(TGĐA) - Gọi là Tết “gần xưa”, vì nó là những cái Tết hồi tôi còn bé. Vì tôi hôm nay, nhìn bề ngoài rất trẻ, như chàng trai ngoài hai mươi, thì lúc bé đâu có xa xôi gì! Xin bà con công nhận điều này trước khi đọc.
Cao Xuân Tài ‘hẹn hò’ cùng Trương Diệu Ngọc trước thềm 'Vietnam Fitness Model 2019' | |
4 lý do đừng nên bỏ lỡ ‘Vu quy đại náo’ của Ngọc Trinh và Diệu Nhi sau dịp Tết |
Lúc đó, suy nghĩ đầu tiên về Tết là “ăn”! Không còn nghi ngờ gì, đây là một dịp ăn sâu sắc nhất, hoành tráng nhất trong năm và cả độc đáo nữa, vì có nhiều món ăn chỉ có… Tết năm sau mới quay trở lại.
Ăn đơn giản là ăn thịt! Cả năm thịt bán theo tem phiếu, cỡ như gia đình cán bộ của bố mẹ tôi mỗi tháng được hơn một kilogam nhưng chủ yếu mua mỡ để rán nên thịt nạc quý như vàng. Vào gần Tết, chả biết từ những nguồn bí hiểm cỡ nào cơ quan bố mẹ mua vài con lợn giết thịt rồi chia mỗi gia đình vài ký, đó là tột đỉnh vinh quang.
|
| |
Cảnh xếp hàng mua thịt, bánh chưng ngày Tết thời bao cấp |
Bi kịch duy nhất của vấn đề này là thịt thường được chia trước mấy ngày giáp Tết, nhưng không ai dám ăn song chả biết cất vào đâu vì chỉ đại gia mới có tủ lạnh. Thế là nháo nhác mang thịt để gửi. Xem nhờ ti vi và gửi nhờ tủ lạnh là những hành động hồi đó dân Hà Nội khuyên dùng. Nhiều người cứ không hiểu tại sao dân Hà Nội ngày trước hồi Tết thích ăn măng! Nhà nào cũng có một nồi măng hầm tổ bố. Chẳng qua vì măng có thể hòa hợp với thịt đủ mọi thành phần và để được lâu, trước khi ăn cứ đặt lên bếp, rất tiện với thứ thịt gửi này.
|
Tuy nhiên, đại cao cấp, đại quý tộc là thịt gà. Mà phải gà trống mới oai. Trước Tết mười ngày, mẹ tôi thường gửi mua ở nhà quê một con gà trống và nhồi cho nó ăn để gần Tết chén. Chuyện ấy hầu như ai có văn hóa đều làm. Nhưng nhà tôi trên gác ba, không hề có sân nên con gà buộc ở trong phòng. Cứ gần sáng, nó vỗ cánh rồi cất tiếng gáy khiến cả nhà choàng tỉnh không ngủ được cứ như thế hàng đêm nhưng không ai dám kêu la, rõ ràng muốn ăn ngon thì phải bịt tai, bịt mắt và đôi khi cả mũi vì phân gà ở ngay trong phòng. Ngày thịt gà do đó, phảng phất tính “Báo thù” nhưng không cao thượng. Nhưng trong nhiều năm, Tết là dịp duy nhất có thịt gà, đến mức thời bé, tôi nghĩ sau này nếu thành đạt sẽ ăn hẳn một con gà, không phải vì tham, mà vì muốn giải tỏa những khát khao thầm kín. Còn hôm nay, không hề thành đạt, nhưng hễ trông thấy thịt gà là nổi da gà. Đối với gia đình cán bộ như nhà tôi, thịt lợn và chút thịt gà là toàn bộ Tết, là Tết từ đầu đến chân, là Tết từng centimet. Những thứ khác như giò, chả, nem... thú thực hồi bé tôi chả hiểu là gì, màu sắc và hương vị ra sao.
Xin thề như thế. Tôi mà nói sai thì quỷ thần giết chết vào đêm 30 này, đừng để đến Mồng 1. Nhưng thịt gà mới là nửa Tết: Nửa còn lại là bánh mứt. Mứt thì có mậu dịch lo bằng cách bán trong những hộp giấy vuông có in hình bông hoa đào, viết chữ rất chân phương “Mứt Tết” với trọng lượng khoảng nửa ký, nhưng 60% bên trong là đậu phộng bọc đường, gọi văn hoa là “trứng chim”, còn lại là mứt bí, nhưng để gây cảm xúc thì luôn có một quả táo tầu vả một quả hồng khô. Lúc mở hộp mứt, ai cũng lăm lăm nhón quả hồng này.
| |
Hộp mứt Tết thời bao cấp |
Còn bánh mỗi gia đình phải tự tìm tòi. Công nghiệp Hà Nội hồi đó là “Vá chín săm lốp - gia công quy xốp - lộn cổ sơ mi - Bơm mực bút bi”. Tuy vũ bão như vậy nhưng tới Tết các hàng quy xốp vẫn rất đông, đi làm bánh từ sáng tới chiều mới về là chuyện thường. Khách khứa mang bột mỳ, trứng và đường tới, chủ lò bánh khinh khỉnh đưa ra một cái chậu sắt tráng men, ai nấy đập trứng cho đường của mình vào. Dân sang dùng đường trắng, dân nghèo dùng đường vàng, rồi ngồi trộn đều lên bằng những cái chổi. Trộn càng lâu thì bánh càng ngon nên bà con hăng hái làm, sung sướng nhìn chậu trứng đường đó đổ vào bột, nhào lên rồi ép thành bánh gai. Lúc bánh ở lò ra, nhón một cái bị gẫy (phải gẫy mới được nhón) bỏ vào mồm sao mà cảm giác đê mê.
À quên, nói đến Tết xưa mà không nói tới túi hàng Tết thì chả khác gì nói về Thúy Kiều mà quên Từ Hải. Đó là những túi quà do mậu dịch bán phân phối cho gia đình cán bộ, tùy theo chức vụ, số lượng to hay bé! Chủ yếu trong đó là bong bóng lợn phơi khô và bánh tráng để làm chả nem. Các bà mẹ luôn nhìn túi đó đầy ngưỡng mộ nhưng trẻ con chúng tôi không quan tâm lắm vì chả có gì ăn được ngay. Còn vài ngày nữa là Tết. Thế là phải đi chợ hoa. Đi bằng xe đạp hoặc đi bộ, nhìn là chính, mua là phụ. Mẹ tôi thường mua hoa vụn, dân quý tộc mới mua cành đào, còn dân đại quý tộc mua thêm cây quất vàng chóe.
|
| |
Khung cảnh nhộn nhịp nơi chợ hoa Tết xưa |
Đêm giao thừa tới. Toàn bộ nam nữ thanh niên Hà Nội chỉ có một hướng duy nhất là ra bờ hồ, đi bộ không biết bao nhiêu vòng. Nhưng bờ hồ lúc ấy cũng không tầm thường, tất cả các cây đều giăng đèn màu, kể cả tháp Rùa nên cũng thấy náo nức. Nhiều địa điểm có ca nhạc quốc doanh, ví dụ như vườn hoa Chí Linh, ở đó Anh Lô Thanh hát Bà ca người săn máy bay, chị Thúy Hà hát Người ơi người ở đừng về. Khán giả đứng xem dưới trời mưa bụi lất phất đông gấp tỷ lần mọi ca sĩ hôm nay. Đỉnh cao có múa Chàm Rông và múa gặt lúa khiến trẻ con há hốc mồm. Cứ đi bờ hồ cho tới kiệt sức thì thôi, trai gái nhìn nhau không biết chán. Mười hai giờ chuông trên nóc Bách hóa tổng hợp và đồng hồ nhà Bưu Điện kêu binh boang, bà con đốt pháo đùng đùng rồi trở về các nhà cắn hạt bí, ăn bánh chưng, uống rượu chanh, rượu cà phê hay rượu Thanh Mai do mậu dịch bán, cảm thấy sự sang trọng dâng lên đến… tim.
Ngày mồng Một cả Hà Nội tới công viên Thống nhất xem triển lãm hoa. Có một góc nhỏ xíu nhưng hồi đó sao tôi thấy nó to kinh khủng. Anh nào có máy ảnh đeo lủng lẳng thì oai vô cùng, còn phần lớn chỉ có mắt nhìn, nhưng trai nhìn gái, gái nhìn trai sao mà đời tươi đẹp quá. Xem hoa xong, cả lũ tới nhà bạn bè, hết tới nhà đứa này lại tới nhà đứa kia, đi vài vòng bụng đầy bánh quy gai, hạt bí và mứt đậu phộng. Xuân đến tuyệt vời!
Cao Xuân Tài ‘hẹn hò’ cùng Trương Diệu Ngọc trước thềm 'Vietnam Fitness Model 2019' | |
4 lý do đừng nên bỏ lỡ ‘Vu quy đại náo’ của Ngọc Trinh và Diệu Nhi sau dịp Tết |
Lê Hoàng