(TGĐA) - Hàng hóa thời trang, thực chất của nó chỉ có 10 - 20%, còn 80 - 90% phải chi trả cho cái mác, ngay cả những chuyên gia thời trang hàng đầu thế giới cũng khẳng định như vậy.
Thư của một người từng học dốt | |
Ngạc nhiên 'đại gia đình' toàn tỷ phú của Lý Nhã Kỳ | |
Hãy mãi là những người tình bí ẩn | |
Ông lão mài dao | |
Phản xạ có điều kiện |
Chuyện nhà bác Khải mấy hôm rày ai cũng nói mãi rồi, từ thuyết kinh tế đến thuyết chính trị, khủng hoảng trong PR, đạo đức kinh doanh, truyền thống yêu nước… Mình bàn khía cạnh khác đi vậy. Vì quả là ngộ cực khi người tiêu dùng và truyền thông cứ bức xúc kinh lên về việc Khải Silk bán hàng Tàu. Này nhá, bác Khải thú nhận là đã bán hàng Tàu chán chê 30 năm nay rồi. Nghĩa là trong ba thập niên ròng rã ấy, đã có hàng trăm ngàn, hàng triệu người mua hàng Tàu của Khải silk về dùng, trong ấy có cả Tây cả Ta, cả nam cả nữ, cả người có danh và vô danh, người học cao hiểu rộng và người học ít hiểu ít, cả quan chức của mình cũng chủ yếu dùng hàng Khải silk để tặng cho quan chức Tây. Mà 30 năm ấy, mua mãi, dùng mãi có thấy làm sao đâu, thấy vẫn đẹp chán, tốt chán, sang chán, vẫn tự hào và hãnh diện vì sở hữu đồ Khải Silk trên người. Kẻ được nhận đồ tặng cũng rưng rưng cảm ơn và lấy làm hãnh diện. Chứ nó làm sao thì đã đi kiện. Thế thì thực ra hàng Tàu với hàng Khải thật có khác gì nhau đâu. Khác mỗi cái mác 3 xen ti mét vuông thôi. Mà đã không khác gì nhau thì… dùng thế nào chả được mà phải bức xúc. Giờ mới thấy cái người tố giác hàng Tàu của Khải mới thực là… “ác độc”.
|
Đương yên đương lành lại cướp đi cái niềm vui, niềm sung sướng, hãnh diện, tự hào của hàng triệu người đã và đang dùng hàng của Khải. Đã thế lại còn làm cho người ta thấy đắng miệng, thấy tức anh ách vì bị lừa. Mà bị lừa thì đúng ra phải là lúc mua người ta hứa hẹn thế này, về nhà thấy vải nó phai màu, nó rách nát, nó kém sang trọng hẳn đi thì mới là bị lừa, đằng này đeo một cái khăn 30 năm không hỏng, 30 năm giời khăn ngự trên cổ khiến người đeo khăn mặt mũi sáng sủa hẳn lên nhờ có mác Khải, người đeo chả nhận ra đồ Tàu, người nhòm cũng chả nhận ra thì lừa gì đâu à.
Hàng triệu người không thể phân biệt khăn Khải và khăn nhái, mà may lại có cái mác chưa cắt, không thì tiếp tục 50 năm nữa vẫn cứ dùng đồ Tàu cho sướng đời. Hàng hóa thời trang, thực chất của nó chỉ có 10 - 20%, còn 80 - 90% phải chi trả cho cái mác, ngay cả những chuyên gia thời trang hàng đầu thế giới cũng khẳng định như vậy. Nhưng nhiều người buồn cười lắm, cứ khăng khăng rằng chỉ có bọn chân đất mắt toét mới không phân biệt nổi đâu là hàng hiệu đâu là hàng nhái, vì hàng nhái dù có tinh vi đến đâu cũng có thể phát hiện ra, người sành là phát hiện ra ngay. 30 năm nay hình như toàn người chân đất mắt toét mua hàng Khải. Mà cũng nghi lắm, giả sử mà giờ tụi Prada, Hermes (Ơn Trời tụi ấy vẫn còn tử tế. Tây lúc nào cũng tử tế, nhiều người Việt bảo thế), hứng lên mua hàng Tàu về bán kèm, rồi lỡ có người phát hiện ra, tung lên mạng, thì vô phúc cho người ấy, bởi chưa cần biết nếp tẻ thế nào, kiểu gì hắn cũng phải hứng chịu cơn bão gạch của hàng loạt fan cuồng của những thương hiệu mạnh nhất thế giới, rằng thì là: “Ngu lắm, cống rãnh mà cũng đòi sóng sánh đại dương, cái đồ không biết dùng hàng hiệu. Mua từ chính hãng Prada thì làm sao mà dỏm được”. Hoặc Prada mà tự dưng hứng lên trưng bày chiếc túi phiên bản mới nhất trong một chợ hầm Quảng Châu rồi giảm giá đi 100 lần, y rằng nó bị bán ế, vì không ai thèm mua. Y như có bận nữ tác giả thu nhập cao nhất thế giới là J.K. Rowling nghĩ khôn nghĩ dại thế nào lại đổi bút danh đi cho tác phẩm mới nhất, thế là y rằng sách ế sưng. Mãi sau chắc nghĩ thiệt quá lại thú nhận là sách của tôi đấy, là của tác giả Harry Porter đấy, thì sách lại sốt xình xịch như cũ. Rất nhiều ngôi sao bị phát hiện dùng hàng nhái rồi bị bêu lên mạng ấy là nhờ những lý do khác chứ chưa bao giờ là nhờ mắt thường phát hiện ra. Từ nhiều thế kỷ trước, các quý tộc châu Âu và những ngôi sao giàu có của Hollywood thường sở hữu những chuỗi vòng đá quý đắt nhất thế giới nhưng rất nhiều người không thực sự sử dụng chúng vì lý do an toàn (thậm chí còn không dám để nhà mà để két an toàn nhà băng). Họ thường công bố cho công chúng biết việc họ đã sở hữu phiên bản trang sức độc nhất vô nhị ấy, rồi thuê thợ kim hoàn làm đúng một cái y hệt để đeo mỗi lúc có sự kiện. Như vậy là họ thường xuyên dùng đồ giả, còn đồ thật cất đi cho mới, và không một ai phân biệt được lúc nào họ thật lúc nào họ giả. (Tất nhiên trừ phi rằng nếu có thợ kim hoàn sấn vào cổ áo họ sờ lần thì cũng biết).
|
Mà dùng hàng Tàu gắn mác Khải thì đã sao, miễn có mác Khải là được rồi. Dùng 30 năm trời có ai biết đâu mà sợ. Một cái mác thời trang thương hiệu mạnh, giá của nó có thể gấp đúng 100 lần bọn hàng hóa vô danh tiểu tốt, mà nếu nó giúp cho người sử dụng nó đẹp trai xinh gái lên gấp 100 lần, hạnh phúc thêm 100 lần, sang trọng hẳn 100 lần, và nâng giá trị con người lên 100 lần thì mua mác cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi, phàn nàn nỗi gì nữa. Kể cả chỉ nhờ cái mác mà nó có thể giúp nâng giá trị con người lên gấp đôi thôi cũng đã là xứng bỏ ra gấp 100 lần tiền rồi ấy chứ.
Quả rằng có những thứ dùng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vô danh tiểu tốt hoặc thương hiệu yếu thì nguy hiểm thật, như thuốc ung thư, thuốc tiêu chảy chẳng hạn, hoặc thực phẩm, mỹ phẩm, hoặc có những thứ mà giá cả của nó rõ ràng phân biệt chất lượng và đẳng cấp như bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế và trạm y tế xã, trường làng; khách sạn 5 sao và 3 sao; nước hoa Guerlain và Miss Saigon, đồ điện tử, vàng và đồng thau… còn thời trang thì thưa các nhà “hàng hiệu học”, để đỡ nhức đầu phân tích xem đâu là hàng giả, hàng nhái, để… tiết kiệm tiền quần áo, thôi thì cứ học theo bác Steve Jobs và Mark Zuckerberg ấy, quanh năm nhất bộ, mỗi cái áo pull đen. Mà Steve còn được áo pull tử tế chứ cái nhà anh Mark thì toàn mặc áo pull đen bạc màu chớ. Mà có ai phải băn khoăn xem Mark và Steve liệu có phải mặc áo pull Tàu hay không. Cái áo pull xâu xấu ấy giờ đã lại còn thành biểu tượng nữa chứ. Nhưng nói thế là lệch chuẩn mất rồi, Mark và Steve thì họ dán mác ở trán họ chứ có dán mác ở sau gáy đâu.
|
Nên là sau vụ này, anh Khải ít ra cũng cười mím chi: “Vấn đề không phải tớ có tử tế hay không, vấn đề là ở cậu chứ, 30 năm nay tớ và cậu, kẻ bán người mua quan hệ khăng khít, khăn lụa làm ấm cổ cậu, đẹp mặt cậu có làm sao đâu. Tự dưng cậu lại đi nghe lời thằng soi mác mà phân vân Tàu với Việt”. Y như có ông bạn kể lại chuyện thế này. Ông kể có bà bạn tiểu học nửa đêm dậy đi tiểu (mà cả đời có đi tiểu đêm bao giờ đâu, tự dưng đến tuổi 55 rồi lại dở chứng đi tiểu giờ ấy), thì kinh ngạc phát hiện ra chồng mình đang tòm tem với ô sin dưới bếp, thế là tan tành mây khói cuộc hôn nhân 30 năm. Giờ đau khổ tâm sự với bạn lại bị bạn mắng cho: Ai bảo bà đương yên đương lành lại… đi tiểu vào giờ ấy. Thà cứ ngủ đi như mọi bận thì có phải nhà cửa vẫn êm ấm, chồng con vẫn đàng hoàng hay không. Đằng nào mà hắn chả vẫn tòm tem 20 năm nay rồi.
Sự cố của Khải Silk đã gây ra một cơn bão mạng trong những ngày tháng 10. Khởi đầu là một công ty đặt mua một lô khăn của thương hiệu danh tiếng này nhưng sau đó phát hiện ra cùng một loại khăn mà mang hai nhãn mác khác nhau “Made in China” và “Made in Vietnam”. Sau đó, chủ thương hiệu là doanh nhân Hoàng Khải đã chính thức xin lỗi công chúng và thừa nhận trong 30 năm nay đã nhập 50% khăn Trung Quốc để trộn lẫn với khăn Việt bán cho khách hàng với giá trung bình trên dưới 1 triệu. Theo Tổng cục Hải quan, mỗi chiếc khăn Trung Quốc khi nhập về Việt Nam chỉ có giá trung bình 28.000 đồng.
|
Thư của một người từng học dốt | |
Ngạc nhiên 'đại gia đình' toàn tỷ phú của Lý Nhã Kỳ | |
Hãy mãi là những người tình bí ẩn | |
Ông lão mài dao | |
Phản xạ có điều kiện |
Di Li