Đạo diễn – NSƯT Vũ Xuân Hưng: “Khổ nhất là phải xem những phim lẽ ra không nên dự giải”

(TGĐA) - Thẳng thắn và cởi mở, đạo diễn – NSƯT Vũ Xuân Hưng trò chuyện với Thế giới điện ảnh về kết quả giải thưởng Cánh diều 2014 hạng mục Phim truyện điện ảnh mà anh là thành viên Ban giám khảo (BGK).

Vu-Xuan-Hunghangtruyen

Đạo diễn - NSƯT Vũ Xuân Hưng

Với tư cách là thành viên Ban giám khảo, anh có nhận xét gì về các phim tham dự giải Cánh diều 2014?

Điều thứ nhất, mặc dù có những phim phản ánh khá đa dạng các mặt của cuộc sống và có nhiều thể loại, chủ yếu tập trung ở hài, hành động tâm lý, lịch sử cách mạng; một số phim có sự tìm tòi trong ngôn ngữ và thủ pháp thể hiện nhưng vẫn còn có những phim chất lượng quá thấp. Theo tôi, nên có cuộc sơ tuyển các phim tham dự để chọn những phim xứng đáng vào tranh giải. Như vậy có lẽ sẽ thú vị hơn cho việc hấm thi, và cũng đỡ mất thời gian của BTC và BGK khi phải xem những phim mà đáng lẽ ra nó không nên tham dự. Điều thứ 2 là số lượng phim giải trí lớn hơn phim nghệ thuật. Tôi nghĩ với một giải mang tính nghề nghiệp, đề cao thẩm mỹ, tìm tòi trong thủ pháp thể hiện đề cao nội dung mang ý nghĩa xã hội thì việc phim giải trí chiếm số lượng lớn cũng khiến cho bảng giải không đáp ứng được yêu cầu của một Hội nghề nghiệp. Điều thứ 3 là thủ pháp thể hiện của các phim. Mặc dù có một số phim đã có sự tìm tòi, nhưng nói chung thủ pháp rất cũ, không có gì mới, hoặc là có nhưng lại chưa thuyết phục khi vẫn còn những vấn đề về ngữ pháp, về câu cú và một vài sự bất hợp lý. Một vấn đề nữa là các phim có chất lượng hơn một chút vẫn chưa đủ sức thuyết phục BGK trao giải cao nhất. Kể cả những phim được đánh giá tốt hơn hẳn nhưng khi nhưng khi BGK phân tích ở góc độ nghề nghiệp thì vẫn thấy nó vẫn lộ ra nhược điểm. Chúng ta đã biết, trong nghệ thuật cần phải đạt được 3 mức độ: Thông tin, cảm xúc và tư tưởng. Nhưng có những phim nhiều khi dừng lại ở mức thông tin thôi, hoặc đẩy đến cảm xúc thì lại chưa tới, đẩy đến tư tưởng lại càng khó khăn. Điều đó nói lên rằng trong số các tác phẩm dự giải, vẫn chưa có đỉnh, chưa có những lóe sáng để BGK tâm phục khẩu phục, đồng lòng trao giải cao nhất.

Anh hãy chia sẻ rõ hơn về quy trình làm việc của Ban giám khảo?

Chúng tôi vừa xem vừa trao đổi và có rất nhiều ký kiến khác nhau về chất lượng các bộ phim. Đến khi thảo luận việc có nên trao giải Cánh diều vàng hay không thì cũng lại tiếp tục trái chiều. Hệ thống giải Cánh diều có các giải thưởng Vàng, Bạc, BGK. Ngoài ra, trong lịch sử giải Cánh diều cũng có nhiều năm không trao giải Vàng vì cái chúng ta hướng tới là phải giữ chất lượng của giải chứ không nhất thiết là bắt buộc phải tìm ra một tác phẩm dự thi để trao giải Vàng cho nó, khi mà nó vẫn chưa hòan toàn thuyết phục được BGK, chưc trở thành đỉnh mà vẫn chỉ ngang ngửa các tác phẩm khác. Như thế tốt hơn cả là không nên trao giải Vàng để cho giải thưởng có chất lượng hơn. Tôi đọc báo thấy có ý kiến cho rằng đó là sự lúng túng của BGK. Thực ra, chúng tôi không lúng túng. Lúng túng là không biết nên có giải Vàng hay không? - Ở đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi một cách thẳng thắn và đi đến kết luận chứ không phải là không có kết luận gì mà bảo túng túng?

Poster_phim_Huong_ga

Poster phim Hương Ga

Như thế có nghĩa là việc trao đồng giải Cánh diều Bạc cho Những đứa con của làng, Hương GaLạc giới là hoàn toàn căn cứ vào số điểm mà các phim này đã nhận được, thưa anh?

Một giải thưởng mang tính thường niên như giải Cánh diều của Hội Điện ảnh có ý nghĩa động viên rất lớn. Bên cạnh giá trị chất lượng còn có giá trị động viên và giá trị này mang nhiều ý nghĩa trong đời sống điện ảnh Việt Nam. Động viên tác giả, động viên các nhà đầu tư. Ngoài ra còn có giá trị PR cho một bộ phim, một tác giả, nhà đầu tư nào đó khi mà họ cần giải để quảng bá tên tuổi. Nói chung, nó có rất nhiều ý nghĩa và chúng ta cũng phải chấp nhận tất cả vì đó là cuộc sống. Cá nhân tôi cho rằng 3 phim này cũng không đồng đều lắm về mặt chất lượng để trao cùng một giải. Tôi không nói về đề tài. Sự khác nhau về đề tài không quan trọng, có khi tạo sự sinh động hơn mà vấn đề là có độ chênh về ý nghĩa nội dung. Ngay cả chẩt lượng nghề nghiệp cũng có độ vênh. Có lẽ đó là căn nguyên của các tranh luận đa chiều. Tuy nhiên phim được giải phụ thuộc vào số điểm mà nó đạt được, số điểm trung bình sẽ quyết định phim nằm trong khung giải nào chứ không phụ thuộc vào ý kiến quan điểm của BGK vì có những thành viên, khi tranh luận nói rất ít thậm chí không nói một lời nào. Họ tự cho điểm theo cách của họ (cười). Sự đồng thuận trong lúc trao đổi chỉ là tương đối, lúc cho điểm mới là quan trọng để quyết định phim đoạt giải.

Theo anh thì tiêu chí trao giải mà Hội đề ra có khiến BGK gặp khó khăn trong quá trình làm việc không?

Tiêu chí của Hội đề ra thực chất chỉ mang tính định hướng còn khi đi vào hoạt động, BGK sẽ có những hoạt động mang tính cụ thể. Chúng tôi tranh luận dựa trên những tác phẩm cụ thể với nội dung, tình huống, nhân vật trong phim, tất nhiên cũng phải bám theo tiêu chí như sự sáng tạo trong cách thể hiện, ý nghĩa nhân văn và giá trị xã hội, tính dân tộc. Theo tôi có khi mỗi năm phải tìm cho giải một tiêu chí nổi trội để đề cao và đẩy cái đó lên. Vì có những tiêu chí là đương nhiên. Ví dụ tính nhân văn hay tính dân tộc chẳng hạn. Đó là yêu cầu của một tác phẩm nghệ thuật bất kỳ. Có lẽ nên đề cao hai yếu tố còn lại là thủ pháp thể hiện và ý nghĩa xã hội. Bởi cái mới trong tác phẩm nghệ thuật đa phần nằm ở thủ pháp thể hiện. Đề tài có thể giống nhau từ năm này qua năm khác, nhiều khi là vĩnh cửu nhưng bộ phim phải luôn luôn mới ở thủ pháp và ngôn ngữ thể hiện và đó mới là yếu tố cần các nghệ sỹ tìm kiếm. Tiếp nữa là về mặt ý nghĩa xã hội. Bộ phim cần phải tác động đến xã hội hiện đại, dù anh có nói chuyện xa vời, chuyện tương lai thì nó cũng phải có ý nghĩa tích cực với đời sống xã hội hôm nay. Tôi thấy hai tiêu chí đó cần phải đẩy lên, thậm chí có thể nhấn mạnh cụ thể vào vấn đề của năm đó. Vì cuộc sống hiện nay có nhiều biến động, mỗi năm lại có vấn đề nổi trội của năm. Và những phim nào đóng góp cho xã hội ở mặt này thì được đánh giá cao. Còn nếu chúng ta cứ giữ tiêu chí chung thì 10 năm sau vẫn chẳng có gì khác biệt.

DDLTDnhanQPXS

Nhà quay phim Lý Thái Dũng nhận giải Quay phim xuất sắc

Từ những bộ phim tham dự giải Cánh diều, anh có nhận xét gì về tình hình sáng tác điện ảnh Việt Nam hiện nay?

Nhìn một cách tổng thể, chất lượng phim năm nay khá hơn năm ngoái vì bớt đi những “thảm họa điện ảnh” nhưng đỉnh cao vẫn chưa xuất hiện. Vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm xuất sắc, đảm bảo các tiêu chí về ngôn ngữ thể hiện sinh động, mới mẻ, thuyết phục người xem, gây được cảm xúc tốt. Càng không có những phim bám sát cuộc sống, thể hiện các vấn đề của cuộc sống đương đại ở Việt Nam. Về nghề nghiệp, có một số nghệ sỹ bắt đầu đi vào lối mòn, một vài nghệ sỹ trẻ đã tìm cách thể hiện cái mới nhưng lại chưa mấy thuyết phục. Những người làm nghề chúng tôi có một tâm lý chung sau khi xem được tác phẩm hay là tự nhiên thấy trăn trở nghĩ ngợi, thậm chí muốn được làm phim khao khát làm phim, muốn được trao đổi với nhau. Năm nay, chưa xuất hiện tác phẩm nào đủ khiến chúng tôi có cảm giác đó, tâm trạng đó mà chủ yếu khi xem xong, ra khỏi rạp trong lòng thấy bàng bạc. Chưa tìm thấy điều gì ở tác phẩm có thể nuôi được cảm xúc, nuôi được suy nghĩ trong lòng khán giả hoặc thành một đề tài mà những người trong nghề và những người quan tâm đến điện ảnh có thể trao đổi với nhau một cách hào hứng.

Anh có nhận xét gì về các phim giải trí tham dự Cánh diều năm nay?

Có một số tác phẩm đi nặng vào thủ pháp thể hiện, thậm chí dùng thủ pháp để che bớt đi cái chưa hợp lý của nội dung. Đó cũng là một cách làm phim. Tôi lấy ví dụ các phim của Victor Vũ. Chúng tôi thấy Victor Vũ đã học được rất nhiều từ Hollywood và áp dụng khá nhuần nhị để phim có sự lôi cuốn nhất định nhưng nó cũng che đậy nhiều điểm chưa hợp lý trong tác phẩm. Tuy nhiên, như đã nói, đó là một cách làm phim. Dù sao chúng tôi cũng đánh giá cao phim của Vũ. Đều là phim dễ xem, dễ lôi cuốn khán giả và đó là thế mạnh của anh ta vì xét cho cùng với dòng phim giải trí thì thành công chính là khả năng thu hút được khán giả, làm người xem hào hứng theo dõi từ đầu đến cuối, thậm chí người ta có thể ra rạp với cái đầu rỗng nhưng ở trong rạp hào hứng, xem một cách chăm chú say mê là được. Phim Quả tim máu có tính giải trí tốt. Phim Hương Ga ngoài việc được đánh giá cao hơn chút về nghề nghiệp còn có ưu điểm là nói được vấn đề xã hội mặc dù đó là góc tối của xã hội và thể hiện điều đó một cách khá nghệ thuật thuyết phục. Hương ga cũng là phim bám sát tác phẩm văn học nên nhân vật có tính cách, có số phận, còn nhiều phim chỉ mang tính tình huống. Tóm lại, mảng phim giải trí cần tìm tòi hơn nữa về thủ pháp thể hiện, có đủ sức thuyết phục và mang lại giá trị giải trí cho khán giả nhưng vẫn không nên quá xa rời thực tế cuộc sống.

Làm BKG lĩnh vực văn học nghệ thuật rất khổ, nhưng làm người chấm phim thậm chí còn khổ hơn. Cá nhân anh thấy làm BGK Cánh diều khổ ở điểm nào?

Tôi biết có một vài người sau khi ngồi ghế BGK xong là tuyên bố không bao giờ làm giám khảo nữa. Lý do: Nếu phim được giải, các tác giả và nhà sản xuất nói: Đương nhiên, tôi không được giải mới là chuyện lạ; Nếu phim không được giải thì họ cho là BGK không biết chấm, thậm chí còn nói là BGK kém. Kiểu như: BGK năm nay kém thế, hoặc có ôngA, bà B kém thế mà cũng ngồi BGK... Đó là cái khổ kiểu gì cũng bị nói. Nỗi khổ nữa là phải ngồi xem những phim mà đáng lẽ ra không nên dự giải. Và đấy là điều chán nhất, khổ nhất trần đời. Khổ thứ 3 là sau khi tranh luận, có những người nhìn nhau hơi khó chịu. Nhưng nỗi khổ ấy tôi lại thấy thú vị khi mà được tranh luận với nhau về tác phẩm. Còn một nỗi khổ nữa mà ít ban giám khảo dám nói ra. Đó là nhiều khi sau giải, có người trước đây là bạn mình giờ không còn là bạn nữa. Người trước kia quý mình sau không quý nữa. Tất cả cũng chỉ vì một cái giải thôi. Cá nhân tôi coi các nỗi khổ là bình thường như là chuyện đương nhiên nên không băn khoăn. Kể cả có ý kiến cho rằng BGK chấm chưa chính xác, chấm sai... tôi vẫn nghĩ rằng mỗi người đều có quan điểm, chính kiến của mình. Và những người phát biểu như thế, khi họ ngồi ban giám khảo chắc họ cũng rơi vào tình trạng đó thôi.

BKPDnhanBKXS

Nhà biên kịch Phạm Dũng (áo trắng) nhận giải Biên kịch xuất sắc

Nhưng nhìn chung mục tiêu lớn nhất mà chúng ta cần hướng đến là có được một giải thưởng thật sự thuyết phục cả người làm nghề lẫn dư luận và truyền thông. Từ đó thúc đẩy nền điện ảnh phát triển chứ không phải là sau mỗi mùa giải Ban tổ chức, ban giám khảo... vừa khổ cực vừa mệt nhoài. Anh có đề xuất gì không?

Để có giải thưởng thuyết phục, ngoài trình độ, sự thẳng thắn, trung thục của BGK thì còn có 1 vấn đề quan trọng nữa là chất lượng của tác phẩm. Khi có tác phẩm hay, chất lượng thì BGK rất dễ làm việc còn tác phẩm cứ bàng bạc như nhau thì đó là lúc BGK khổ nhất mệt nhất. Còn hiện nay, phim nào cũng có nhược, ưu trong khi người tranh luận có khi cứ đề cao ưu, lờ nhược, hoặc ngược lại. Cho nên, tốt nhất là có nhiều tác phẩm dự thi xuất sắc, đủ sức chinh phục tất cả mọi người từ báo giới, công chúng tới người làm nghề.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thục Vân