(TGĐA) - Việt kiều sống ở xứ người, trăm người thì có đến chín chín nhiễm một cái tật là bên này sướng lắm, nhà đẹp, đường sá đẹp, cỏ hoa đẹp, khí hậu đẹp, cả vầng dương cũng đẹp, vả lại thứ gì cũng có thể mua được, kể cả lòng lợn, mắm tôm. Mà tôi ghét nhất cái câu 'Thứ gì cũng mua được', đại loại 'Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Có những thứ nhiều tiền chẳng mua được đâu. Ừ thì ở giữa Manhattan, Sydney, Paris cũng vẫn mua được bánh khúc, xôi lạc, bánh giò, hột vịt lộn… nhưng còn tiếng rao của nó, là một phần hồn cốt của món ăn ấy thì vĩnh viễn, người Mỹ chẳng bao giờ làm ra được.
Mình ở giữa lòng Hà Nội, được thưởng thức tiếng rao đêm hàng ngày sướng nhất đời rồi còn kêu |
Ai báu gì tiếng rao cơ chứ, mất ngủ, xì trét lắm. Khối người nói thế. Lắm lúc tôi cũng thấy thế thật. Tôi vốn khó ngủ, nên nhiều lúc vừa chập chờn vào giấc thì lại bị một ông bánh bao, bánh khúc chen vô giữa mà khua dậy. Lúc ấy tức, muốn phi cái gối xuống đường lắm, nhưng mà lại tự an ủi: Thôi thì khối Việt kiều xa quê nhớ quay quắt tiếng rao đấy thôi. Chỉ thiếu điều họ thu vào máy ghi âm để nửa đêm bật lên nghe cho đỡ… nhớ.
Mình ở giữa lòng Hà Nội, được thưởng thức tiếng rao đêm hàng ngày sướng nhất đời rồi còn kêu. Lại nữa, không ai biết sao người bán rong mà đã cất tiếng rao là cứ phải rao đêm mới được. Chắc ban ngày người ta nhìn thấy gánh rong ấy rồi, không cần phải rao nữa. Đêm thì thiên hạ ở tịt trong nhà mới phải ới to lên cho cả làng cùng biết là tôi bán thức này.
Chắc ban ngày người ta nhìn thấy gánh rong ấy rồi, không cần phải rao nữa |
Lâu lắm rồi, tôi toàn ở trong các khu chung cư biệt lập nên cũng không biết trên phố cổ người ta rao hàng đến mấy giờ sáng, nhưng hôm ở trọ khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, khu phố Tây của Sài Gòn thì quả là mất ngủ. Cái LaFelix ấy nằm ngay mặt đường, cửa sổ không cách âm, xe cộ lũ lượt, Tây Tàu tới lui, hàng quán tấp nập. Quá nửa đêm nghe có vẻ êm rồi thì lại bắt đầu bị hành bởi tiếng rao.
Giọng miền Nam không rõ, lại còn rao lên bổng xuống trầm như hát nên chỉ loáng thoáng thấy những vịt lộn xào me, hột gà nướng, bắp xào, trứng cút, bắp trộn. Nghe tiếng rao đêm Sài Gòn không quen thì cũng khổ sở cả đêm, vào giấc mộng mị chỉ toàn những vịt lộn xào me với hột gà. Có đêm ngủ ngon, nhưng vô tình thức giấc lúc 1 giờ sáng, rồi 3 giờ, 4 giờ, canh mấy cũng vẫn thấy “vịt lộn xào me”. Những gánh hàng rong lang thang tới sáng chắc. Sài Gòn quả là đã đọ được “đêm trắng” với Hồng Kông và Tokyo, chí ít là cái vụ ăn đêm này.
Rao ban ngày thì chỉ có bán báo rong, lông gà lông vịt |
Nhiều người nhớ tiếng rao, nhưng cũng có những người sợ vẻ liêu trai của nó, nhất là tôi hồi bé. Lúc nhỏ tôi sợ nhất là ông tẩm quất. Giờ thì người ta spa, massage sau khi đã ngâm mình ở các bể sục Jacuzzi muối khoáng, ai mà thèm tẩm quất dạo nữa. Nhưng ngày ấy, quãng đầu thập niên 80, tẩm quất vẫn còn thịnh hành.
Nhà tôi ở đường Đại Cồ Việt, đêm mùa đông 9 giờ là đường đã vắng hoe hoắt, ngõ đã lặng tờ và tôi thì chui tít trong chăn. Thế mà tự dưng len giữa gió đông có tiếng rao quất vào bóng đêm “Aiii quất đê! Aiii quất nào!”. Chữ “tẩm” bị nuốt âm đi rồi, còn mỗi tiếng “quất” được nhấn âm sắc nghe rờn rợn. Nào tôi có biết mặt mũi ông tẩm quất dạo như thế nào. Mẩy ổng toàn đi ban đêm. Nhưng nghe giọng rao liêu trai thế nên tôi hình dung ra các ông trong trí tưởng tượng hãi lắm, lại càng rúc sâu nữa vào trong chăn, chỉ sợ cha tôi nổi hứng gọi một ông về nhà tẩm quất thì chết.
Nhà tôi ở đường Đại Cồ Việt, đêm mùa đông 9 giờ là đường đã vắng hoe hoắt |
Rao ban ngày thì chỉ có bán báo rong, lông gà lông vịt, hàn dép nhựa. Hàng xóm nhà tôi hồi ấy có ông Thường làm nghề hàn dép, ngày ngày đi rao với dụng cụ là thanh sắt cán dẹt một đầu. Ai có dép nhựa rách mang ra ổng sẽ nhóm lửa nung đỏ đầu thanh sắt rồi dí vào vết rách cho chảy nhựa xong gắn lại, chờ khô là đi được. Rõ khổ chỉ sau kỳ Đổi mới năm 86 là chả ai còn buồn đi hàn dép nữa, dép hỏng thì bán đồng nát. Rồi sau này dép có hỏng cũng vứt thùng rác chứ cũng không thiết lấy mấy đồng từ gánh đồng nát.
Bà Thường vợ ông thì bán cháo rong, thứ cháo hoa loãng ăn với cà muối và đậu phụ rim. Hàng ngày quẩy gánh vừa đi vừa rao. Hè đến thì bà đổi hướng kinh doanh bằng cách bán cơm nắm với muối vừng. Bà cũng chỉ bán cho khách lạ chứ người trong xóm thì không ai dám ăn vì có lần chính mắt tôi trông thấy bà nắm cơm bằng manh quần lót màu cháo lòng, loại quần bà bô bằng vải phin rộng thùng thình mà cắt làm đôi ra vẫn tận dụng được một nửa làm giẻ lau bát, một nửa nắm cơm. Tôi về mách với mẹ, mẹ tôi sợ chết khiếp, kể từ đó lúc nào cũng cảnh giác nhìn những nắm cơm trắng nõn của bà. Có lần bà ế hàng, mời mẹ con tôi một nắm nhưng “Mẹ con cháu cảm ơn, vừa ăn cơm no lắm rồi ạ”.
Hàng rong bẩn là chuyện thường |
Hàng rong bẩn là chuyện thường. Đến hàng bún chả từng bán cho người nổi tiếng và quán cá sang trọng bậc nhất khu phố tôi hay ăn mà tôi còn bới được mấy cái rau xà lách còn nguyên đất sét bám vào cuống, đằng này đã hàng rong, thực phẩm bưng đến tận miệng, giá rẻ hai phần ba mà lại còn đòi phải… an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhũng nhiễu thế bán hàng người ta bảo dở hơi cho đấy.
Nên nói thực, hàng rong là văn hóa đô thị xứ Việt, còn tiếng rao đêm là hồn cốt nơi phố thị, nhưng tôi chẳng bao giờ dám gọi hàng rong về ăn, nhất là món bánh bao.
Xem phim kinh dị Trung Quốc, từ phim cổ thời Thủy Hử cho đến phim hiện đại diễn ra ở hào nhoáng Hồng Kông, thì thấy bánh bao hay được đưa vào làm chủ đề. Ở đấy đạo diễn thường cho nhân vật nhồi bánh bao sau một vụ sát thủ bệnh hoạn.
Hàng rong là văn hóa đô thị xứ Việt, còn tiếng rao đêm là hồn cốt nơi phố thị |
Giờ đài báo còn đưa tin có ngôi làng chuyên nghề sơ chế thịt chuột. Chuột này không phải chuột đồng, mà là chuột cống khổng lồ, béo núc lên nhờ thực phẩm dưới rãnh, cả rãnh chạy ngang bệnh viện. Chuột được trụng nước sôi, tuốt lông ngâm cồn cho trắng phau lên, rồi xếp vào chậu chờ người đến giao hàng. Chuột được giao đi đâu, sử dụng vào món gì thì chả biết. Báo chí thì không phải nói gì cũng đáng tin hẳn.
Nhưng ảnh chụp lù lù ra thế kia. Nhân bánh giò, bánh bao thì băm nhuyễn ra, ăn thịt gì chả như nhau. Nên thôi ấy là…
Ngày nay cũng không còn ai rao miệng như xưa nữa, mà người ta thu âm vào băng rồi bắc ra loa “Ai bánh bao đê!”, “Bánh mì Bảo Hòa nóng giòn đơi!”, “Xôi lạc bánh khúc đây!”. Tiếng rao thường khó nghe, đừng tưởng người Bắc nghe tiếng Nam không ra thành gì mà khối người Bắc nghe tiếng Bắc cũng nhầm ra “Tôi là bánh khúc đây!”.
Thấy nội dung rao ngồ ngộ đâm gây tranh cãi, nên có người còn nhảy bổ ra gọi ông hàng bánh khúc vào, mua thì chẳng mua mà chỉ hỏi cắc cớ “Chúng tôi đang tranh cãi, phân định, ông rao Tôi là bánh khúc đây hay Xôi lạc bánh khúc đây?”
Giờ tiếng rao đêm cũng ít đi rồi |
Anh hàng mặc chiếc bu dông cáu bẩn lắp bắp. Rõ khổ. Rao cái gì mà còn chẳng nghe ra sản phẩm thì ai biết đường mà mua.
Giờ tiếng rao đêm cũng ít đi rồi. Có lẽ nhiều người cũng như tôi vậy, thành thử người mua ít đi. Cái vụ bánh nhân chuột chỉ là chuyện đùa nhau tí chơi. Nhưng đời sống cao dần lên, người ta đòi hỏi ăn ngon, ăn sạch, cả dân lao động cũng thế. Miết rồi không còn ai mua hàng rong nữa, thì tiếng rao đêm liệu mất hẳn hay không? Nhiều bận ở khách sạn xứ người, đêm trằn trọc khó ngủ, bỗng cô đơn mà nhớ quá một tiếng rao bánh bao, bánh khúc.
Rồi ra có bao giờ sống giữa thủ đô mà còn phải nhớ tiếng rao đêm của quá khứ và hoài niệm. Thôi thì cứ tranh thủ rao đi, dù tôi chẳng mấy ăn và dù tiếng rao có làm tôi mất ngủ, nhưng vẫn cần lắm cái hồn phố đã cỗi già tự bao giờ. Tết này, người hàng rong về quê an ấm hết, sẽ mấy ngày quạnh hẳn tiếng rao. Mà khi ấy, nhỡ có ai rao, thì thương lắm, hẳn nước mắt không buồn cũng vẫn hoài tự rơi./
Tết này, người hàng rong về quê an ấm hết, sẽ mấy ngày quạnh hẳn tiếng rao |
Tết này, người hàng rong về quê an ấm hết, sẽ mấy ngày quạnh hẳn tiếng rao. Mà khi ấy, nhỡ có ai rao, thì thương lắm, hẳn nước mắt không buồn cũng vẫn hoài tự rơi. |
Di Li