(TGĐA) - Nhiều lần đi làm diễn giả, thường là cho các chủ đề liên quan đến phụ nữ, tôi hay hỏi khán giả bên dưới một câu: Hạnh phúc là gì? Phần lớn đồng thanh: Hạnh phúc là tự bằng lòng với bản thân mình.
Đây là quan niệm phổ biến về hạnh phúc. Tự bằng lòng với bản thân mình để có được hạnh phúc là một điều phi thực tế, nếu không nói là bạn không thể, và không bao giờ nên tự bằng lòng với bản thân mình chỉ để nhằm mục đích sung sướng.
Ta có thể tự bằng lòng được không khi mà ta chứng kiến đứa con rứt ruột đẻ ra đang mắc bệnh nan mà không đủ tiền chữa bệnh? Ta tự bằng lòng được không khi mà bản thân ta bệnh tật quanh năm, lấy bệnh viện làm điểm đến chính của cuộc đời?
Ta tự bằng lòng được không khi ta đang sống trong một môi trường ô nhiễm toàn phần sông hồ, biển cả, không khí và hàng ngày chứng kiến cha mẹ, chồng con mình buộc phải ăn những thực phẩm “bẩn” do chính tay mình nấu lên?...
Tự bằng lòng nghĩa là ngồi im không thay đổi hoàn cảnh và điềm nhiên cho những điều đang diễn ra là ổn, là hạnh phúc, và cứ điềm nhiên thế cho đến hết đời.
Tôi lại định nghĩa hạnh phúc theo cách khác.
Năm 20 tuổi, tôi bắt đầu những công việc mà tôi đang làm. Dù non nớt và còn ấm ớ nhưng người tuyển dụng chấp nhận tôi, độc giả chấp nhận tôi, đồng nghiệp chấp nhận tôi, học trò chấp nhận tôi, xã hội chấp nhận được tôi trong cái thế giới không bao giờ hoản hảo này, nhưng tôi không thể chấp nhận chính mình, không chấp nhận tình trạng nơm nớp ngồi lo biết đâu một người chuyên môn cao nào đó nhìn thấu được sự thiếu hoàn hảo trong nghiệp vụ của mình, và đi đâu cũng im thít không dám phát biểu vì mặc cảm biết thân biết phận là mình chưa giỏi.
Tôi không thể TỰ BẰNG LÒNG với bản thân và tôi muốn THAY ĐỔI. Trong suốt 20 năm, tôi đã thay đổi không ngừng cho đến lúc tôi tự tin rằng dù có làm nghề gì, tôi cũng có thể đối chất với bất cứ người nào về mặt chuyên môn.
Và đến thời điểm này, tôi cũng vẫn không thể TỰ BẰNG LÒNG với bản thân, bởi thế giới luôn vận động không ngừng, một ngày ta ngừng lại là một ngày ta tụt hậu so với thế giới. Năm 22 tuổi ấy, tôi đã có biên chế ngay sau ngày đầu tiên rời trường đại học, chưa kể làm việc part-time cho rất nhiều cơ quan khác.
Thu nhập của tôi đã có thể hỗ trợ được cho mẹ, tôi chẳng phải xấu hổ với bất cứ người bạn cùng tuổi nào, nhưng nếu ngày ấy tôi TỰ BẰNG LÒNG, thì đến giờ, tôi vẫn in như thế, vẫn làm một người “tạm ổn” của tuổi 20.
Năm 20 tuổi, tôi chưa từng rời khỏi biên giới Việt Nam. Mà nói cho sang vậy chứ tôi mới chỉ rời Hà Nội có vài lần, đấy là 3 lần nghỉ hè lên Lạng Sơn nơi bố mẹ tôi tạm thời công tác và vài lần đi Côn Sơn, Chùa Thầy, Ba Vì cùng lũ bạn. Chấm hết. Mỗi lần nhìn thế giới qua màn ảnh nhỏ, mắt tôi tròn xoe ngơ ngác. Muốn tự đi khắp thế giới thì cần phải có tiền, có sức khỏe, có thời gian, có vài ngoại ngữ, có đủ uy tín để xin visa, có vốn sống, có kỹ năng sống để tự bảo vệ và đối mặt với mọi tình huống phát sinh ở những nơi xa lạ, mà tôi thì chẳng có gì ngoài… thời gian.
Tôi không thể TỰ BẰNG LÒNG với điều ấy, 1 tuần ngủ 7 đêm thì có đến 5 đêm tôi mơ thấy mình… đang đi du ngoạn, lúc ở Amazon, khi trèo Everest, đoạn lại bì bõm ở Carribe. Cho đến một ngày, tôi lọ mọ ở những nơi mà 20 năm trước, nghe địa danh ấy tôi còn chẳng biết nó ở châu nào trên Trái đất.
Cho đến một ngày, thi thoảng tôi lại đặt quả địa cầu trước mặt mình, xoay tròn, rồi chấm một điểm nào đó bên kia bán cầu, vài tuần sau tôi lên đường, đi theo tiếng gọi của bất kỳ điểm nào tôi muốn chấm lên địa cầu. Nếu năm 20 tuổi tôi tự bằng lòng, thì quả địa cầu giá 200k ấy, vẫn đơn thuần chỉ là học cụ môn địa lý của con gái tôi.
Năm 20 tuổi, tôi nặng 41 kg. Người trước sau giống một tấm bìa các tông. Với môn thể dục, nhiều lần sau một vòng chạy, tôi té ra gốc cây để nôn. Và đứng lên ngồi xuống đã là cả thử thách vì mắt tóe hoa cà hoa cải như pháo sáng. Nhiều lần tôi tự hỏi: Không biết có ngày nào trong cuộc đời, mình thực sự là một người khỏe mạnh không.
Đặc biệt là tôi mắc chứng say xe nặng nề, đến mức chỉ nhìn thấy ô tô thôi là đã quay cuồng. Tôi không thể TỰ BẰNG LÒNG với cái sức khỏe như vậy. Tôi cải thiện sức khỏe không ngừng từng ngày từng giờ. Cho đến lúc, tôi thực hiện hàng trăm chuyến đi với hàng trăm thành viên đoàn khác nhau, tất cả đều công nhận tôi có sức khỏe đáng kinh ngạc và bình bầu tôi là người sung sức nhất đoàn. Từ chỗ đi bộ cũng… say, giờ tôi có thể chạy trung bình 40 phút/ngày với độ dài 8km, bằng từ nhà tôi lên Cửa Nam và thêm một tiếng tập Gym.
Cô bạn thân tôi bảo cái môn chạy trên máy là chán ngắt và tẻ nhạt nhất, nhưng tôi luôn dấy lên niềm hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy số dặm chạy và số calo tiêu hao tăng dần trên bảng điện tử mỗi lần chạy. Tôi chưa bằng lòng với con số 40 phút và đang cố gắng tăng dặm chạy lên với 1 tiếng chạy mỗi ngày. Hạnh phúc của sự KHÔNG TỰ BẰNG LÒNG cũng như vậy.
Không bằng lòng với bản thân không có nghĩa là ngồi đó dằn vặt và nguyền rủa bản thân và tức tối khi người khác hơn mình. Không bằng lòng, nghĩa là bạn cần phải hành động để mang lại một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và những người xung quanh.
Không bằng lòng, đôi khi chỉ đơn giản là khoảnh khắc hình thành và thắp sáng một ước mơ mà thôi. Tôi hạnh phúc ngay trong khoảnh khắc ước mơ được nhen nhóm, cái ước mơ được thay đổi hoàn cảnh, thay đổi hiện trạng. Tôi hạnh phúc ngay cả khi nghĩ đến nó, như lúc ngồi trước quả địa cầu năm 20 tuổi vậy. Tôi hạnh phúc trong mỗi hành trình thực hiện ước mơ và hạnh phúc tột đỉnh khi ước mơ được thực hiện, trước khi tôi bắt đầu một mơ ước mới.
Bạn tự bằng lòng, nghĩa là bạn tự triệt tiêu đi mọi ước mơ.
Bạn tự bằng lòng, tức là bạn thỏa hiệp với mọi tồn tại và tiêu cực mà bất kỳ con người nào cũng cần phải nỗ lực cải thiện.
Người Việt có chỉ số hạnh phúc thứ nhì thế giới. Chỉ số này dựa trên các số liệu điều tra về sự tự bằng lòng với bản thân.
Chẳng phải tất cả các thành quả của nhân loại mà chúng ta đang hưởng thụ miễn phí của ngày hôm nay chính là từ những con người không bao giờ tự bằng lòng với bản thân hay sao? |
Tuy nhiên, những gì mà công dân ở quốc gia tự bằng lòng bản thân ham muốn sử dụng nhiều nhất là Iphone 8, xe Audi, Porsche, túi Prada, Hermes… lại được mua từ những người sáng tạo ra nó đang sống ở các nước có chỉ số hạnh phúc kém xa Việt Nam là Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật…
Những loại thuốc thang chế phẩm và máy móc y tế mà những quốc gia hạnh phúc hay dùng nhiều nhất cũng lại được mua từ những nước kém hạnh phúc. Và công dân các quốc gia hạnh phúc thường đổ xô đến các quốc gia có chỉ số hạnh phúc kém hơn để đi du lịch chiêm ngắm kiến trúc của họ, chưa kể được định cư ở lại luôn thì càng tốt.
Chính vì không bao giờ tự bằng lòng với bản thân mình nên người Anh, người Mỹ mới liên tục nghiên cứu và phát minh ra các loại công nghệ, sản phẩm khoa học tiên tiến phục vụ con người và không ngừng nâng đời các loại smartphone mỗi năm với những ứng dụng của phiên bản mới hơn hẳn phiên bản cũ. Cũng vì không bao giờ tự bằng lòng với bản thân mà âm nhạc, kiến trúc, hội họa, văn chương, điện ảnh của họ mới phát triển tột bậc. Y học, thiên văn học và kinh tế cũng phát triển như vũ bão.
Di Li