Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

(TGĐA) - Ngoài điểm đặc biệt về đề tài của phim, thì Vầng trăng thơ ấu luôn buộc người xem phải tập trung lắng nghe lời thoại, bởi toàn bộ dàn diễn viên đều nói bằng chất giọng Nghệ An và thu tiếng trực tiếp. Vậy mà qua 90 phút phim, câu chuyện tuổi thơ của Bác Hồ đã khiến nhiều người xem rơi nước mắt vì xúc động.

'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa' 'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa'
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

Vầng trăng thơ ấu – bộ phim thiếu nhi, lấy bối cảnh từ năm 1895 - 1901 khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan lần đầu tiên vào Huế. Có thể nói khoảng thời gian thơ ấu ở Huế, tuy ngắn ngủi, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến việc định hình nên nhân cách của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Một cậu bé thông minh, luôn quan sát, lém lỉnh lại giàu lòng trắc ẩn, không kém phần tinh nghịch.

Cũng tại đây, Nguyễn Sinh Cung đã trải qua một biến cố rất lớn khi thân mẫu Hoàng Thị Loan sau khi sinh con thứ 4 trong sự vất vả khó nhọc, đã qua đời. Lúc ấy, thân phụ và anh trai đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang, cùng bà con lo tang lễ cho mẹ khi ngày Tết đang đến gần... Nguyễn Sinh Cung còn thấy được nhiều điều mới lạ, song lộ rõ những đối lập về giàu nghèo về quyền lực, về áp bức, về bất công. Sự định hình nhân cách này còn nhờ vào sự giáo dưỡng từ tình cảm nhân ái vị tha của mẹ, tấm lòng ái quốc của cha - một sĩ phu yêu nước cấp tiến, thức thời. Đó cũng chính là những nền tảng để kiến tạo nên một thiên tài dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại - Hồ Chí Minh về sau.

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Với cách kể giản dị, gần gũi, đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum cố gắng đan xen hai bối cảnh Nghệ An và Huế bằng hình thức thực tại và hồi tưởng của bà Loan và cậu Cung. Đưa vào phim những câu chuyện về mối quan hệ gia đình, sự hy sinh chịu thương chịu khó của người vợ lo cho chồng thi cử, một tình thân mẫu tử chứa chan, một tình bạn hồn nhiên trong sáng, nhân ái cùng những trò chơi dân gian đúng lứa tuổi thiếu nhi…

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phim Giải Phóng chia sẻ: "Về tuổi thơ và thời niên thiếu của Bác Hồ, hầu như chưa có phim điện ảnh nào thực hiện, nên hãng phim càng quyết tâm triển khai. Êkip thực hiện chọn giai đoạn gia đình Bác từ Nghệ An vào Huế sinh sống và gặp nhiều biến cố nhất. Chọn thời điểm này không những bộ phim có giá trị về mặt lịch sử, mà còn mang tính giáo dục, định hướng cho giới trẻ ngày nay về lòng yêu nước. Toàn bộ các chi tiết được tái hiện trong phim, có cả phần hư cấu đều dựa trên tài liệu, giai thoại của các nhà sử học đang sinh sống tại Huế cung cấp và cố vấn cho đoàn phim".

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Xin ghi lại vài ý kiến cảm nhận của người xem sau buổi công chiếu bộ phim.

PGS, Tiến sĩ Võ Văn Nhơn - Giảng viên môn Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: "Vầng trăng thơ ấu - một câu chuyện khiến người xem xúc động, có tính giáo dục. Phim quay đẹp, công phu. Trước đây tôi hay xem phim truyền hình được xây dựng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh do NSƯT - đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện. Song hơi bất ngờ khi xem phim này lại khá hơn sự tưởng tượng của tôi. Ngoài dàn diễn viên diễn tự nhiên, nhất là vai bà Hoàng Thị Loan, thì khâu hóa trang khá chú ý đến chi tiết như phân cảnh gia đình đi trên đồi cát nóng thì bàn chân bị nứt nẻ, hay một số nhân vật cũng bị tróc da môi… Bộ phim rất cần được giới thiệu đến công chúng, nhất là giới trẻ. Song do giọng Nghệ An hơi khó nghe, nên có thể làm thêm phần phụ đề cho bộ phim".

Biên kịch Kim Ửng và dựng phim Dân Hồng đều có chung cảm nhận: "Bộ phim có một số phân cảnh gây xúc động khiến chúng tôi đã khóc như cảnh bà Hoàng Thị Loan mất, bé Côn bồng em đi xin sữa hay đám tang mẹ đi bằng thuyền phải chui qua cống Thanh Long mới lên núi Ngự chôn cất. Các diễn viên Lệ Quyên, Việt Bắc, Hữu Đại, Kim Thư và Ali Quang Khải diễn khá tốt".

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Hà: "Mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau về phim, luôn là như vậy. Nhưng với vị trí một người làm phim, từng vật vã cân đo từng đồng, từng đứng giữa rất nhiều quan điểm khác nhau trước và sau khi bấm máy, từng stress, từng tiếc nuối… phải chi… nên rất trân trọng tâm sức tác phẩm Vầng trăng thơ ấu của đạo diễn và các đồng nghiệp. Khá ấn tượng với vai nữ chính có gương mặt đến chất giọng đẹp. Còn về phim tôi đã khóc ở nhiều thước phim ấn tượng cùng câu chuyện đậm nhân văn của gia đình Bác. Rất mong bộ phim được chiếu rộng rãi để người dân thêm hiểu về thời thơ ấu của Bác".

Diễn viên Minh Hoàng xúc động chia sẻ: "Thật không ngờ thời niên thiếu của Bác thú vị quá. Em hoàn toàn chưa biết những thông tin lịch sử này. Ông có cái nhìn, đầu óc quan sát đã khác người ngay từ nhỏ. Mong phim sớm được chiếu rộng rãi".

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

NSƯT - đạo diễn Lê Đức Tiến: "Nhìn một cách tổng thể, hãng phim và ekip thực hiện đã có sự đầu tư cố gắng rất nhiều về bối cảnh, phục trang, cách thể hiện và dàn diễn viên, lại rơi đúng trong thời gian quay vào mùa bão lũ quá khó khăn ở Nghệ An và Huế. Có thể nói, phim đã toát lên cảm xúc về hình tượng của Người, thông minh, lém lỉnh, nhân hậu. Nếu nói ngắn gọn hơn về bộ phim đặc biệt này, vậy là ổn".

NSƯT - đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo: "Đây là bộ phim thiếu nhi có đề tài hay, mới. Để làm được một tác phẩm hay phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một bộ phim được Nhà nước đặt hàng với 20 tỷ, lại về vị lãnh tụ, quay trải dài từ Nghệ An vào Huế với dàn diễn viên nhí chưa từng đóng phim thì càng áp lực, vất vả hơn rất nhiều. Có thể nói cái được của Vầng trăng thơ ấu là: Chọn dàn diễn viên tốt, bối cảnh đã cố gắng tạo hiệu quả, kết cấu câu chuyện có nhiều phân đoạn tạo cảm xúc. Một số phân đoạn bật được ngôn ngữ điện ảnh như cảnh quay hành trình gia đình Bác đi trên đồi cát từ Nghệ An vào Huế, hay cảnh đi thuyền đưa quan tài của mẹ qua cống Thanh Long trên dòng sông Hương. Tuy nhiên, nếu được chỉn chu hơn về ánh sáng, góc máy động hơn cùng dàn diễn viên quần chúng người Tây, người giàu nhiều hơn, sẽ tạo hiệu quả cao hơn".

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Chia sẻ về cái duyên được chọn vào vai cậu bé Côn, mẹ bé Hữu Đại - chị Minh Hải cho biết: "Do gia đình đang cho bé theo học môn nhạc cụ sáo trúc truyền thống trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, vào dịp hè lớp 4 năm ngoái cô giáo chủ nhiệm lớp nhạc cụ bất ngờ gửi thông tin tìm các diễn viên cho bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ cho gia đình. Thế là gia đình và bé quyết định đăng ký cứ đi thử với hy vọng hè này con có một trải nghiệm mới.

Hôm đến thử thấy các bé đông lắm, song cả 2 mẹ con vẫn vui vẻ thoải mái với tâm thế đậu thì tốt mà không đậu cũng vẫn vui (vì không biết gì về bộ phim, đoàn phim cũng như bất kỳ thông tin cụ thể nào mà chỉ nghĩ là để diễn một tiểu phẩm nào đó thôi). Tất cả các bé được đoàn phim phát một tờ giấy có ghi những câu thoại và nói cố gắng học thuộc. Khi đến lượt bé Đại, tuy mẹ ngồi hơi xa, nhưng vẫn chứng kiến bé đối thoại, trả lời có lẽ lưu loát, tự tin hơn chút xíu qua các câu hỏi của chú đạo diễn, rồi quay phải, quay trái. Trong khi có nhiều bé vừa đứng trước máy quay, chú hỏi gì đó thế là òa lên khóc, có bé lại đứng im bất động nhìn chú sợ hãi…

Khoảng 1 tháng sau, vừa vào năm học mới thì bên đoàn phim gọi thông báo là bé đã đậu vào vai Bác Hồ lúc còn nhỏ và đây là một bộ phim do Nhà nước đặt hàng cho công ty Phim Giải Phóng sản xuất. Lúc này cả hai mẹ con mới vỡ lẽ ra bé đã đi thử vai trong bộ phim quan trọng về giá trị lịch sử nên càng bất ngờ xen lẫn vui sướng, lâng lâng tự hào mà cũng đầy lo lắng. Lo lắng thứ nhất là sợ con không diễn được vì chưa qua trường lớp đào tạo nào. Lo lắng thứ hai là thời gian quay phim dài tới gần 2 tháng thì việc học của con phải cân bằng như thế nào? Rất may là bên đoàn phim đã cử người ra tận Nghệ An để động viên, hướng dẫn cho bé tự tin tham gia vai diễn. Và phía nhà trường cũng rất ủng hộ, tạo điều kiện cho bé học online để yên tâm tham gia cùng đoàn phim.

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Có lẽ để tránh áp lực cho các bé, bác đạo diễn rất tinh tế và hiểu tâm lý của trẻ nên cho các bé chơi, quậy tới bến để thực hiện hai cảnh quay đầu tiên là chơi kéo co và thả diều ở Nghệ An. Nên khi về nhà bé hí hửng cười nói 'quay phim sướng quá, toàn được chơi trò chơi'. Cảnh quay đầu tiên mà bé vừa phải diễn vừa phải thuộc thoại và thu tiếng trực tiếp là cảnh bà Loan dạy con học ở quê nhà Nghệ An. Rất may là bé học thoại nhanh. Chỉ đọc qua một lần là có thể nhớ được đoạn thoại khoảng 4 - 5 câu, trừ những câu chữ Hán phải giải thích nghĩa cho bé hiểu, nên phải đọc vài ba lần mới thuộc.

Sau khi đoàn phim cử chú Dương phó đạo diễn ra Nghệ An phân tích kịch bản, hướng dẫn rất tỉ mỉ cho bé tập diễn, làm quen vị trí diễn, cùng kết hợp với các bạn diễn như bố mẹ, hay các bạn. Nhờ đó giúp bé dần hiểu, mạnh dạn hơn đứng trước máy và diễn theo yêu cầu của đạo diễn, mặc dù các bé rất nhiều lần phải quay đi quay lại mà bác Xum vẫn cố cười động viên. Phần lớn do các bé còn nhỏ chưa tập trung lại ham tò mò khám phá thế giới xung quanh, đó là chưa kể các bé 'lên cơn' nghịch ngợm. Trong quá trình quay hơn 2 tháng có rất nhiều áp lực đối với bé. Thứ nhất là việc di chuyển thường xuyên qua nhiều địa điểm khác nhau. Thời gian ngủ nghỉ thay đổi. Phần lớn bé phải dậy từ 5 giờ sáng và có khi về đến nhà hơn 11 giờ đêm. Đồng thời bé vừa quay vừa học diễn diễn xuất, lại phải hoàn thành việc học các môn văn hóa của trường tiểu học.

Những phân cảnh phải đầu tư diễn và ấn tượng của bé là cảnh bà Loan mất, bé đã khóc thật sự, cảnh cậu Côn nhìn thấy dân mình bị đàn áp, ức hiếp, và cảnh Côn bế em đi xin sữa vào lúc tết đến gần. Hay cảnh được ăn bún bò Huế và nhặt khoai lang giúp cụ bà ngoài chợ. Khi quay bé cũng có đôi lúc bướng và nản do khó và vất vả, như cảnh quay trên đồi cát Quảng Bình. Hôm đó vào 3 giờ sáng mọi người đã phải dậy để ra đồi cát chuẩn bị và quay cho đến tận 7 giờ tối, kể cả lúc 12 giờ trưa nắng chói chang mà bé vẫn còn quay. Lúc nghỉ trưa ăn cơm đôi má của bé đã cháy đỏ và rất mệt, bé nằm gục trên bàn ngủ luôn. Rồi khoảng 1 giờ 30 chiều lại quay tiếp trên đồi cát vừa nóng vừa nắng cho đến tối. Đôi lúc bé nảy sinh bướng, lì, một phần vì chưa quen vất vả lại bị gò liên tục trong nhiều cảnh quay với tâm trạng luôn thay đổi. Thậm chí khá áp lực khi phải nghe tới hơn trăm câu 'Côn ơi, Côn ơi' từ đoàn phim. Khi đó mẹ, các chú đoàn phim, đặc biệt là bác đạo diễn, chú Bắc và cô Quyên luôn động viên, thông cảm và hướng dẫn bé rất tận tình.

Mẹ bé cho biết bé tâm sự rằng "Con rất vui vì được diễn vai Bác Hồ với nhiều đức tính đáng quý mà con cần hoàn thiện mình hơn. Con biết mình cần ham học hơn nữa, phải yêu thương mọi người hơn nữa và phải yêu đất nước, sau này lớn lên phải làm người có ích cho gia đình và xã hội, bảo vệ quê hương đất nước mình". Ngoài ra bé cứ lăn tăn, lo lắng không biết mình diễn có đạt không? Mọi người có xem được không? Còn đối với chị, nhà trường, gia đình cùng người dân xứ Nghệ chỉ mong từng ngày bộ phim được chiếu ngay trên quê hương mình… Tự hào và vỡ òa bao cảm xúc.

Khi được hỏi sau khi quay xong bé có thích nghề diễn viên không? Cu cậu lém lỉnh trả lời "Giờ con phải học". Hiện sở thích của bé là nghiên cứa khoa học kỹ thuật. Thích sáng tạo thiết kế máy bay chạy bằng pin, guồng nước chạy bằng bơm nước mini hay làm xe tăng từ que kem.

Nhiều khán giả đã rơi nước mắt trong đêm ra mắt phim 'Vầng trăng thơ ấu'

Đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum cũng cảm ơn hãng phim đã cho anh cơ hội để thực hiện bộ phim ý nghĩa này đồng thời cảm ơn ekip, nhất là dàn diễn viên không chuyên đậm chất Nghệ đã cùng anh vượt qua cơn bão lũ ròng rã hơn 2 tháng trời…

'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa' 'Vầng trăng thơ ấu': Phim điện ảnh về thời niên thiếu Bác Hồ không đi theo hướng 'thần thánh hóa'

(TGĐA) - Phim Vầng trăng thơ ấu vừa ra mắt poster chính thức, phần nào ...

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Hy vọng 'Vầng trăng thơ ấu' sẽ đem lại cảm nhận không chán cho người xem

(TGĐA) - Vầng trăng thơ ấu - phim điện ảnh thiếu nhi đầu tiên về ...

Vũ Liên