Phim ngắn, người trẻ và những trải nghiệm thú vị

(TGĐA) - Một vài năm trở lại đây, phim ngắn không còn là khái niệm xa lạ đối với cộng đồng người yêu điện ảnh tại Việt Nam. Với độ phủ sóng ngày càng rộng lớn và chất lượng ngày một nâng cao, phim ngắn đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn được mọi đối tượng khán giả đón nhận. Hơn hết, nó còn là sân chơi mới lạ và bổ ích dành cho các bạn trẻ, dù là dân chuyên nghiệp hay chỉ là tay ngang nghiệp dư.

Mc_cho_nhng_kh_khn_lm_phim_vn_l_mt_tri_nghim_th_v_v_ng_trn_trng_ca_tui_tr

Mặc cho những khó khăn, làm phim vẫn là một trải nghiệm thú vị và đáng trân trọng của tuổi trẻ

Phim ngắn và những trải nghiệm

Nếu lấy thời lượng của một bộ phim làm thước đo phân loại, thì phim ngắn được coi là một loại hình phim, dùng để phân biệt với phim có thời lượng dài. Thông thường, người ta vẫn nghĩ rằng, phim ngắn đơn thuần chỉ là bài tập thực hành của các sinh viên chuyên ngành điện ảnh lúc mới chập chững nhập môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít các đạo diễn lừng danh ở Việt Nam và cả trên thế giới từng thực hiện nhiều hơn một tác phẩm phim ngắn, ngay cả khi tên tuổi của họ đã được khẳng định trong giới làm nghề. Nói cách khác, phim ngắn là dạng thức phim mà bất kể ai cũng có thể bắt tay sản xuất, nó hoàn toàn không phân định tuổi tác hay đẳng cấp của người tác giả. Dẫu vậy, bài viết này chỉ xin giới hạn đề cập đến việc làm phim ngắn của các nhà làm phim trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Các nhà làm phim trẻ Việt Nam đến với phim ngắn bởi nhiều lý do khác nhau, có người vì phải làm phim bài tập ở trường, ở lớp; cũng có người chỉ đơn giản yêu thích, tự mày mò học hỏi. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các cuộc thi làm phim như Làm phim 48h, Chuyện đời qua phim... với mật độ mỗi lúc một dày đặc và giải thưởng hấp dẫn cũng là chất xúc tác hiệu quả thúc đẩy người trẻ làm quen với dòng phim này. Giống như các bộ phim dài, phim ngắn cũng có đầy đủ các thể loại phim truyện, phim phóng sự - tài liệu, phim hoạt hình..., thể tài và chủ đề của phim cũng không có bất cứ hạn định nào. Nếu như phim truyện là mảnh đất gieo mầm sáng tạo của người làm phim, để họ thỏa sức kể câu chuyện của riêng mình, thì việc làm phim tài liệu lại là quá trình người tác giả khám phá và cảm nhận thế giới xung quanh. Làm phim ngắn không chỉ mang đến cho các bạn trẻ cơ hội trải nghiệm cùng môn nghệ thuật điện ảnh, mà còn giúp họ phát huy tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hoặc làm việc độc lập, đặc biệt là khả năng thuyết trình khi tình bày ý tưởng kịch bản hoặc xin tài trợ dự án làm phim. Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ kỹ thuật và truyền thông đại chúng trong xã hội ngày nay, việc làm phim ngắn càng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Chỉ với chiếc máy ảnh du lịch gọn nhẹ, thậm chí là điện thoại di động hay máy tính bảng, người ta đã có thể thực hiện một bộ phim. Và thông qua các trang mạng xã hội như youtube, facebook..., người làm phim dễ dàng chia sẻ tác phẩm của mình đến với bạn bè hoặc cư dân mạng. Vậy nên, việc một bộ phim ngắn đạt lượng view hàng nghìn và tạo làn sóng yêu thích rầm rộ trên mạng đã trở thành chuyện phổ biến ở Việt Nam.

Ngi_quay_phim_cn_linh_ng_trong_mi_tnh_hung

Người quay phim cần linh động trong mọi tình huống

Trong dòng chảy điện ảnh đa diện và muôn màu, sự có mặt của phim ngắn đến từ các nhà làm phim trẻ tựa như tiếng nói, hơi thở non trẻ nhưng cũng đang dần trưởng thành, giành được sự khẳng định từ phía công chúng cũng như các thế hệ làm nghề đi trước. Đáng mừng là, nhiều bộ phim ngắn đã vượt xa ra khỏi phạm vi nhà trường, lớp học để có mặt tại các liên hoan phim hoặc giải thưởng điện ảnh uy tín trong và ngoài nước, có thể kể đến như Cá chuối – Giải Phim Đông Nam Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Chacktomuk Cambodia, Mẹ và con - Cánh diều bạc thể loại phim ngắn năm 2010 của Hội Điện ảnh Việt Nam, các phim tài liệu Hành trình, Cho tôi một vé về tuổi thơ, Khi ta 20 tham gia trình chiếu tại các trường đại học của Mỹ hay Ngược dòng - phim tranh giải khu vực YxineFF 2013...

Muôn mặt khó khăn

_c_c_cnh_tng_honh_trng_v_p_mt_trn_phim_thit_k_m_thut_ca_Trc_nht_vi_Th_K__tn_khng_t_cng_sc_chun_b_o_c

Để có được cảnh tượng hoành tráng và đẹp mắt trên phim, thiết kế mỹ thuật của Trực nhật với Thư Kỳ đã tốn không ít công sức chuẩn bị đạo cụ

Mặc dù thời lượng bị giới hạn, nhưng để được gọi là một bộ phim đúng nghĩa, phim ngắn vẫn phải đáp ứng tất cả yêu cầu về diện mạo lẫn nội hàm, với kết cấu ba hồi chuẩn mực, thắt nút, mở nút, có tính cao trào hấp dẫn người xem. Đối với một phim điện ảnh dài 90 phút trở lên, người đạo diễn có không gian tương đối lớn để từng bước diễn giải câu chuyện phim; nhưng trong vẻn vẹn mười mấy, hai mươi phút phim, thậm chí là chỉ vài phút phim mà phải tường thuật một câu chuyện hoàn chỉnh, khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, đồng thời giải quyết gọn gàng mâu thuẫn trong các mối quan hệ, thì xem chừng là chuyện không dễ dàng gì. Bởi thế nên nhiều người phải thừa nhận, phim ngắn mang tiếng là bước đệm học việc nhưng đôi khi, độ khó của nó còn lớn hơn phim dài rất nhiều.

Cho đến thời điểm hiện tại, phim ngắn mặc dù có nhu cầu thực hiện rất lớn, nhưng dường như nó vẫn chưa nhận được sự đầu tư thực sự tương ứng. Phần lớn các phim ngắn hiện nay đều thuộc dòng phim độc lập, nghĩa là toàn bộ tiến trình sản xuất của phim đều phụ thuộc sự tự lực cánh sinh của nhà làm phim về mặt tài chính. Đối với các nhà làm phim trẻ tuổi, đây luôn là vấn đề đáng lo ngại nhất của quá trình sản xuất phim, bởi sự eo hẹp về chi phí sẽ dẫn đến hàng tá những sự thiếu thốn về thiết bị, nhân lực, bối cảnh... Dĩ nhiên, với những thiết bị kỹ thuật nghiệp dư nhỏ gọn, người ta cũng có thể làm phim, nhưng chất lượng hình ảnh, âm thanh của sản phẩm khi ra lò sẽ khó bảo đảm làm hài lòng khán giả, mà thiết bị bán chuyên hay chuyên nghiệp lại có giá quá đắt cho việc mua hay thuê. Thiếu tiền, việc thuê mướn đạo cụ, bối cảnh, diễn viên và chi trả phí sinh hoạt đoàn cũng bị hạn chế hơn.

Tn_dng_xe_p__ghi_hnh_trng_on_p_xe_ca_nhn_vt_chnh

Tận dụng xe đạp để ghi hình trường đoạn đạp xe của nhân vật chính

Thực tế, khi dấn thân vào nghề làm phim thì bất luận là người chuyên nghiệp hay nghiệp dư cũng khó tránh khỏi quá trình thử thách dài hơi, nhưng đáng nói là, đối với đoàn làm phim truyện, các thành viên đoàn có thể cùng nhau chia sẻ công việc để áp lực được giảm thiểu, không giống như khi đơn thương độc mã trên hành trình phim tài liệu, tác giả phải một mình xoay sở với tất tật các khó khăn. Chia sẻ về quá trình thực hiện phim tài liệu Nợ (giải thưởng Cánh diều bạc cho thể loại phim ngắn của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013, tác giả Hà Thái nói: "Phim truyện có kế hoạch quay và hoàn thành chủ động từ trước, trong khi làm phim tài liệu phải theo sát nhân vật của mình. Nhân vật đi đâu, mình đi đó, cùng ăn, cùng ở với họ trong một khoảng thời gian". Nữ đạo diễn này cũng cho biết thêm, công tác hậu kỳ của Nợ tiêu tốn khá nhiều thời gian, bởi với lượng nháp quay khổng lồ (gần 300Gb), mỗi cách dựng lại đem đến một cách kể chuyện với thông điệp khác nhau, bạn phải tìm cách làm cho bộ phim của mình không bị "già hóa".

Cái khó ló cái khôn

Mặc cho những khó khăn khôn lường, các nhà làm phim trẻ bằng niềm đam mê và sự nhiệt huyết của mình vẫn không ngừng nỗ lực và cho ra đời các tác phẩm chất lượng, khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nếu như đi sâu tìm hiểu về quá trình thực hiện các bộ phim, người ta sẽ càng kinh ngạc hơn nữa bởi sự linh hoạt, nhạy bén của các bạn trẻ.

Phim_ngn_Vit_ngy_cng_khng_nh_c_v_th_ca_mnh

Lựa chọn tình huống phim giản dị nhưng nhiều cảm xúc, Visitor, bộ phim từng lọt vào top 10 Giải thưởng phim ngắn Á - Âu 2012 được coi là một kịch bản sáng suốt, không những làm xúc động khán giả mà còn phù hợp tiêu chí thời lượng ban tổ chức chương trình đưa ra. Lý giải về điều này, đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt của bộ phim cho biết: "Phim ngắn nên tập trung vào một lát cắt, để kể những câu chuyện cô đọng như ngụ ngôn, chứ không nên tham lam giải quyết vấn đề quá phức tạp". Còn đối với bài toán nan giải về thiết bị làm phim, nhà quay phim Ngô Phú Nam (học viên dự án Chúng ta làm phim, trung tâm TPD) cho rằng: "Người quay phim cần phải rèn luyện tư duy mở, sự linh động và biết cách tận dụng tối đa các nguồn sáng sẵn có, như đèn đường, đèn từ các cửa hàng khi quay ngoại hay đèn bàn trong trường hợp quay nội". Ngô Phú Nam cũng bật mí thường sử dụng ván trượt thay thế cho dolly chuyên dụng và dùng chân máy ảnh thay thế cho steadycam..., bởi theo Nam, từng chuyển động trên phim dù là nhỏ nhất cũng vô cùng quan trọng trong việc góp phần tái dựng không khí phim. Song song với kịch bản, hình ảnh, âm thanh, thì bối cảnh, đạo cụ và trang phục cũng là những yếu tố không thể thiếu đối với sự ra đời của một phim ngắn. Do sự bó hẹp về kinh phí, các yếu tố này chủ yếu được tận dụng theo hình thức "cây nhà lá vườn". Ví dụ như trường hợp phim ngắn Trực nhật với Thư Kỳ (bộ phim đoạt giải Trái tim hồng trong khuôn khổ Tiệc phim YxineFF 2012), thiết kế mỹ thuật Nguyễn Diệp Thùy Anh cho biết, trong giai đoạn tiền kỳ của phim phải trao đổi kỹ lưỡng với đạo diễn, xem xét đạo cụ nào cần thiết, đạo cụ nào không quá quan trọng để có thể lược bỏ hoặc thay thế bằng món đồ khác dễ kiếm hơn. Các đồ dùng của hai nhân vật chính trong phim này từ ba lô, túi xách cho đến hộp bút đều được chuẩn bị tỉ mỉ, nhằm làm nổi bật cá tính của họ. Còn với bộ phim Máy bay giấy (khuôn khổ dự án WAFM8, trunng tâm TPD), để tạo dựng cảnh kết phim với "một trời máy bay giấy" như mô tả trong kịch bản, cả ekip làm phim đã phải tự tay gấp hơn 200 chiếc máy bay và cùng nhau tung đi tung lại nhiều lần trên đường phố. Thêm vào đó, vì bộ phim này lấy bối cảnh trường học, nên nhóm thiết kế phục trang của đoàn đã phải thu thập số lượng lớn quần áo đồng phục cho tất cả các diễn viên từ vai chính, vai phụ đến quần chúng. Việc lựa chọn này hoàn toàn là ngẫu nhiên, không tránh khỏi chuyện trang phục không phù hợp với diễn viên của đoàn. Khi đó, nhóm phục trang lại mất công chỉnh sửa cho từng người một ngay tại hiện trường và giữa lúc đạo diễn, sản xuất không ngừng hối thúc...

Bất chấp những gian nan phải đối mặt, các nhà làm phim trẻ vẫn hăng say với hành trình phim ngắn. Hẳn nhiên là, với tư cách những người học việc, họ khó tránh khỏi thiếu sót trong kỹ năng nghiệp vụ. Nhưng thiết nghĩ, những người lớn của thế hệ đi trước không nên dựa vào điều đó mà phủ nhận năng lực của người trẻ cũng như vai trò của phim ngắn. Bởi một bộ phim trẻ chứa đựng thành ý, sự chỉn chu và tiến bộ của những con người trẻ xứng đáng được khích lệ và tạo điền kiện đi xa hơn nữa.


Biên kịch Bùi Kim Quy – thành viên BGK Phim ngắn: “Có quyền hy vọng vào thế hệ trẻ”

Năm nay, giải thưởng Cánh diều giới hạn độ tuổi có phim ngắn gửi tham dự phải dưới 30 tuổi. Tôi cho rằng, giới hạn như vậy là rất hay vì nó kích thích những người trẻ làm phim, giúp trẻ hoá đội hình làm phim ở ta. Thêm vào đó, người trên 30 tuổi thi cùng những người mới 17, 18 tuổi thì sẽ không tránh khỏi khập khiễng.

Khi xem những phim ngắn tham dự giải Cánh diều 2012, tôi thấy khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng đời sống của văn hoá nghệ thuật. Những người trẻ vẫn có thể làm phim chất như người lớn. Có xem mới biết, nhiều phim ngắn được đầu tư với mức kinh phí khá. Vẫn có đầy đủ cảnh hoành tráng như đốt nhà, đốt thuyền, giang hồ hỗn chiến, đua xe tốc độ...

Kỹ thuật làm phim cũng rất chuyên nghiệp với máy quay hiện đại, chiếu sáng hoàng tráng, dàn dựng đủ mọi hình thức đại cảnh, diễn viên ngày càng hấp dẫn. Rõ ràng, tay nghề của những nhà làm phim trẻ năm nay hơn hẳn những nhà làm phim trẻ vài năm trước mà tôi từng được xem....

Thùy Dương Nguyễn

Ảnh: Cobain P