(TGĐA) - Trở ngại nhiều người gặp nhất là phải đợi có hứng rồi mới làm. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, hứng rất ít khi tự đến.
Taj Mahal – Huyền thoại tình yêu | |
Tờ Điện ảnh lâu đời tại Việt Nam ra mắt giao diện website mới | |
Lao động là vinh quang | |
Câu chuyện Hoa hồng ở Mỹ | |
Sức hút từ thân thiện |
Một lần nọ trong bữa tiệc rất đông, có một cậu ra bắt chuyện với tôi. Cậu hỏi thăm tôi rồi tự giới thiệu. Công việc của cậu ấy được miêu tả hơi dài dòng, là “set up” (thiết lập, khởi động) cho các phòng tập gym từ lúc trước khi mở cửa, rồi khi nó đã chạy vào guồng thì cậu lại chuyển sang phòng tập khác để “set up” cho họ. Cậu là một chuyên gia về phòng tập, đại khái thế. Cậu hỏi tôi:
Chị có tập môn thể thao nào không?
Không, chị chả có thời gian mà tập.
Đấy là mọi người cứ nghĩ thể thao cần có thời gian chứ chị chỉ cần mười lăm phút mỗi ngày để tập cũng đã là tốt lắm rồi. Chẳng lẽ chị không có nổi mười lăm phút.
Mười lăm phút chị cũng không có thật, vì thường mỗi ngày chị chỉ ăn một bữa để tiết kiệm thời gian, hôm nào nhiều thì hai bữa, và vừa đánh răng vừa check mail.
Đấy là vì chị không coi sức khỏe là quan trọng hơn tất cả những thứ khác thôi. Nếu chị coi nó là số một, thế nào chị cũng thu xếp được thời gian.
Những người nói không thể chẳng qua là họ không muốn làm cái việc ấy |
Tôi hơi giật mình. Câu này nghe quen quen. Chẳng phải tôi toàn “lên lớp” người khác về điều này hay sao:
Đấy chẳng qua là anh không muốn thôi, nếu muốn thì kiểu gì anh cũng sắp xếp được hết. Muốn thì tìm ra giải pháp. Không muốn thì nại lý do. (Sáu chữ cuối cùng thường bị tôi hét lên kèm theo một cái bát bị đập vỡ)
Trong cuốn sách best-seller “Lối sống tối giản của người Nhật”, tác giả Sasaki Fumio đã viết: “Chẳng có gì là không thể. Những người nói không thể chẳng qua là họ không muốn làm cái việc ấy”.
Còn trong “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống”, tác giả Trần Đình Hoành nói rằng: Trở ngại nhiều người gặp nhất là phải đợi có hứng rồi mới làm. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, hứng rất ít khi tự đến. Một lý do khác được viện dẫn thường xuyên là: Tôi không có thời gian.
Thực sự là điều gì ta ưu tiên cao thì ta luôn có thời gian |
Thực sự là điều gì ta ưu tiên cao thì ta luôn có thời gian, điều gì ưu tiên thấp thường sẽ không có thời gian. Nếu bạn mê bóng đá thì bạn luôn có thời giờ xem bóng đá, kể cả khi phải đưa vợ đi sinh con thì có lẽ bạn cũng sẽ xem tivi trong bệnh viện. Nên vấn đề chỉ ở chỗ ưu tiên số một của bạn là gì mà thôi.
Sau hôm ấy thì tôi tỉnh ngộ. Đúng là trước giờ tôi toàn xếp sức khỏe sau cùng, mặc dù miệng nói bai bải rằng sức khỏe là quan trọng số một, người có sức khỏe có một nghìn ước muốn, còn người không sức khỏe chỉ có một ước muốn duy nhất là được khỏe mạnh.
Tôi cứ đinh ninh rằng mình rất tôn trọng sức khỏe cho đến khi tôi nhận ra rằng mình đang xếp sức khỏe sau cùng, sau công việc, sau tiền bạc, sau tham vọng, sau các mối quan hệ, các thú vui sở thích vô cùng tốn kém thời gian khác nên chả kiếp nào tôi có nổi mười lăm phút mà tập thể thao.
Ngày nào tôi cũng vận động từ một đến hai tiếng |
Từ lúc đó, ngày nào tôi cũng vận động từ một đến hai tiếng, hoặc Yoga, hoặc Gym, Khiêu vũ, Aerobic, Kick box, cả múa Ấn Độ, môn nào cũng hào hứng chơi hết.
Từ một người sợ hãi thể thao và nỗi ám ảnh lớn nhất suốt 16 năm đi học không phải toán, lý, hóa mà là môn thể dục, giờ tôi được bình bầu là người chạy lâu nhất phòng tập vì có khả năng tập Gym một tiếng và chạy thêm một tiếng mỗi ngày. Thậm chí còn bị huấn luyện viên cá nhân thường xuyên cấm chạy vì sợ vận động quá nhiều hại cho sức khỏe.
Quay lại câu chuyện lúc đầu, cái cậu “set up” phòng tập ấy, cuối bữa tiệc tôi hỏi một cách kính nể:
Chắc em tập đều lắm nhỉ, mỗi ngày em tập mấy tiếng?
Không, em chả tập bao giờ vì không có thời gian. Hôm nào cũng mười hai giờ đêm em mới về đến nhà và thậm chí còn tiếp tục làm việc đến ba giờ sáng. Đến người yêu em nó cũng bỏ em vì em chẳng còn thời gian mà đi chơi với cô ấy.
Ngày nào tôi cũng vận động từ một đến hai tiếng |
Sau này, qua một người bạn chung, tôi nghe kể rằng cậu ấy vẫn độc thân, vẫn không người yêu, không tập thể dục mà chỉ chuyên chú “set up” cho các phòng tập thể dục.
Đã nhiều năm qua rồi, mỗi khi nản lòng bất cứ điều gì thì tôi lại nghĩ đến cậu “set up” phòng tập ấy để lấy lại sức mạnh tinh thần. Rằng suy cho cùng, nếu tôi không thực hiện được những “ưu tiên” của mình thì sẽ lại chỉ lý thuyết giống cậu.
Những cô người yêu của cậu đã dễ dàng bỏ cậu mà đi vì có lẽ rất nhanh chóng cảm nhận được rằng mình đang bị xếp ở vị trí sau cùng, sau tất cả những đam mê khác của cậu, và những lý do tưởng chừng như rất hợp lý của cậu đã trở thành bất hợp lý. Tôi không muốn Thần sức khỏe cũng rời bỏ tôi mà đi như thế, sau khi chạnh lòng vì thấy tôi đã xếp Sức khỏe cuối cùng trong bảng giá trị của cuộc đời mình.
“Chẳng có gì là không thể. Những người nói không thể chắng qua là họ không muốn làm cái việc ấy”. |
Di Li