Sống

Quà Tết bây giờ

(TGĐA) - Tôi dạy cộng tác cho một trường đại học. Gần đến ngày 20/11, chủ nhiệm khoa và các giảng viên ở đó mới buồn buồn mà nói với tôi: Học trò ở đây chả chúc mừng thầy cô bao giờ. Tôi ngạc nhiên: Thật vậy ư?    

qua tet bay gio Từ chuyện di dân - nghĩ về thói quen phạm luật
qua tet bay gio Ông quan ở xứ hoa Tulip

Hôm ấy tôi lên lớp giảng và thẳng thắn chia sẻ với các trò về một điều chưa tiện nói, mà sẽ không ai nói cho các trò biết cả. Bởi dẫu sao, tôi cũng chỉ là giảng viên dạy cộng tác một môn học, chỉ là khách của nhà trường, hôm ấy lại mới có 15/11, là buổi dạy cuối cùng của tôi sau khi đã hoàn thành toàn bộ các đầu điểm cho học trò, từ hôm nay, trò sẽ không còn gặp lại tôi trên giảng đường nữa, đấy là tất cả những lý do tôi là người có thể nói được những điều mà không thầy cô giáo nào trong trường dám chia sẻ với học trò của mình.

qua tet bay gio

Tại sao các trò không bao giờ chúc mừng và tặng quà cho thầy cô giáo trong suốt cả bốn năm học vừa qua? – Tôi mở lời.

Các trò sững người kinh ngạc. Họ bất ngờ vì câu hỏi của cô giáo.

Các trò có biết rằng các thầy cô buồn lắm vì điều này không? Quà, chỉ cần là một tấm thiệp tự làm hoặc một chiếc cốc sứ lưu niệm, vài bông hoa hồng hoặc một tấm thiệp điện tử. Bất quá thì một lời chúc mừng trên Facebook. Người làm nghề dạy học, cả năm mới có một ngày Tết nghề, họ đi giữa rừng hoa trên đường phố, giữa các đồng nghiệp mặt tươi như hoa vì đang tay xách nách mang các bó hoa, giữa những người nhộn nhịp chạy ngược chạy xuôi mua hoa tặng thầy, mà lại không có nổi một tấm thiệp chúc mừng mang về đặt trên bàn để hãnh diện khoe với gia đình. Vậy thì khác gì cảm giác của các nữ sinh đang ngồi đây, nếu ngày 8/3 thậm chí không có một tin nhắn chúc mừng.…

Các trò đang học môn Quan hệ công chúng mà tác phong sơ đẳng nhất của việc ngoại giao cũng không có. Các trò chỉ còn vài tháng nữa là sẽ tốt nghiệp và xây dựng sự nghiệp cho mình mà kỹ năng giao tiếp tối thiểu cũng bỏ qua. Nhưng quan trọng hơn, dường như các trò không chút gì gợn lên một sự biết ơn đối với những người đã mang lại kiến thức cho mình.

qua tet bay gio

Tôi nói câu cuối cùng này với một tiếng thở dài nặng nề, trong khi học trò vẫn ngây người vì lần đầu tiên được nghe thấy những điều ấy. Tôi cũng nhớ ra rằng, con gái tôi đang học cấp ba, từ thuở vỡ lòng đến giờ, năm nào con cũng được mẹ sắp cho những túi quà nho nhỏ khi đã sát ngày 20/11. Suốt hơn 10 năm ròng như thế. Tuy nhiên, lần nào con cũng vùng vằng, nại ra đủ lý do này đến lý do khác để không chịu chúc mừng các thầy cô giáo, chỉ vì chẳng bạn nào làm như thế, một mình mình làm vậy thấy kỳ. Cứ đến kỳ 20/11, tôi thường phải từ gay gắt đến ngọt nhạt để đối thoại, phân tích, đàm phán, chứng minh, thuyết phục rất lâu với con về mỗi một chuyện cỏn con là: Thầy giáo của con sẽ rất hạnh phúc khi nhận được món quà nhỏ này. Nhưng vô ích. Con gái tôi làm theo các bạn, vì không bạn nào chúc mừng thầy cô cả.

Từ lớp 1 con gái tôi đã học trường dân lập. Ở trường tư không có chuyện phải nịnh thầy cô giáo, không phải xin điểm, vì thế các gia đình không mấy khi bận tâm đến chuyện quà cáp. Hơn nữa, con gái tôi luôn dẫn đầu lớp về điểm số và nề nếp nên được các thầy cô rất yêu quý, tôi không có lý do gì để phải nịnh thầy cô giáo của con. Lý do duy nhất tôi luôn chuẩn bị những món quà để con mang đến trường vào ngày đại lễ này là vì tôi cảm nhận niềm vui rõ rệt và sự tự hào trong mắt những người thầy khi thuở nhỏ, tôi vẫn tự động gói những chiếc khăn bông bay, vuông vải kaki hay chiếc cà vạt lụa mang đến tặng thầy cô. Học trò hồi ấy nghèo gấp trăm lần bây giờ, mà chẳng bao giờ quên sự hiếu đễ ấy.

qua tet bay gio

Đó như một thứ văn hóa, một truyền thống, sự tôn trọng và tình cảm nguyên sơ của trò dành cho cô, thầy. Cớ sao học trò bây giờ trở nên vô cảm? Phải chăng họ coi việc dạy và học là mối quan hệ sòng phẳng, mình đóng tiền học phí và thầy cô nhận tiền lương, việc học và dạy là nghĩa vụ, là đương nhiên. Xong việc sẽ thậm chí coi nhau chỉ là người quen. Phải chăng việc mua điểm đổi quà bây giờ nhan nhản khiến cho học trò nghĩ quà phải là thứ to tát, giá trị, và quà phải đạt được mục đích, lợi ích, nếu không phải thế thì quà chỉ là thứ phù phiếm, vô ích, thậm chí ngượng ngập, dớ dẩn và dở hơi. Phải chăng vì học trò nhìn ra xung quanh thấy người lớn từ lâu đã thay quà bằng phong bì cho tiện lợi, đến nông nỗi đám cưới, đám ma người ta phải thuê thợ ảnh đứng cửa chụp hình từng khách vào mừng, vào phúng để sau này còn nhớ mặt mà “giả ơn”. Người ta đi thăm người ốm, đi tiệc thôi nôi, đi khánh thành nhà mới rồi vội vàng ra về sau khi giúi vội chiếc phong bì như một sự điểm danh và trả nợ đồng lần. Và cả đi Tết nhà sếp nữa, mà quà là cân cam, hộp mứt thì quả là bêu riếu cả đại gia đình.

Văn hóa là thứ được truyền thụ không cần bằng lời. Nó ngấm vào những đứa trẻ như làn sương ẩm xâm lấn vào từng thớ gạch vững chãi, khiến vách nhà có bằng bê tông chăng nữa thì giữa mùa nồm cũng trở nên ẩm xì. Sống giữa “văn hóa quà” ấy, học trò thực dụng dần đi, và kinh ngạc khi nghe thấy cô giáo hỏi: Tại sao 20/11 các con không tặng nổi các thầy cô một tấm bưu thiếp.

qua tet bay gio

Có người lớn bảo, vì có thể thời nay khác đi rồi, học trò cũng nghèo, thầy cô thì toàn đi xe hơi, mà lớp góp nhau lại rồi mang món quà vài chục ngàn đem tặng khéo thầy giáo còn ghét cho thêm. Nghe quan điểm ấy mới thấy, người lớn đã dần làm hư con trẻ, làm hư một cách vô hình mà bản thân không nhận biết. Xong đâu đấy xem báo đài hàng ngày mới lại than phiền vì sao mà thanh niên thời nay vô cảm và thiếu nhân văn. Tôi nhớ vừa tuần trước thôi, một nhóm những người quen biết xin học hát thầy giáo, NSƯT Đức Long. Nhóm ấy gần chục người, gồm diễn viên Minh Châu, nhà báo Võ Hồng Thu, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, nhiếp ảnh gia Tuệ Ân… hẹn nhau buổi đầu tiên đến thỉnh giáo thầy để hẹn lịch học. Tôi đến muộn nửa tiếng, lúng túng tiến vào với lẵng hoa trên tay, thấy lác đác có tiếng cười và vẻ mặt cảm động khi nhận hoa của người thầy không dạy chữ, cũng chưa một ngày học. Hóa ra họ cười vì không ai bảo ai mà trên bàn cũng lúc lỉu quà: Kẹo dồi của chị Minh Châu, cam sành của chị Đỗ Dung, và những vòng tết chỉ may mắn của anh Tuệ Ân…

Đúng kiểu quà 20/11 thời bao cấp rồi, có hoa, có cam, có kẹo dồi.

Cớ sao cứ quà là phải có giá trị? Người ta quen thế rồi chăng? Khi đọc cuốn “Mùi của ký ức” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tôi xúc động khi tác giả kể lại tuổi thơ giữa những cánh đồng hoang dã bao quanh làng Chùa, ở đó quà của dân làng tặng nhau mỗi dịp Tết nhất, lễ lạt hoặc thậm chí ngày thường chẳng nhân dịp gì chỉ đơn giản là dăm cái bánh khúc nóng, cân gạo nếp quê để dành hoặc chục trứng gói kỹ vào túi nải cho khỏi vỡ khi đi bộ sang tận làng bên. Người ta lại bảo, thời nay ai tặng quà rẻ tiền thế nữa, có mà ngượng cả chủ lẫn khách. Ừ thì bây giờ người thành phố thế kỷ 21 đến nhà nhau không tặng trứng gà hay bánh khúc, nhưng tôi có bạn bè từ khắp năm châu, mỗi lần họ bay đến Hà Nội và lại nhà tôi chơi, không bao giờ quên mang theo một món quà. Quà thường là phong chocolate, chiếc khăn voan nhỏ xíu, một cây nến thơm trang trí, hay chiếc khăn tắm để trải bãi biển. Chỉ là thế thôi, không bao giờ là quà giá trị, nhưng không bao giờ họ quên mang quà. Bởi quà chính là văn hóa, là tấm chân tình.

qua tet bay gio

Tôi có cô bạn thân lấy chồng người Úc. Đến ngày của Mẹ, bà mẹ trẻ thức dậy và dọn chăn màn như mọi lần thì bất ngờ tìm thấy một phong chocolate đặt dưới gối, kèm theo một tấm bưu thiếp với những nét viết quen thuộc: Chúc mừng vợ của anh, người mẹ vĩ đại đã sinh cho anh một cậu hoàng tử và một cô công chúa. Anh biết ơn em và luôn yêu em! Cô bạn tôi lập tức òa khóc vì cảm động, và hạnh phúc suốt cả ngày hôm ấy, suốt cả cuộc hôn nhân đã kéo dài gần hai chục năm. Vậy cớ sao quà 8/3 hay Valentine cứ phải là đồng hồ bạc tỷ, nhẫn kim cương hay chí ít cũng phải chiếc túi Louis Vuitton. Bởi người ta nghĩ: Nếu không thì gì cũng được, chứ ai lại mỗi tấm thiệp và phong chocolate, như thế biết lên Facebook khoe với ai.

Quà 20/11 cho người thầy, hay quà Tết cho người mà mình trân quý và biết ơn sâu nặng chính là cái gốc của văn hóa, văn minh và tình yêu thương giữa người với người. Nếu ngay cả điều ấy cũng khác đi rồi, thì bảo sao thời đại này lại chẳng có những chuyện mắc cười là người ta tặng quà người yêu, đến khi bỏ nhau rồi thì cù quay nằng nặc đòi quà, rồi tới những chuyện giật gân thường ngày trên báo mạng khi mà quà tặng lại phải liên quan đến tù tội, chỉ vì quà ấy chẳng phải là cân cam mà có giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ.

Có phải thời bây giờ, được tặng quà mà đâm cũng buồn!

qua tet bay gio Loanh quanh chuyện tiệc tùng
qua tet bay gio Yêu và Thương

Di Li