(TGĐA) - Bạn bè tôi có khoảng hơn chục người đã ly hôn. Nhiều người đổ thừa rằng tôi hay chơi bời qua lại với những kẻ “không bình thường”. Nhưng sau đó tôi phải chứng minh rằng tại khu chung cư tôi đang ở có 24 hộ thì tới 7 gia đình đã ly hôn và các gia đình trong một khu chung cư thì chẳng có điểm chung nào mà tìm đến nhau, đó chỉ là một tất yếu của xã hội.
Loanh quanh chuyện tiệc tùng | |
Ảnh Nude và phim tự quay |
Theo số liệu từ năm 2005 thì cứ 13 giây trên thế giới lại có một cặp vợ chồng đòi ly hôn. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam cách đây 10 năm rất thấp so với các quốc gia khác, chỉ 1,7% ở độ tuổi từ 18 - 49, trong khi ở Anh Quốc và Hoa Kỳ là quá 50%. Tuy nhiên đến năm 2014 thì thông tin thu thập được từ ngành tòa án TP Hồ Chí Minh cho thấy ở đô thị này, tỷ lệ ly hôn là 40%. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là do các vụ ngoại tình hoặc bạo hành. Thống kê cho thấy cứ 3 gia đình thì lại có 2 cặp không chung thủy (vợ hoặc chồng, hoặc cả hai). Sau khi ly hôn, 50% phụ nữ và 33% đàn ông vẫn giữ nguyên lòng căm hận đối với người cũ dù chuyện “an bài” đã lâu.
|
Trong các cuộc ly hôn, có một nghịch lý rằng 2/3 phụ nữ chủ động đứng đơn (lý do là vì hành vi của các đức ông chồng không phù hợp) nhưng phụ nữ cũng lại là người khó quên và dễ dằn vặt nhất trong quá trình hậu ly hôn. Phải chăng theo cả số liệu trên báo lẫn quan niệm của người đời rằng phụ nữ thường gặp khó khăn hơn đàn ông trong việc tìm kiếm một gia đình mới nên đã hình thành một tư tưởng sợ hãi đầy định kiến. Tôi không nghĩ phần lớn các trường hợp đều như vậy vì những cô bạn của tôi (ở độ tuổi 30 - 45), sau khi ly hôn vài năm thì đều phấn khởi “khoe” một điều rằng số lượng “đuôi” theo đuổi giờ nhiều gấp… 10 lần thời con gái, trong đó có rất nhiều chàng trai chưa vợ sáng giá. Thậm chí họ si mê đến mức nằng nặc đòi kết hôn ngay lập tức mà những cô bạn tôi như con chim vừa thoát khỏi cành cây cong đều sợ hãi nên cố tình kéo dài tiến trình “tìm hiểu”.
|
Cũng một điều thú vị là các cô nàng vừa xong “tập một” đều có điểm chung là xinh đẹp hơn, trẻ ra và sự nghiệp thăng tiến vù vù. Nhiều cô đổ tại lý do là ông chồng cũ không hợp vía, hợp tuổi nên suốt bao năm các cô bị chồng “ám” chẳng làm ăn gì được. Nhưng sự lý giải khoa học sẽ dễ dàng chỉ ra rằng trong suốt thời gian vùi đầu vào cuộc sống gia đình, các cô mải mê hầu chồng, bận rộn với các trách nhiệm của gia đình nhà chồng, yêu chồng quá nên nhất nhất làm theo lời chồng không học hành phấn đấu, không quảng giao để gia cố thêm các mối quan hệ, đồng nghĩa cũng khó có cơ hội thăng tiến. Trước khi ly hôn, cô bạn nào của tôi cũng tuềnh toàng áo quần, tối mắt tối mũi lo hết giờ làm là về chăm chồng, chăm con. Chưa kể cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc trước đấy đã khiến các nàng lúc nào cũng ủ ê, trong khi thứ mỹ phẩm hữu hiệu nhất đối với một người phụ nữ lại chính là tình yêu và hạnh phúc. Giờ các nàng rảnh rang, con cái có ông bà ngoại hỗ trợ, nên thời gian chỉ dồn cho sự nghiệp và làm đẹp. Và tất nhiên, phụ nữ vốn có hai thế mạnh tự tin nhất là nhan sắc và trí tuệ (thành công về mặt xã hội), nên sự tự tin ấy giờ mới tỏa sáng khiến thu hút ngay cả nhiều chàng trai chưa từng có vợ.
|
Tôi có cô bạn đồng nghiệp năm nay 36 tuổi. Nàng một nách hai con, trước ngoài giờ làm chỉ biết ở nhà phụ cho quán cơm bình dân của mẹ chồng. Kinh tế thiếu thốn đủ bề mà chồng chẳng đỡ đần được gì mấy, lại còn o ép không muốn cho vợ đi làm thêm. “Muốn vợ chỉ ở nhà nhưng lại không đưa tiền, chị thấy có tai ác không”, nàng tâm sự với tôi trong một chuyến cùng đi công tác như vậy. Anh chồng sau đó còn có thêm vài mối tình ngoài luồng khác. Bạn tôi, sau chuỗi ngày chịu đựng, đấu tranh tư tưởng và tiến thoái lưỡng nan như mọi người phụ nữ Việt Nam khác thì rồi cũng đã quyết định ly dị. Sau ngày ra tòa, nàng là một cây lúa héo hon, gầy mòn, tàn tạ, lôi thôi luộm thuộm, ngơ ngác, quê mùa vì chưa từng được hưởng thụ và cũng chưa bao giờ ra khỏi biên giới Việt Nam. Khi ấy ai bảo gì nàng cũng làm vì đang cần tiền nuôi con. Nhưng chỉ vài năm sau, nàng lột xác thành một bông hoa lan sang trọng. Từ chỗ tiền ăn cho con còn thiếu, nàng tự mua cho mình được một căn hộ chung cư cao cấp, một xe hơi riêng và một công việc ổn định. Thú vui của nàng là năm vài lần đi du lịch châu Âu, châu Úc. Nhan sắc của nàng giờ mặn mà và phong thái quyến rũ hơn thời con gái. Nàng hoàn toàn bình yên, tự tin và hạnh phúc. Nhiều chàng theo đuổi, trong đó có một cậu kém nàng một tuổi đã cầu hôn nhưng nàng từ chối. Lý do là vì trong một lần về nhà chàng ăn tối cùng bố mẹ chàng, ăn cơm xong nàng đứng rửa bát.
|
Lúc đấy chị biết không, - Nàng bảo tôi – em cảm thấy sợ hãi. Em vừa thoát khỏi cái cảnh rửa bát suốt chục năm ròng, giờ em hình dung mình lại phải tiếp tục đứng rửa bát trong suốt cuộc đời còn lại…
Nàng nói thế thì tôi hiểu. “Rửa bát” chỉ là một biểu tượng. Nàng đang tự do, nàng ngại hàng tá trách nhiệm mới của gia đình nhà chồng đổ lên đầu nàng. Nàng thấy cuộc sống an nhiên tự tại mới tuyệt làm sao. Nàng có hai đứa con ngoan, có tài sản, có vị trí trong xã hội, có những đôi mắt ngưỡng mộ đuổi theo sau, có thể làm chủ thời gian để theo đuổi bất cứ thứ gì mình thích mà không cần phải nô lệ cho ai nữa. Khi người ta đang hạnh phúc trong tình yêu và có một người đàn ông yêu mình hơn cả bản thân anh ta thì sự nô lệ trong tình yêu đã trở thành tự do tuyệt đối, giống như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đã nói: Khi yêu cái xích dưới chân/ Thì xiềng xích ấy là thần Tự Do. Còn ngược lại, khi tình yêu đã cạn, hoặc tình yêu chưa tới độ, mọi sự ràng buộc đều trở thành nô lệ trá hình. Nàng bảo nàng ngại có con thêm nữa, trong khi chàng còn chưa vợ, chàng cần con cái. Đủ mọi ý nghĩ khiến nàng phải lừng chừng. Bốn năm trước, khi run run cầm trong tay tờ giấy ly hôn, hẳn nàng không bao giờ tưởng tượng được rằng sẽ có ngày mình vẫn còn quyền lựa chọn và rằng trên đời lại có điều gì hạnh phúc hơn hôn nhân.
|
Mọi người phụ nữ đứng trước ngưỡng cửa với một chiếc vali trong tay đều không nén nổi nỗi sợ hãi cố hữu, giống như chú lừa cả đời được nuôi trong chuồng trại đến gầy giơ xương cũng chẳng có dũng khí nào mà một mình bươn ra đồng cỏ tìm thức ăn.
Một cô bạn khác của tôi đã từng run rẩy khi đứng trước ngưỡng cửa như vậy. Ngày hôm qua nàng còn mong thoát khỏi anh chồng càng nhanh càng tốt vì không thể chịu đựng chàng ta thêm được một ngày nào nữa. Nhưng giờ đây khi có cơ hội đó thì nàng sợ hãi, nàng bảo nàng không khỏi sốc. Tôi bảo rằng cơn sốc đó luôn xảy ra mỗi khi ta rời bỏ một thói quen cố hữu. Ngay cả một chiếc xe máy cũ quen thuộc từ thời sinh viên, mà ta đã nhớ từng vết bẩn trên yên xe của nó, giờ cho đi vĩnh viễn để mua một chiếc xe mới, hẳn cũng không thôi bâng khuâng. Đó là cảm xúc tự nhiên đầy tính người. Và đừng nhầm lẫn thói quen cùi mòn với tình yêu và sự nuối tiếc, nhất là khi thời gian gắn bó với người chồng cũ còn vượt quá thời gian nàng đã từng sống thời hoa niên với mẹ của nàng. Có một người nói rằng: Ly hôn, đối với tôi cũng như tái ông mất ngựa, giống như thể tôi đánh rơi một chiếc nhẫn vàng và khi chui vào bụi rậm tìm nó trong sự tuyệt vọng thì đột nhiên tôi tìm được cả sợi dây chuyền kim cương.../
|
Trong cái không may có cái may. Nếu bạn cứ đứng yên một chỗ để chịu đựng sự lạc đường, chắc bạn không bao giờ có thể tin rằng chính con đường lựa chọn sai ấy sẽ dẫn bạn đến một vùng đất tốt đẹp hơn. Và cơ hội sẽ chẳng bao giờ đến với những ai không muốn đi tìm kiếm hoặc sợ hãi với ý nghĩa phải tiếp tục kiếm tìm. |
Phong cách sống: Thói quen | |
Đam mê & thành công |
Di Li