Từ chuyện di dân - nghĩ về thói quen phạm luật

(TGĐA) - 39 người trong chiếc container đông lạnh thực sự là câu chuyện u ám và đau lòng khiến rung động cả thế giới. Trong suốt nhiều thập kỷ nay, việc người Việt vượt biên bị chết thảm rất nhiều (chứ không phải chỉ bây giờ mới vậy), thậm chí chết gần hết cả gia đình…    

tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat Loanh quanh chuyện tiệc tùng
tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat Khi người đàn ông cũng hy sinh

Những năm gần đây, việc đi lại dễ dàng, thủ tục và việc xét duyệt visa cũng nhẹ nhàng hơn thế kỷ trước, nhiều quốc gia mở cửa chế độ định cư cho những công dân ngoại quốc có tay nghề cao, có đủ tài chính như Đức, Bồ Đào Nha, Canada. Chính vì vậy chúng ta chứng kiến thêm một làn sóng di cư mới từ những người Việt có thu nhập cao, khiến lan truyền một mặc định rằng đất nước này có thế nào thì người Việt mới phải cố sống cố chết mà đi như thế, nghèo cũng đi mà giàu cũng đi nốt, và càng ngày số người di dân càng cao. Tuy nhiên số người Việt di dân chưa bao giờ nằm trong top cao nhất, top 10 cũng không mà top 20 cũng không. Trong bảng xếp hạng di dân từ trang Diễn đàn kinh tế thế giới, Liên hợp quốc và New York Times năm 2017, những quốc gia di dân nhiều nhất lại là những nước có GDP đầu người cao hơn Việt Nam là Ấn Độ (16,5 triệu), Nga (10,6 triệu), Trung Quốc (10 triệu), Anh (4,9 triệu), Ý, Ba Lan (4,7 triệu), Đức (4,2 triệu), Ý, Mỹ (3 triệu). Như vậy vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng di dân là 25, đứng sau 24 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia giàu đẹp và trong lành về môi trường, khí hậu. Với số lượng di dân tính đến thời điểm 2017 là 2,7 triệu người, Việt Nam chỉ chênh hơn so với Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và Pháp mấy trăm ngàn người mà thôi. Tuy nhiên trong khi dân số Hàn bằng một nửa Việt Nam, thì nếu tính tỷ lệ phần trăm thì người Hàn Quốc di dân nhiều hơn ta.

tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat

Vì vậy, di dân là chuyện rất đỗi bình thường. Người ta có thể ra đi vì rất nhiều lý do, chứ không đơn thuần là vì tị nạn chiến tranh, chính trị, môi trường hay thoát nghèo.

Tôi cũng đã làm số liệu điều tra với 322 người bằng câu hỏi: “Nếu được quyền định cư đến bất cứ quốc gia nào bạn muốn, được phép mang theo cả gia đình thì bạn có quyết định di cư không?”. 322 người được hỏi nằm trong độ tuổi lao động từ 20 - 50 tuổi, trong đó có 30% là người lao động thu nhập thấp, 50% thuộc tầng lớp trung lưu và 20% người có thu nhập cao. Kết quả là 81/322 người chọn ra đi, tỷ lệ là 25,1%.

Đa phần lý do đưa ra là để cho con cái có được một nền giáo dục tốt hơn và có một công việc tốt hơn với điều kiện họ được mời định cư có giấy tờ đàng hoàng, sẵn nong sẵn né, được đi cả gia đình. Như vậy, không phải ai cũng mong muốn được ra đi bằng mọi giá. Đáng ngạc nhiên là những vấn đề chúng ta tưởng nhiều người rất e ngại là ô nhiễm và tệ nạn đều không được nhắc đến trong các lý do được nêu ra. Bên cạnh đó, những người chọn đi rơi vào tầng lớp trung lưu đã ổn định gia đình, công việc và thu nhập. Thanh niên trẻ và lao động phổ thông cực kỳ e ngại khi nhắc đến chuyện ra nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ, văn hóa và nhìn chung họ sợ hãi khi phải sang một quốc gia xa lạ. Những người thuộc tầng lớp trung lưu chọn ở lại chủ yếu với lý do yêu quê nhà và còn nhiều chằng níu về mối hệ bạn bè, họ hàng, hoặc đã quá quen thuộc với văn hóa Việt. Họ bày tỏ rằng họ chỉ thích đi du lịch hoặc đi học tạm thời những điều mới lạ, hữu ích để phục vụ cho quê hương. Trong số đó rất nhiều người có sẵn cơ hội mà không muốn ra đi, hoặc đã đi du lịch nhiều nên hiểu không đâu bằng nhà mình. Thêm một điều nữa là 92% số người chọn định cư ở nước ngoài đều mong muốn sống ở các nước châu Âu có phúc lợi xã hội cao và yên bình như Đức, Thụy Sỹ, Bỉ, Bắc Âu hoặc Úc, New Zealand thay vì Mỹ như chúng ta vẫn tưởng về một miền đất hứa.

Tóm lại, di dân không phải chuyện quá mới mẻ, bởi cả thế kỷ quốc gia nào cũng có người di dân. Vì vậy 2,7 triệu dân ra đi so với gần 100 triệu ở lại không phải con số quá lớn. Tuy nhiên việc đáng bàn ở đây là di dân theo cách nào. Chúng ta có thể sống ở nơi nào ta muốn, nhưng tuyệt đối không được theo cách phạm pháp. Việc làm phạm pháp, đặc biệt là liên quan đến luật pháp quốc tế thì không thể đổ lỗi cho bất cứ điều gì. Không phải cứ nghèo thì có thể phạm pháp. Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, có rất nhiều người nghèo, thậm chí còn không đủ thực phẩm để ăn, nhưng họ không phạm pháp. Đặc biệt là người Nepal, một quốc gia đông dân và nghèo nàn lạc hậu, nhưng họ ít phạm pháp và không vượt biên liều chết bất chấp pháp luật.

tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat

Người Việt Nam đặc biệt hay phạm pháp và thích đổ lỗi. Thậm chí sang đến nước ngoài an toàn rồi họ vẫn phạm pháp tiếp, và khi phạm pháp rồi thì ai cũng cho rằng “Tôi có muốn thế này đâu, là do hoàn cảnh bắt buộc”. Những vụ trồng cần sa lậu trong nhà kính hay trộm cắp, cướp giật, làm má mì, bảo kê dù sao vẫn chỉ là số ít. Có những thứ phạm pháp ở nước ngoài mà người Việt vi phạm nhan nhản vì người ta cho là rất đỗi bình thường, đấy là buôn lậu, chuyển tiền quốc tế bất hợp pháp, làm giả giấy tờ để xin lưu trú tạm thời, mở công ty ma để lưu hành đủ mọi loại hoạt động bất hợp pháp khác trong đó có dịch vụ làm hồ sơ giả mạo để xin quyền lưu trú, đưa người bất hợp pháp sang để lấy phí dịch vụ (một số phương pháp ít nguy hiểm hơn dùng xe container), ướp đủ mọi chất hóa học độc hại để bảo quản rau củ rồi bán ra trong chợ dành cho người Việt, buôn bán động vật hoang dã phi pháp. Và trăm thứ bà rằn phạm pháp khác mà chính cảnh sát bản địa cũng không hiểu nó là cái gì để mà xử lý vì người ta chưa gặp những cảnh ấy bao giờ. Tất cả những việc phạm pháp ấy, hoàn toàn không phải vì nghèo, mà có những người thậm chí kiếm được vài chục tỷ xây nhà ở Việt Nam rồi vẫn cứ tiếp tục làm việc phi pháp.

Ngay cả ở trong nước, người người nhà nhà cũng thoải mái vi phạm pháp luật, giống như một thứ “văn hóa thích phạm luật” thậm chí còn cho đấy là chuyện bình thường, và sẽ ngạc nhiên khi thấy có người làm to chuyện lên. Việc vi phạm luật giao thông, gian lận thuế, lấn chiếm vỉa hè và đất công, buôn hàng lậu, làm hàng giả, xả thải độc hại ra môi trường, dùng hóa chất độc hại đưa vào thực phẩm, tạo đấu thầu giả để ăn hoa hồng, tiêu thụ và giết hại động vật quý hiếm, săn bắt và lấy gỗ trái phép từ trước đến nay luôn được coi là chuyện vặt không có gì đáng phải bàn. Chính vì thiếu nhận thức về pháp luật và quen rồi khi chứng kiến ai cũng phạm luật nên chuyện người Việt thường gặp rầy rà với pháp luật ở xứ người rất nhiều. Đơn cử là vừa rồi hai lao động người Việt ở Angola mua mấy chiếc vòng ngà voi với vuốt sư tử về làm quà, khi quá cảnh ở Kenya, liền bị cảnh sát Kenya giữ lại rồi kết án… 6 năm tù giam theo luật định Kenya vì tội mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã. Hoặc có thi sĩ người Việt sang Paris tham quan, đứng đợi ở bến tàu điện ngầm nhưng nhầm làn, muốn sang bên kia để chuyển tàu mà ngại vòng đi xa nên dù biết là nguy hiểm, là bị cấm nhưng vẫn nhảy tót xuống đường ray để phóng sang kia cho nhanh, chỉ bởi nghĩ đơn giản là có khoảng cách mấy mét mà sao lại phải đi đường vòng tới mươi phút cho xa. Tức thì thi sĩ được mời lên đồn cảnh sát và bị giam giữ, làm tường trình mất đến nửa ngày mới được thả ra.

tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat

Cũng chính vì đã quen, đã “ám” với văn hóa này từ lúc sinh ra và lớn lên mà một người nghiêm túc như tôi đôi khi vẫn gặp những sự không thể quên ở nước ngoài. Là hôm ấy tôi đưa hai người bạn từ trung tâm đảo Santorini ra sân bay để bay về trước. Chúng tôi chỉ có một xe máy thuê, nên nghĩ rằng có thể chở ba rồi thả họ ở sân bay thay vì phải vòng đi vòng lại để về đón thêm người. Mới đi được có 500 mét thì tôi thấy có xe bám theo rồi ép vào lề đường, là anh chàng nhân viên cửa hàng cho thuê xe. Anh ta căn vặn sao lại chở ba. Tôi ngạc nhiên bảo vì tôi muốn đưa hai người này ra sân bay. Việc có gì đâu, đảo không một bóng người, toàn đường làng rộng thênh thang, cảnh sát thì từ lúc lên đảo chưa hề nhìn thấy, chở ba có vài cây số đâu có gì nguy hiểm. Anh ta ngạc nhiên cực độ rồi rong chúng tôi về trụ sở. Ở đó người chủ cơ sở cho thuê xe đã chờ sẵn. Họ nói rằng họ rất thất vọng về chúng tôi, làm sao chúng tôi lại có thể vi phạm luật giao thông đến mức ấy, rằng nếu chúng tôi muốn chở bạn ra sân bay thì có thể nhờ họ chở giúp cho một người chứ sao lại vi phạm luật giao thông. Họ làm cho chúng tôi thấy rằng việc vi phạm luật, dù chỉ là chở ba người đi vài cây số là điều chưa từng có từ ngày đảo Santorini trồi lên khỏi mặt biển. Và họ nói một câu khiến tôi xấu hổ đến hết đời “Đây là Hy Lạp”. Và còn nhiều ví dụ khác nữa không thể kể hết…

Vấn đề ở đây không phải ta nghèo thì ta mới di dân, và ta nghèo nên ta buộc phải phạm pháp. Một quốc gia cũng giống như một gia đình khổng lồ. Gia đình nghèo mà nền nếp, thì có phải sớm muộn rồi cũng sẽ tiến bộ và hạnh phúc. Còn gia đình có của ăn của để mà anh chị em, cha mẹ con cái lục đục nhau để tranh giành gia tài, hoặc làm những điều tồi tệ mà quên đi kỷ cương, gia phong, luật lệ, nhân văn thì đó mới là vấn đề…

tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat Ông quan ở xứ hoa Tulip
tu chuyen di dan nghi ve thoi quen pham luat Phụ nữ ly hôn

Di Li