Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội II nhiều nét mới

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc LHPQT Hà Nội lần thứ II đã có cuộc trao đôi với phóng viên tạp chí Sài Gòn tiếp thị.


Khác với lần trước, Liên hoan phim lần này có tổ chức trại sáng tác trẻ. Xin chị cho biết mục đích của trại sáng tác này là gì? Trong danh sách những nhà làm phim tham dự trại sáng tác, thấy có nhiều nhà làm phim có tên hình như là người gốc Việt đang sống tại 1 số nước như Mỹ, Anh và Đức. Chị có đánh giá gì về điều này? Chị cũng có thể cho biết thêm một chút về những người sẽ tham gia điều phối, giảng dạy trong trại sáng tác lần này?

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là một LHP rất mới, rất trẻ nên chúng tôi cho rằng nếu Trại sáng tác trẻ HANIFF có thể phát hiện khích lệ các nhà làm phim - các tài năng trẻ thì rõ ràng đó sẽ là dấu ấn của LHP. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được đơn đăng ký tham dự từ các nhà làm phim Việt Nam ở trong nước và đặc biệt là các bạn đang sống tại một số nước như Mỹ, Anh, Đức… Điều đó chứng tỏ các bạn rất quan tâm đến điện ảnh nước nhà, mong muốn tìm kiếm các cơ hội để có thể làm phim tại Việt Nam và đưa phim Việt Nam đến với thị trường quốc tế. Nhiều bạn trong số đó có những kịch bản hay và được ban tuyển chọn đánh giá cao.

NgoPhuongLan

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc LHPQT Hà Nội lần thứ II

Tham gia điều phối và giảng dạy trong Trại sáng tác trẻ HANIFF là các chuyên gia điện ảnh lâu năm, có uy tín thế giới như cô Sonja Heinen (Quỹ điện ảnh thế giới), Cô Tessa (Film London), Thầy Uno và Jack Epps từ đại học Nam California, thầy Werner (Hãng Fortissimo… Các đạo diễn Việt Nam như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di cũng sẽ tham gia trại. Chuyên gia sẽ mang lại cho sinh viên những bài học không chỉ về cách làm phim mà còn đi sâu vào cách thức để có thể gây quỹ, xin tài trợ- một điều rất quan trọng trong việc biến những dự án trên giấy tờ trở thành hiện thực.

Trong những năm qua, có thể thấy trong khi mảng phim truyện điện ảnh của Việt Nam còn khá nhiều tranh cãi rằng có đang phát triển hay vẫn còn lộn xộn. Thì mảng phim ngắn lại có những bước phát triển rõ nét và thực sự có dấu ấn. Với tư cách người làm điện ảnh, chị đánh giá điều này như thế nào? Riêng với HANIFF lần này, những nhà làm phim trẻ và phim ngắn sẽ được “ưu ái” như thế nào?

Muốn LHPQTHN của chúng ta là một cuộc chơi quốc tế thực sự thì cần phải làm cho nó thành một cuộc chơi công bằng và khách quan. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện “ưu ái” giải thưởng, mọi giải thưởng là do BGK quyết định. Cũng mừng là chúng ta có 7 trên tổng số 24 bộ phim ngắn dự thi, và ở đủ 2 loại hình - phim truyện ngắn, phim tài liệu ngắn và hoạt hình ngắn. Còn “ưu ái” của BTC đối với các nhà làm phim trẻ - phim ngắn nằm ở Trại sáng tác HANIFF. BTC dồn rất nhiều công sức, điều kiện vật chất và nghề nghiệp cho trại này chính là muốn khích lệ sáng tạo và phát triển tài năng của các nhà làm phim trẻ.

Có thể thấy, BGK của Liên hoan phim lần này không có những ngôi sao hoặc những cái tên nổi tiếng đối với công chúng, nhưng lại là những người làm việc lâu năm và nhiều kinh nghiệm trong ngành điện ảnh. Đồng thời họ cũng là những người làm phim tới từ những nền điện ảnh không có dấu ấn Hollywood. Đây có phải chủ ý của Ban tổ chức muốn đưa tới cho những người làm phim trong nước những chia sẻ và cọ sát nghề nghiệp gần gũi và thiết thực hơn là những hào nhoáng từ một nền công nghiệp điện ảnh phát triển đã quá xa như Hollywood?

Nói về sự nổi tiếng thì có lẽ phải xét theo những tiêu chí cụ thể. 5 vị trong BGK phim truyện năm nay đúng như bạn nói là những người nhiều kinh nghiệm trong ngành điện ảnh. Nhưng bản thân họ cũng là những diễn viên hoặc đạo diễn nổi tiếng được đánh giá cao ở trong nước (Ví dụ, nữ giám khảo người Iran được 130 nhà phê bình phim chọn là nữ diễn viên Iran xuất sắc nhất thập kỷ); họ cũng từng được các giải thưởng cao hoặc làm giám khảo tại các LHPQT hàng đầu như Cannes chẳng hạn. Chúng tôi cũng muốn chọn một BGK toàn các nghệ sĩ - cụ thể là đạo diễn và diễn viên - và rất thú vị là vì vậy mà khán giả có thể xem được một “Chùm phim giám khảo” - có nghĩa là mỗi vị sẽ có một bộ phim được trình chiếu.

Được biết tại LHP lần này, BGK và các nhà làm phim sẽ cùng xem phim với khán giả. Xin hỏi tại các LHP khác trên thế giới và trong khu vực có hình thức này? Mục đích của nó là gì?

Xem phim cùng với khán giả là cách mà các LHPQT vẫn làm. BGK theo tôi hiểu cũng là khán giả của các phim dự giải, tất nhiên họ là khán giả “có nghề”, có gu thẩm mỹ và trình độ thẩm định tác phẩm. Và “cuộc sống” đầy đủ của một bộ phim phải là tại rạp, cho nên rất tốt khi các vị giám khảo chứng kiến “cuộc sống” đó.

Xin cảm ơn bà.

(Theo Haniff)