(TGĐA) - Mấy năm gần đây, các tiệm sách hay ưa bày những cuốn sách dạy con kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Mỹ… (chứ không ai nhắc đến dạy con kiểu Việt Nam).
Trong các sách ấy, một trong những việc quan trọng đầu tiên các bậc cha mẹ dạy trẻ con là khả năng độc lập và thói quen tự chịu trách nhiệm. Đó là điều tuyệt nhiên vắng bóng trong cách giáo dục của người Việt. Nên dễ hiểu sao khi trưởng thành, người ta gặp chuyện là sẽ đổ lỗi cho hết thảy người xung quanh. Hết đổ cho người thì đổ cho thời tiết, đổ cho số phận, đổ cho thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa. Mà quên mất rằng ngay cả khi bạn cảm thấy chính bạn không có lỗi gì đi nữa vì lỗi gây ra hoàn toàn do thằng cộng sự dở hơi của bạn thì lỗi lớn nhất vẫn chính là bạn, vì chẳng ai khác ngoài bạn đi lựa chọn thằng dở hơi đó làm cộng sự, bạn tự chọn nó chứ có thế lực nào cưỡng ép bạn làm chuyện đó đâu.
khi trưởng thành, người ta gặp chuyện là sẽ đổ lỗi cho hết thảy người xung quanh |
Trong sách dạy con của người Mỹ, Pháp, Nhật Bản..., họ cùng thống nhất rằng nếu đứa trẻ bị vấp ngã, hãy khuyến khích nó tự đứng lên. Còn ở Việt Nam, nếu em bé ngã, bà bảo “Ôi thương, bà đánh chừa cái đất này làm em ngã”, mẹ ôm choàng bảo “Ôi mẹ thương, em có làm sao không?” và mắng cô ô sin trông em thế nào mà để em ngã. Trẻ em ở Việt Nam từ bé tí chưa bao giờ có ý thức rằng việc mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm, bởi vì “Em bé, em có biết gì đâu nào”.
Đến tiểu học, em bé bị bạn bắt nạt, tuần bảy buổi thì bốn buổi về nhà thâm tím, mẹ em sẽ rủa thằng bạn vũ phu mất dạy, sau đó đến gặp cô giáo, gặp mẹ của bạn vũ phu, và tiện thể gặp luôn cả bạn ý răn đe, tuyệt đối không hề ngạc nhiên rằng tại sao cả lớp có 50 đứa mà nó chỉ nhè mỗi con mình bắt nạt chứ không phải hơn 40 đứa còn lại, dù con mình về chiều cao và cân nặng còn to hơn những trẻ khác.
Nếu không tìm ra căn nguyên để hướng dẫn con kỹ năng sống đối mặt với những bóng ma học đường thì e rằng dẹp thằng nhóc này lại nảy nòi thằng nhóc khác bắt nạt.
Con lên cấp ba, nhỡ ra chơi bời lêu lổng, mẹ bảo là do con bị bạn bè lôi kéo |
Nếu em bé học không tốt, mẹ bé nghĩ phần lớn là do cô giáo (nên sẽ mang cân cam đến nhà cô giáo). Nếu học trò học không tốt, cô giáo nghĩ là do học trò dốt chứ không do mình. Thầy hiệu trưởng ở giữa dàn xếp bằng việc đưa thông điệp làm thế nào thì làm, đừng để trường này thành cái mặt mo trên Sở. Vì thế điểm trường nào cũng cao như nhau, nên có tên là trường điểm.
Con lên cấp ba, nhỡ ra chơi bời lêu lổng, mẹ bảo là do con bị bạn bè lôi kéo. Tôi có ông anh hơn 40 tuổi, đi nhậu về khuya mẹ vợ còn bảo vợ “Gọi mấy cái thằng bạn nó mắng cho trận, chỉ toàn rủ rê”.
Con lớn lên có gia đình, vợ chồng cãi nhau trăm trận nhất định không trận nào phân thắng bại vì không ai có lỗi thì sao ra kết quả được. Không ai có lỗi làm sao xin lỗi.
Sống với nhau một thời gian xuất hiện “con kỳ đà” chen vào giữa, vợ (hoặc khối ông chồng cũng theo cách này) thậm chí còn bí mật không cho chồng/vợ biết là mình phát hiện ra, bí mật đi gặp địch thủ để làm cho ra nhẽ, bởi vì vợ chồng ta là vô can trong chuyện này, lỗi là do nó quyến rũ, không có nó ta đã trùng phùng hạnh phúc.
Em bé nào sau này nổi tiếng rồi mà nhỡ bị tai tiếng là đích thị do lỗi của báo chí |
Kỷ lục có những chị phụ nữ dành cả cuộc đời để đi gặp cả thảy gần chục người đàn bà của chồng lận. Dàn xếp chưa xong vụ này đã phải lo sang vụ khác. Sau hàng xóm bảo “Thôi kệ nó, chân nó nó đi, già rồi nó về với mình chứ có đi được mãi không”. Chị tức tối bảo: “Chờ lão ngồi im một chỗ là đến 90 á”.
Cái văn hóa “Em bé em có biết cái gì đâu” khiến gần thế kỷ trước thi sĩ Tản Đà có vẻ cũng bất mãn lắm về... giáo dục nên mới phải thốt lên: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. |
Em bé nào sau này nổi tiếng rồi mà nhỡ bị tai tiếng là đích thị do lỗi của báo chí, vì “Nếu báo chí mà không nhúng vào làm cho to chuyện lên thì đã không rắc rối đến thế”, quên mất một điều rằng báo chí sinh ra chỉ có mỗi một việc là nhúng mũi vào chuyện người khác, báo chí không đưa chuyện thiên hạ thì chả lẽ tự kể chuyện trưa nay phòng phóng viên và ban trị sự liên hoan món gì hay sao?
Em bé nào sau làm ngành xây dựng mà cầu đường, công trình chậm trễ tiến độ thì hoặc là do lỗi người tiền nhiệm, hoặc lỗi của đối tác, hoặc lỗi thầu phụ, hoặc lỗi dự án thiếu vốn. Em bé nào làm đạo diễn mà phim đích thị là dở đi rồi (do cán mốc 99% bình chọn phim dở) thì là do lỗi nhà nước đầu tư ít, Trương Nghệ Mưu và Steven Spielberg đầu tư gần 200triệu đô/phim thì mới thu được tỷ đô chớ. Thi thoảng thì do lỗi dân trí thấp nên không biết cách xem...
Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công |
Lâu lắm rồi tôi không nghe thấy ai xin lỗi, đến học trò của tôi đi học không chịu làm bài thì cũng bảo do bị mất vở, do hôm qua nghỉ học nên không biết, do hôm qua ốm nằm nhà. Trò mà đến muộn thì nhất định là do lỗi của giao thông, lỗi của xe Wave Tàu chất lượng vô lương tâm nên hay hỏng dọc đường, do mấy cây xăng được đặt ở vị trí rất kém thông minh. Tôi đi dạy 17 năm tròm trèm một vạn học trò mà chưa từng nghe thấy trò nào xin lỗi cô một câu vì hai lỗi đi muộn và “quên” học bài cho cô mát lòng mát dạ.
Một lần tôi đi dự buổi nói chuyện của tiến sĩ tâm lý học lừng danh Menis Yousry, tác giả cuốn Tìm lại chính mình, người cứ mỗi lần đến Hà Nội, Sài Gòn thì đều có 500 người ùn ùn đến dự, ông nói rằng: “Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm”.
Trong cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo, một trong những sinh viên tài năng nhất thế kỷ, tác giả đã cho rằng: “Người thành công luôn là người chủ động, trong khi kẻ thất bại thì không. Người thành công luôn luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Nhận trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Bởi vì nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi thất bại, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyện. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn”.
Người thành công luôn là người chủ động, trong khi kẻ thất bại thì không |
Đại đức Alubomulle Sumanasara cũng nói tương tự trong cuốn Giải thoát khỏi sân hận: Người ta thắng là vì có phẩm chất và năng lực. Nếu không có cùng phẩm chất và năng lực như họ, bạn thua là lẽ dĩ nhiên. Nhưng kẻ thua cuộc lại thường nghĩ “Nếu không có kẻ đó, mình hẳn đã thắng” hay “Nếu không vì kẻ đó, mình hẳn đã có công việc như ý”.
Còn đại sư Ajahn Brahm thì khẳng định trong cuốn Mở cửa trái tim: “Việc đổ lỗi cho ai đó có thể khiến bạn thấy thỏa mãn khi sự việc diễn ra không như ý, nhưng điều đó hiếm khi giải quyết được vấn đề, giống như một người ngứa mông mà lại đi gãi đầu thì làm sao hết ngứa?”.
Di Li