa ngữ.
Vào thập niên 80 và 90, Quan Cẩm Bằng khẳng định tài năng và tư duy với những góc nhìn mới mẻ, hiện thực và là một trong những đạo diễn gây ảnh hưởng tới Làn sóng mới Hồng Kông (Trung Quốc).
Quan Cẩm Bằng sinh năm 1957 tại Hồng Kông (Trung Quốc), ông bắt đầu sự nghiệp làm phim của mình tại đài TVB vào thập niên 70, cũng như theo sau học hỏi nhiều đạo diễn nổi tiếng bấy giờ, trong đó có nữ đạo diễn Hứa An Hoa – một trong những đại diện tiêu biểu nhất của trào lưu điện ảnh Làn sóng mới Hồng Kông.
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của Quan Cẩm Bằng chính là Woman (1985) với sự tham gia của Châu Nhuật Phát, đã ngay lập tức nhận về tiếng vang lớn, khi mang về 9 đề cử của Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông lần thứ 5.
Đạo diễn Quan Cẩm Bằng trở thành Chủ tịch BGK Hạng mục Phim Việt Nam dự thi Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần Hai |
Sau đó với những phim Địa Hạ Tình (1986) với dàn diễn viên Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ, Ôn Bích Hà hay Yên Chi Khâu (1988) tham gia bởi Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương, rồi Hoa Hồng Đỏ Hoa Hồng Trắng (1994)… đều mang về nhiều giải thưởng và nhanh chóng đưa vị trí của Quan Cẩm Bằng trở thành một trong những đạo diễn Hoa ngữ xuất sắc nhất thời kỳ đó.
Những tác phẩm của ông mô tả sâu sắc bản chất sâu thẳm của con người, đặt họ trước nghịch cảnh, thử thách từ định kiến và áp lực của xã hội, được truyền tải một cách lãng mạn nhưng không kém phần bi thương qua những câu chuyện “ái tình”.
Ngoài ra Quan Cẩm Bằng cũng được yêu mến bởi phong cách nghệ thuật riêng biệt, điển hình nhất chính là tài năng khám phá những khía cạnh trong sáng nhất, phức tạp nhất và mâu thuẫn nhất của phụ nữ hơn là những miêu tả thông thường. Nhiều nhà chuyên môn còn gọi phong cách của ông là “điện ảnh của phụ nữ”.
“Tôi luôn nghĩ rằng nhân vật nữ có nhiều khả năng tiềm tàng hơn. Họ có thể bị đàn áp, nhưng không hiểu sao vào thời điểm quan trọng họ lại mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả những nhân vật nam giới” – đạo diễn Quan Cẩm Bằng.
Yên Chi Khâu - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Quan Cẩm Bằng |
Các bộ phim điện ảnh đậm tính nữ của Quan Cẩm Bằng đều có sức ảnh hưởng sâu rộng tới công chúng, không chỉ bởi nghệ thuật đặc sắc, mềm mại trong từng cảnh quay, mà còn khiến người xem đồng cảm, xót thương với thân phận nghiệt ngã của phụ nữ trong xã hội cũ. Cũng từ các tác phẩm của ông, người ta càng thêm yêu mến những nữ ngôi sao như: Mai Diễm Phương, Trương Mạn Ngọc, Trần Xung hay Trịnh Tú Văn.
Đến đầu những năm 2000, tên tuổi Quan Cẩm Bằng chưa bao giờ nguội đi, khi ông làm ra thêm nhiều tác phẩm xuất sắc khác, có thể kể tới như Lam Vũ (2001) hay Trường Hận Ca (2005). Đặc biệt là Lam Vũ (2001) với diễn xuất của hai ngôi sao thực lực Hồ Quân và Lưu Diệp, đã tạo tiếng vang khắp châu Á và đạt nhiều đề cử, giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.
Năm 2011, Quan Cẩm Bằng được Kim Mã lựa chọn ở vị trí thứ 11 trong 20 đạo diễn xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh Hoa ngữ, bên cạnh những tên tuổi lớn như: Hầu Hiếu Hiền, Vương Gia Vệ, Lý An, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Giả Chương Kha, Ngô Vũ Sâm, Từ Khắc, Châu Tinh Trì…
Ban tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần Hai hi vọng đạo diễn Quan Cẩm Bằng sẽ có khoảng thời gian tốt đẹp tại Đà Nẵng, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho điện ảnh Việt, cũng như cùng các giám khảo chuyên môn khác lựa chọn cái tên xứng đáng bước lên ngôi vị cao nhất của Hạng mục phim Việt Nam dự thi.
Một giải thưởng điện ảnh trong sự nghiệp vẻ vang của đạo diễn Quan Cẩm Bằng: Địa Hạ Tình (1986) - Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông lần thứ 6: Nữ phụ xuất sắc và Kịch bản hay nhất Yên Chi Khâu (1988) - Giải Kim Mã 1988: Nữ chính xuất sắc nhất - Liên hoan phim châu Á -Thái Bình Dương: Nữ chính xuất sắc nhất - Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông lần thứ 8: Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ chính và Nam chính xuất sắc nhất, Biên tập phim và Nhạc phim hay nhất Nguyễn Linh Ngọc (1991) - Giải Kim Mã 1991: Nữ chính xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất; đề cử Phim và Đạo diễn xuất sắc nhất - Liên hoan phim Berlin lần thứ 42: Giải Gấu Bạc cho Nữ chính xuất sắc nhất Lam Vũ (2001) - Liên hoan phim Cannes 2001: Đề cử giải Góc nhìn đặc biệt - Giải thưởng Kim Mã 2001: Nam chính hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Biên tập phim xuất sắc nhất, Phim do khán giả bình chọn - Liên hoan phim châu Á Vesoul 2002: Đạo diễn xuất sắc nhất |
Vũ Anh