Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung Ương Phạm Thị Tuyết: Tôi đã dành hết trái tim mình cho Hãng

(TGĐA) - Gần 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, điện ảnh tài liệu có 12 nghệ sỹ nhân dân (người thứ 12 là nữ - NSND đạo diễn Vũ Lệ Mỹ) và trải qua 12 đời giám đốc với người thứ 12 hiện tại là nữ - bà Phạm Thị Tuyết. “Một sự trùng lặp ngẫu nhiên khiến tôi rất tự hào, nhưng cũng cảm thấy sức ép khủng khiếp. Có vô số câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình. Rằng sao đơn vị nghệ thuật lại có giám đốc là người quản lý về kinh tế, rồi trước đây giám đốc toàn là nam giờ lại giao cho cho một người nữ… Nhưng những sức ép đó là để tôi tự bắt mình phải phấn đấu và cố gắng. Không thể nói là cái gì cũng làm được nhưng tôi đã và sẽ làm bằng tất cả khả năng của mình. Và tôi thấy mình không để lại sự thất vọng cho mọi người.” Đó là lời tâm sự của Tổng giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (TLKHTW) Phạm Thị Tuyết trong cuộc trò chuyện với Thế giới điện ảnh trước thềm năm mới.

B_Phm_Th_Tuyt_Tng_gim_c_Hng_phim_Ti_liu_KHTW

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất điện ảnh nói riêng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng năm 2014 cùng với hãng phim Hoạt hình Việt Nam, hãng phim TLKHTW đã hoàn thành chỉ tiêu phim được giao. Đây hẳn phải là cố gắng không nhỏ của hãng trong năm qua?

Quả thực, năm 2014, hãng phim TLKHTW đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất: mô hình chuyển đổi của Hãng được bàn đi bàn lại nhiều lần với nhiều phương án khác nhau. Lúc đầu Chính phủ định chuyển từ mô hình Công ty TNHH Một thành viên sang Công ty cổ phần. Sau đó Bộ văn hóa đề nghị Chính phủ chuyển Hãng sang mô hình sự nghiệp công lập. Đến ngày 23/11/2014, Chính phủ có quyết định cuối cùng, giữ nguyên mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Khó khăn thứ hai là việc Bộ tài chính yêu cầu phải có đủ kịch bản mới cấp tiền. Yêu cầu đó không sai vì họ cần biết mình làm những gì? Nhưng áp dụng vào thực trạng sản xuất điện ảnh, đòi phải có đủ kịch bản trước cho cả một năm thì khó cho hãng vì lượng người viết kịch bản không nhiều và tìm được kịch bản thật sự ưng ý để đưa vào sản xuất là không dễ. Vì thế, tới tháng 10, hãng mới nhận được tiền tài trợ kịch bản và dĩ nhiên 10 tháng đầu năm hãng hoạt động hoàn toàn không có tiền ngân sách. Việc này đòi hỏi hãng phải tự chủ rất nhiều. Khó khăn thứ 3 là thu nhập của cán bộ trong ngành nói chung và trong hãng nói riêng không cao, chỉ dao động trong khoảng 5 đến 6 triệu/tháng cho nên không thu hút được những người trẻ về đây công tác.

Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của toàn ngành nên hãng đã cố gắng ngoài hoàn thành chỉ tiêu phim của năm còn có những sản phẩm hợp tác với bên ngoài. Trong năm nay, hãng có 17 bộ phim kế hoạch được đưa vào sản xuất với các mảng đề tài: Chân dung nhân vật, Hậu chiến tranh, Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Biển đảo, Xã hội và có không ít bộ phim đã đem lại sự hấp dẫn về nội dung cũng như phong cách thể hiện; Đã quay được hơn 3000 mét phim nhựa và nhiều băng video khác; Hoàn thành các bộ phim đặt hàng sản xuất trong năm phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng được Ban tuyên giáo, Bộ Văn Hóa, Quốc hội, Cục Điện ảnh giao như: Phim nhựa Quan hệ lịch sử Việt Nam – Cam pu chia; Cam pu chia – Việt Nam giai đoạn 1930 - 2010; phim video Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên, phim về Chiến tranh Đông Dương, phim về Trường Sa, phim về 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ …..

Lam_phim_ti_Campuchia

Đoàn làm phim tại Cambodia

Ngoài ra, hãng còn sản xuất 5 Video Clip phục vụ Truyền hình trực tiếp trong các sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Vì biển đảo thân yêu; Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng; 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ; Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện 6 phóng sự: Vì biển đảo thân yêu; Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngôi nhà chung giàu bản sắc; Tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh, Bác Hồ viết di chúc. Trong chương trình về miền núi, hãng đã làm: Kỉ niệm 69 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 và Chuyên đề về Biển Đảo Việt Nam. Được Ban tuyên giáo giao thực hiện phim Các danh nhân văn hóa, phim về những nữ thanh niên xung phong hi sinh tại Quảng Bình… Như đã nói, ngoài hoạt động sản xuất phim theo nhiệm vụ được giao, hãng vẫn khai thác trường quay hợp đồng với đài truyền hình. Nói chung, chúng tôi làm tất cả để tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên, đảm bảo họ có cuộc sống ổn định, tạo môi trường làm nghề thoải mái cho các nghệ sỹ. Không thể cái gì cũng quy bằng tiền nhưng ít nhất cũng phải đảm bảo các nghệ sỹ an tâm làm việc. Hi vọng trong năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn

Chuyn_i_lm_phim_v_quan_h_VN_Campuchia

Chuyến đi làm phim về quan hệ Việt Nam - Cambodia

Chị hãy chia sẻ thêm về hai chương trình họat động của Hãng trong năm qua đã thu hút được sự chú ý của công chúng là Tuần phim tài liệu về biển đảoLHP Tài liệu quốc tế lần thứ 7?

Đêm phim Tài liệu công chiếu các bộ phim tiêu biểu: Đầu sóng ngọn gió; Trường Sa tháng 4 năm 1988; Đảo Lý Sơn, Andre Menras-Một người Việt, Biển của người Việt. Các bộ phim này cũng được tổ chức trình chiếu tại một số đơn vị và được gửi cho Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, Phát hành phim Quân đội để tuyên truyền.

LHP Tài liệu quốc tế lần thứ 7 với sự tham gia của 9 nước Châu Âu gồm CHLB Đức, CH Pháp, Vương quốc Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, CH Ba Lan, Vương quốc Thụy Điển, Cộng hòa Bungary, Vương quốc Đan Mạch, Cộng hòa Áo. Việc tổ chức LHP Quốc tế nhằm tạo ra sự giao lưu giữa Điện ảnh Tài liệu Việt Nam và Điện ảnh Tài liệu châu Âu, giúp các nghệ sỹ có dịp tiếp cận với phong cách làm phim thế giới, từ đó có những học hỏi, trao đổi. Liên hoan phim đã được báo giới và khán giả đánh giá cao. Bên cạnh LHP Quốc tế, các đối tác Bỉ đã giúp hãng tổ chức các lớp học về nghiệp vụ làm phim và phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác của Bộ, tổ chức Trại sáng tác Đại Lải với sự tham gia các biên kịch, đạo diễn và quay phim.

Cnh_trong_phim_Andre_Menras_-_Mt_ngi_Vit

Cảnh trong phim Andre Menras - Một ngưởi Việt

Vũ khí quan trọng của người làm phim chính là chất lượng phim. Chất lượng các bộ phim mà hãng hoàn thành trong năm qua được đánh giá như thế nào, thưa chị?

Chúng tôi nhân rõ sự đa dạng về đề tài là điều cần thiết. 17 bộ phim chỉ tiêu mà Hãng hoàn thành đã được nghiệm thu và theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật quốc gia thì có nhiều bộ phim xếp bậc 3, không có phim bậc 1 (kém), những phim đặt hàng như Chiến tranh Đông Dương, Đường tới độc lập tự do có chất lượng tốt. Tuy nhiên, tháng 3 hàng năm, hãng đều tổ chức xem lại phim của năm trước, để thảo luận, phân tích từng bộ phim nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cho người làm phim. Chúng tôi yên tâm với sự cố gắng của toàn thể các nghệ sỹ.

Tuần phim tài liệu quốc tế giờ đây đã thành sự kiện được dư luận chú ý nhưng cũng vì đặc biệt quan tâm đến điện ảnh tài liệu mà công chúng đã nhận ra một điều: Nếu so sánh với phim của các bạn quốc tế thì rõ ràng phim tài liệu Việt Nam còn bị bỏ lại một khoảng cách xa. Chị có thấy thế không?

Mục đích của chúng tôi khi tổ chức LHP Tài liệu là nhằm mở rộng giao lưu giữa phim Việt Nam, phim Đông Nam Á và phim của các nước châu Âu. Đó là cơ hội cho các nhà làm phim của chúng tôi ngoài ra còn nhằm kích thích công việc sản xuất phim. Vì khi tác phẩm của mình được công chiếu cho người nước ngoài xem, các nhà làm phim sẽ tiếp cận học hỏi về nghề, thấy được những ưu điểm của đồng nghiệp quốc tế. Còn khán giả được tiếp cận với các nền văn hóa của các nước. Trong 10 ngày chiếu, đêm nào cũng có phim của châu Âu và 01 phim của Việt Nam. Cùng với chia sẻ của các đồng nghiệp châu Âu, các nghệ sỹ sẽ được nghe ý kiến trực tiếp của khán giả. Ngòai ra, thông qua LHP có cả công tác đào tạo. Đạo diễn mang phim sang dự LHP, họ đồng thời sẽ giúp công tác đào tạo cán bộ của hãng. Tôi cho rằng, với tất cả những ưu thế đó, LHP Tài liệu thực sự đã mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sao không nâng cấp LHP, tổ chức chấm giải và trao giải? Nhưng như thế hơi khó vì đó là công việc mang tầm quốc gia, hãng không có đủ chức năng để làm. Còn nếu như chúng ta so sánh giữa điện ảnh tài liệu châu Âu với Việt Nam thì quả thực, điều đó hơi khập khiễng. Vì điện ảnh Việt Nam có nét đặc thù riêng, phim của ta thường không dài và chỉ nêu ra vấn đề chứ không giải quyết vấn đề tận cùng như phim của các bạn quốc tế. Ngoài ra, các bạn làm được những bộ phim dài là nhờ điều kiện kỹ thuật làm phim rất tốt và kinh phí lớn.

Hiện nay, có rất nhiều khán giả yêu thích phim tài liệu và muốn xem phim nhưng không biết xem ở đâu. Hãng có ý định mỗi tháng chiếu 1 phim miễn phí nhưng kinh phí không có. Việc bán vé xem phim là không thể rồi. Đây là điều chúng tôi trăn trở nhưng dù khó khăn thì vẫn mong sớm tìm ra một cách làm phù hợp.

Cnh_trong_phim_Bin_ca_ngi_Vit

Cảnh trong phim Biển của người Việt

Qua năm 2015, Hãng phim TLKHTW tròn 60 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc, trong các công việc phải làm vào năm tới, hãng sẽ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm thành lập?

Đó là lễ kỷ niệm lớn nên việc tổ chức là cần thiết. Tôi cho rằng đó cũng là một cách để khẳng định thương hiệu, khẳng định những đóng góp của Hãng phim TLKHTW cho đất nước và là dịp để tri ân những người đi trước. Nội dung dự kiến sẽ là ôn lại quá trình hình thành phát triển của đơn vị; Có phong tặng cấp nhà nước đối với tập thể, cá nhân; Thực hiện 1 bộ phim truyền thống về hãng. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào đầu tháng 3/2016.

Mt_cnh_trong_phim_ti_liu_v_bin_o

Một cảnh trong phim tài liệu về biển đảo

Điện ảnh tài liệu có 12 nghệ sỹ nhân dân (người thứ 12 là nữ - NSND, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ) và trải qua 12 đời giám đốc với người thứ 12 hiện nay là chị. Động lực nào giúp chị hoàn thành công việc của mình? Cũng xin chúc mừng chị năm qua đã được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào với chị?

Tôi công tác ở hãng đến nay là 33 năm. Đây quả là quãng thời gian dài với rất nhiều kỷ niệm. Giai đoạn khó khăn nhất của ngành điện ảnh, tôi cũng ở đây, thời điểm được xem là hưng thịnh của ngành, tôi cũng ở đây. Đó là sự gắn bó không chỉ về công việc mà còn là tình cảm. Tôi học quản lý kinh tế. Nhiều người thắc mắc với tôi: Tại sao học kinh tế lại quản lý 1 đơn vị nghệ thuật? Nhưng tôi nghĩ, tuy mình không làm nghệ thuật nhưng được tiếp cận với nhiều tác phẩm, nhiều thế hệ các nhà làm phim. Đó là thuận lợi. Nên ngay từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã nghĩ phải có hội đồng nghệ thuật, ban giám đốc ở bên cạnh để giúp tôi thẩm định các tác phẩm từ khâu kịch bản đến lúc hoàn thành. Sự đánh giá chuyên sâu của ban nghệ thuật giúp đỡ tôi nhiều. Còn tôi chủ động tạo ra môi trường cho các nghệ sỹ có phim để làm, lo có lương... Nói chung là tìm cách để có phương tiện, có nguồn tài chính giúp anh em làm phim, làm sao để hài hòa các lợi ích... Tôi xin cảm ơn sự nỗ lực của bản thân vì đã cố gắng rất nhiều. Và sự cố gắng của tôi đã khiến tập thể không phụ lòng. Họ luôn sát cánh bên tôi. Tuy có những lúc các biện pháp quản lý mình đưa ra chưa hẳn được sự đồng thuận của một số người nhưng tôi nghĩ hoàn toàn là do yêu cầu công việc. Mà phải kiên quyết chứ, có những lúc, những việc không thể đừng được May mắn, những năm cuối công tác, tôi đã đạt được một số danh hiệu: Năm 2013 là 1 trong 10 người phụ nữ Việt Nam và năm 2014 được là chiến sỹ thi đua toàn quốc (1 trong 3 người của Bộ văn hóa). Điều này giúp tôi có thêm động lực để cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp của mình. Tôi thường nói với bạn bè rằng: ở hãng phim Tài liệu, cuộc sống của mọi người được gắn bó bằng tình cảm. Ngoài công việc thì tình cảm giữa mọi người gắn bó như trong một gia đình. Với tinh thần vừa lý vừa tình gộp lại sẽ tạo nên thành công.

Phim_o_L_Sn

Phim Đảo Lý Sơn

Tôi biết, không thể những gì mình mong sẽ đều được hết nhưng thôi cứ làm việc hết sức, từ trong tâm. Và có thể nói tôi đã dành hết trái tim mình cho hãng. Năm 2016, tôi sẽ nghỉ hưu và cảm thấy rất thoải mái, không ân hận điều gì dù như đã nói có những lúc làm người này người kia không vừa ý nhưng đó hoàn toàn là vì công việc. Tôi không làm người khác không vừa ý vì quyền lợi cá nhân của tôi. Đó là điều chắc chắn. Đầu năm mới, xin nói với nhau 1 cách thực lòng!

Vâng, cảm ơn chị đã chia sẻ thực lòng!