In love and war: Không là khái niệm

(TGĐA) - Trong các phim chiến tranh, thường có những cảnh giống nhau. Đó là những cảnh miêu tả bom đạn nổ, những cảnh binh lính xông lên hoặc rút lui, những cảnh hai bên bắn nhau v.v…cùng những âm thanh hung dữ. Song những cảnh đó chưa thể làm nên tính chân thực và sự khác biệt của cuộc chiến. Cái làm nên dấu ấn riêng của từng nhà làm phim chính là những cảnh cụ thể, những chi tiết cụ thể mà nhà làm phim quan sát được và thể hiện thuyết phục người xem. Một số cảnh như thế tôi thấy đạo diễn Richard Attenborough dàn dựng rất tốt trong phim In love and war (Trong tình yêu và chiến tranh -1996).

In love and war kể về chàng lính Mỹ Ernest Hemingway trẻ tuổi bị thương, được đưa vào bệnh viện đóng tại mặt trận nước Ý. Tại đây, anh gặp cô y tá xinh đẹp lớn tuổi hơn mình. Và giữa họ đã tìm được sợi dây đồng cảm hai tâm hồn nơi mặt trận không yên ả. Với lời hứa "Em sẽ lấy anh", chàng lính trẻ xuất viện, trở về nước, chờ đợi... Còn cô y tá ở lại với bệnh viện, với sự tấn công tới tấp của một bác sĩ si mê cô vô cùng. Và họ quyết định lấy nhau... Một khoảng thời gian sau, chàng trai trẻ ngày nào giờ đã trở thành một người đàn ông thực thụ, họ gặp lại nhau với tình yêu vẫn còn nguyên vẹn nhưng sự cố chấp, không sống thật với bản thân đã khiến họ xa nhau mãi mãi...

Inloveandwar

Cũng là một hình ảnh tình yêu dang dở nhưng vô cùng đẹp trong tàn khốc của cuộc chiến tranh nhưng đạo diễn Richard Attenborough, với phong cách dàn dựng riêng biệt, đã mang tới một trong những cảnh đáng nhớ của điện ảnh thế giới. Đó là cảnh cô y tá Agnes von Kurowsky (Sandrra Bullock), sau ca trực, đến thăm người yêu của mình là anh lính trẻ Ernest Hemingway (Chrris O’ Donnell) tại một khách sạn. Nhà làm phim để cô y tá đi một mình trong chiều tối hoang vắng. Cô vẫn mặc chiếc áo blouse. Màu trắng tinh khôi nổi bật trong màu xám thẫm của không khí cuộc chiến. Màu áo đó càng ấn tượng hơn khi cô đến khách sạn. Giữa những bức tường lỗ chỗ vết đạn, bóng hình cô thật mong manh. Cô đi bên bao gái điếm đứng đợi khách dọc những bờ tường đầy thương tích, người xem xót xa cho thân phận cô. Đặc biệt, đây là lần hò hẹn đầu tiên của mối tình đầu trong hoàn cảnh trận mạc, mầu áo trắng của một cô gái trinh tiết đập vào mắt người xem trên nền nhơ nhớp và sứt mẻ của cuộc đời. Không cần âm thanh hay đối thoại, độc thoại nào, chỉ một cảnh đó thôi đủ khiến người xem cảm nhận và thán phục. Đây là một nhà làm phim đáng trọng.

Ở một đoạn phim khác, đó là cảnh trong khách sạn, khi cô gặp anh lính. Khi đó Hemingway đã bị thương vào tay. Cô muốn viết tiếp lá thư mà một người lính bị thương nặng, nhờ viết. Trong lúc Hemingway làm việc của mình, ngồi bên bàn, cô y tá viết:

“Gửi bố mẹ thương yêu!

Con cảm ơn gói quà. Thời tiết ở đây đang rất nóng, nhưng sắp tới trời sẽ mát dần. Thức ăn ở đây rất ngon, mọi người đều ổn. Con hy vọng bố mẹ vẫn khỏe và mọi việc vẫn bình thường…”

Inloveandwar_3

Cô ngồi đó và suy nghĩ xem viết tiếp ra sao. Hemingway hỏi. Cô trả lời: “Em đang nghĩ cách kết thúc lá thư thế nào?’’. Tiếp đó, đoạn đối thoại của họ nói về tình trạng của người thương binh. Anh khó tránh khỏi cái chết. Cô y tá đứng lên, ra khỏi khuôn hình. Dường như cô đang xúc động. Hemingway nhìn vào lá thư. Vừa liếc qua, anh đã vội vò nát. Heminhway ngồi xuống ghế. Anh viết luôn một mạch:

“Gửi bố mẹ thương yêu!

Cuộc chiến này đã dạy con một điều rất quan trọng. Đó là cần phải nói trước khi quá muộn. Điều đầu tiên con muốn nói là, bố mẹ là những người tốt nhất mà một đứa con trai có thể hy vọng vào. Khi con còn bé, con rất sợ bóng tối. Ở đây, con nghĩ đến bố mẹ và con đã hết cảm giác sợ. Con nghĩ về điều đó rất nhiều... Vì con nghĩ là con đang sợ. Con không biết con có thể vượt qua được không? Và nếu không thể… Xin bố mẹ hiểu rằng, đôi khi chúng ta phải một mình đi đến một nơi nào đó. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra, xin bố mẹ nhớ rằng, con vẫn luôn là con trai đáng yêu của gia đình…

Jimmy

Con trai của bố mẹ”.

Inloveandwar_5

Vâng, đó chính là khẩu khí của những người lính trận khi giáp mặt với cái chết. Các nhà làm phim đã chọn được đúng khoảnh khắc mong manh nhất của chiến tranh, của số phận con người. Cái nhìn của cô y tá là cái nhìn từ ngoài vào trong. Còn cái nhìn của anh lính chính là cái nhìn của người trong cuộc. Rất xác thực song vẫn đầy ẩn dụ. Tràn ngập chất đời song vẫn lấp lánh tính văn chương. Đồng thời, lá thư đó cũng làm bật lên tính cách người hùng của nhà văn tương lai.

Khả năng quan sát chính xác của những người làm phim đã khẳng định đẳng cấp của những người chuyên nghiệp. Trong phim, còn có những cảnh ấn tượng khác như cảnh những thương binh bí mật góp tiền nhờ hộ lý mưa rựơụ. Họ uống say và quậy phá quân y viện tưng bừng. (Một điều khác biệt đối với phim của ta và các nước XHCN là thương binh thường rất ngoan hiền).

Inloveandwar_1

Điều làm nên tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim là họ cố gắng tìm ra những cái khác biệt trong những cái chung. Còn những người không chuyên thường dàn dựng những cảnh chiến tranh một cách đại khái, chung chung, nghĩa là họ chỉ có khái niệm về chiến tranh mà thôi.

In love and war của đạo diễn Richard Attenborough dàn dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Henry Vilard và James Nagel. Anh lính Vilard là một đồng đội, cùng nằm viện với Hemingway. Ông viết cuốn tiểu thuyết đó sau nhiều năm, khi Hemingway đã nổi tiếng. Bởi trước đó, chính Hemingway đã kể lại mối tình đầu của mình trong tiểu thuyết A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí). Và tiểu thuyết này cũng đã được dựng thành phim. Nhưng bộ phim sau của đạo diễn Richard Attenborough vẫn là một tác phẩm rất tuyệt vời với những đoạn độc đáo như tôi phân tích.


Đoàn Tuấn